Aa

Hôm nay, Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm

Thứ Năm, 25/10/2018 - 01:49

Theo lịch trình, sáng nay (25/10), Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bằng hình thức bỏ phiếu kín. Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ công bố kết quả kiểm phiếu.

 

 Sáng nay (25/10) Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bằng hình thức bỏ phiếu kín. Ảnh: QH

Sáng nay (25/10) Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bằng hình thức bỏ phiếu kín. Ảnh: QH

Phiếu tín nhiệm là “thước đo” hiệu quả công việc

Sáng 25/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Về lần lấy phiếu tín nhiệm này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho biết, trong kỳ họp Quốc hội khóa XIII, Quốc hội cũng đã lấy phiếu tín nhiệm đối với các lãnh đạo, chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Qua lần lấy phiếu tín nhiệm này đã thể hiện năng lực, đóng góp của từng thành viên Chính phủ. Có những Bộ trưởng khi lấy phiếu ở kỳ thứ nhất thấp, sau đó phấn đấu hoàn thành rất tốt, xuất sắc nhiệm vụ được giao thì phiếu đánh giá đạt rất cao. Chính vì vậy, phiếu đánh giá năng lực, tín nhiệm giúp cho các đại biểu làm việc tốt hơn. Việc lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp này sẽ thể hiện được kết quả mong muốn giống như kết quả tình hình phát triển KT-XH của nước ta trong nửa nhiệm kỳ qua.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, trong lần lấy phiếu tín nhiệm này, các đại biểu Quốc hội đã có sự chuẩn bị để bỏ phiếu một cách công tâm, khách quan, vô tư, trung thực. “Đại biểu sẽ đánh giá các thành viên được lấy phiếu tín nhiệm dựa trên cơ sở các hoạt động từ đầu nhiệm kỳ đến nay về những vấn đề được cử tri quan tâm, được Quốc hội xem xét, các vấn đề đó đã được hồi đáp ra sao, đã làm được gì và chưa làm được gì… Ngoài ra, đó còn là một kênh thông tin giúp các đại biểu đánh giá được mức độ tín nhiệm qua ý kiến của đông đảo các cử tri trên cả nước. Các đại biểu sẽ bỏ phiếu tín nhiệm với tinh thần thẳng thắn, khách quan và công tâm nhất”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho rằng, hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm giúp khẳng định được uy tín và nỗ lực hoàn thành tốt công việc của những đại biểu được lấy tín nhiệm. Còn những đại biểu có tín nhiệm thấp sẽ phải có những chương trình hành động cụ thể khắc phục được điểm bất cập, hạn chế của mình trong trong các lĩnh vực phụ trách. Kỳ này Quốc hội đã cung cấp sớm cho các đại biểu những báo cáo đánh giá thực hiện nhiệm vụ của các đại biểu từ đầu nhiệm kỳ tới nay để có cơ sở cho Quốc hội đánh giá, nhận xét.

Phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Bộ TT&TT

Sáng 24/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ TT&TT. Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13, căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH15, căn cứ nội quy kỳ họp, căn cứ đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ biên bản kiểm phiếu, quyết nghị phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT thông nhiệm kỳ 2016-2021.

Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT với 461/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,05% tổng số đại biểu. Vói kết quả nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thay mặt Quốc hội chúc mừng tân Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và mong muốn tân Bộ trưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà đại biểu Quốc hội giao phó.

Trước đó, tại phiên họp toàn thể chiều 23/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình về phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT. Thủ tướng giới thiệu ông Nguyễn Mạnh Hùng, người đang giữ chức vụ Quyền Bộ trưởng TT&TT để Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm. Ngay sau khi nghe Thủ tướng đọc tờ trình, Quốc hội thảo luận ở đoàn về việc phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ này. Đồng thời, Quốc hội cũng bỏ phiếu và biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT đối với ông Trương Minh Tuấn.

Theo quy định của Nghị quyết 85, người được lấy phiếu tín nhiệm là những chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn đủ điều kiện đảm nhiệm chức vụ đủ một năm trở lên. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trừ trường hợp Chủ tịch nước và Bộ trưởng TT&TT vừa được bầu/phê chuẩn, còn 48 chức danh thuộc diện lấy phiếu tại nhiệm kỳ này, được chia thành các nhóm cơ quan: Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, khối Tư pháp, Kiểm toán.

 

Đại biểu Bùi Văn Cường (đoàn Gia Lai) cho rằng, chủ trương lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn là chủ trương rất đúng của Đảng và Nhà nước, trên cơ sở đó với trách nhiệm là đại biểu nhân dân, được nhân dân tín nhiệm bầu ra có chức năng giám sát chức danh các cơ quan nhà nước. Từ đó làm đội ngũ cán bộ ngày càng trong sạch hơn, vững mạnh hơn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt là những lời hứa trước nhân dân, trước Quốc hội, cử tri, sẽ được các đại biểu đánh giá, thẩm định.

Minh Anh

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top