Tà Xùa trước đây được biết đến là nơi cho ra loại trà san tuyết cổ thụ và những quả sơn tra thơm ngon. Từ khi nổi lên với tên gọi “Tà Xùa thiên đường mây”, nơi đây đã trở thành một điểm du lịch thu hút đông đảo du khách.
Nằm ở độ cao khoảng 1.500m – 1.700m so với mặt nước biển, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, cảnh quan hùng vĩ, là xã vùng 3 của huyện Bắc Yên, nằm cách trung tâm huyện khoảng 14 km, với 99% là đồng bào dân tộc H’Mông.
Điều du khách dễ nhận thấy khi đến với Huyện Bắc Yên và cụ thể là điểm du lịch xã Tà Xùa, xã Háng Đồng,... thời gian gần đây là hệ thống cơ sở lưu trú phát triển rất nhanh về số lượng, tuy nhiên chất lượng phục vụ còn chưa cao, chưa có nhiều sản phẩm du lịch phục vụ du khách...
Việc đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ ngành du lịch còn rất thấp, nhất là mạng lưới điện, đèn chiếu sáng, hệ thống cấp thoát nước, cơ sở hạ tầng y tế, hệ thống thu gom, xử lý rác thải, khu vui chơi, giải trí.
Nhiều nhà nghỉ, Homestay đua nhau xây dựng tạm bợ ghé vào sườn núi với vật liệu tôn, sắt, tre, gỗ và không theo một quy hoạch nào khiến cho khu du lịch, các điểm tham quan và cảnh quan nơi đây trở nên nhếch nhác, mạnh nhà nào nhà đó làm và tất cả đều đua vươn ra sườn núi.
Đoạn đường đèo hơn 10 km từ huyện Bắc Yên lên Tà Xùa quá xấu, ngoằn nghèo uốn lượn với dốc cao 12% nguy hiểm dễ sạt lở và chưa có hộ lan kiên cố, không đủ an toàn để xe khách to có thể di chuyển. Đường đèo khá hẹp khiến xe 7 chỗ cũng rất vất vả khi tránh xe đi ngược chiều. Được biết năm 2022, một xe ô tô di chuyển từ huyện Bắc Yên lên xã Tà Xùa, đến địa phận bản Chung Trinh đã bất ngờ lao xuống vực sâu. Vụ tai nạn khiến hai bố con tài xế tử vong, người còn lại bị thương nặng.
Theo khảo sát, một số người dân tại trung tâm xã Tà Xùa cho biết: Đất ở khu vực này hiện đang có giá khá cao bởi nhu cầu làm nhà nghỉ, kinh doanh nhà hàng. Một lô đất mặt đường tại khu trung tâm gần sân mây có chiều ngang 10m và chiều sâu tiến vào phía núi thoải mái nếu chủ nhân đầu tư san đất núi, ô đất như vậy có giá gần 17 tỷ đồng. Những ô đất vị trí cách xa sân mây nhưng ở mặt đường trong xã cũng có giá cả chục tỷ đồng.
Chất lượng dịch vụ chưa tương xứng?
Lượng du khách đổ về Tà Xùa mỗi năm không nhỏ, tuy nhiên, không phải tất cả du khách đến đây đều có trải nghiệm trọn vẹn. Gần đây, dịch vụ du lịch ở Tà Xùa đang nhận về nhiều đánh giá không tốt. Khá nhiều du khách có nhận xét về nơi lưu trú, nhà hàng và phương tiện di chuyển là 3 điều bất cập nhất trong dịch vụ du lịch ở Tà Xùa.
Homestay ở đây còn tính giá phòng cuối tuần cho cả thứ sáu, trong khi ở rất nhiều nơi mức giá cuối tuần thường chỉ áp dụng cho thứ bảy, Chủ nhật. Thức ăn cũng đắt đỏ không kém nhưng chất lượng phục vụ không tương xứng.
Anh Quân và gia đình đến từ Hà Nội cho biết: “Phòng ở Tà Xùa quá đắt, giá gấp đôi và có thể là gấp ba so với những địa điểm khác mà tôi đã đến nhưng cung cách phục vụ lại không được như mong đợi. Một phòng đơn giản tại trung tâm xã có giá hơn 2 triệu đồng cho 1 đêm nhưng không hề có dịch vụ gì, không kèm ăn sáng, gia đình tôi có hỏi mấy nhà nghỉ nhưng giá cũng đều trên 1,5 triệu đồng.
Anh Quân cũng cho rằng khá nhiều nhà hàng đều có mức giá khá cao nhưng chất lượng món ăn chưa ổn. Một mẹt thịt nướng cho 4 người ăn giá 800 nghìn đến 1 triệu đồng. Một nồi lẩu gà nước trong veo với vài lá hành cho 2 người giá gần 700 nghìn đồng gồm ½ con gà và rau. Một con gà, vịt nướng giá gần 600 nghìn đồng”.
Gia đình chị Lan đến Tà Xùa nghỉ 2 đêm, chia sẻ: “Từ trung tâm xã cho đến các điểm du lịch có nhiều cung đường xuống cấp, đất đá lổn nhổn, nhiều đoạn ngập nước,…nhưng chưa được xử lý. Tại các điểm tham quan, tình trạng chèo kéo du khách diễn ra phổ biến như mời vào nghỉ chân uống nước, mời đi xe máy,…khiến không ít du khách phiền lòng.
Gia đình tôi thuê xe máy tại đây để tiện đi lại nhưng giá 200 nghìn đồng một ngày chưa có xăng là cao hơn những điểm du lịch khác, gửi xe máy tại địa điểm tham quan “sống lưng khủng long” là 10 nghìn đồng, và 40 nghìn đồng 1 xe ô tô, tất cả dịch vụ đều do người dân tự thu”.
“Khẩu phần thức ăn khá ít so với mức giá, hương vị của các món ăn tại nhiều quán ở Tà Xùa không ấn tượng. Gia đình tôi gọi mâm đồ nướng có giá hơn một triệu đồng nhưng lượng thức ăn rất ít”, chị Lan cho biết.
Theo anh Quang - Đại diện của một homestay lớn ở Tà Xùa và đã có nhiều năm kinh doanh dịch vụ lưu trú: “Loại hình lưu trú phổ biến nhất ở Tà Xùa là homestay. Việc các homestay đưa ra mức giá cao có 3 nguyên nhân. Tà Xùa hiện là điểm du lịch có giá đắt đỏ bậc nhất Việt Nam, cả về lưu trú, di chuyển và ăn uống.
Không thể phủ nhận rằng ở đây có tình trạng chặt chém nhưng việc giá homestay cao so với mặt bằng chung là do các yếu tố khách quan và thị trường cung cầu. Ngoài ra mức giá thức ăn ở đây cao do vận chuyển khó khăn, hầu hết nguyên liệu không có sẵn, phải nhập với chi phí đắt đỏ, khí hậu cũng không thuận lợi”.
Thiết nghĩ, chuyện du khách phản ánh về dịch vụ du lịch ở một nơi nào đó không phải là điều mới lạ. Song mỗi lần như vậy cũng là một lần để những người yêu du lịch, những người làm du lịch ở vùng đó phải bình tâm nhìn nhận và đánh giá lại, đồng thời cần nỗ lực hơn từng ngày, tránh tình trạng du khách sau khi đến đây một lần sẽ không muốn quay lại.