Aa

Hơn 1500 dự án tồn đọng, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị quyết xử lý

Chủ Nhật, 30/03/2025 - 16:20

Ngày 30/3, Thủ tướng chủ trì buổi làm việc, bàn các giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho hơn 1.500 dự án đã tồn đọng kéo dài.

Hơn 1500 dự án vướng mắc, chậm giải phóng mặt bằng

Báo cáo tại phiên họp, đại diện Bộ Tài chính cho biết, tổng số các dự án đang gặp khó khăn vướng mắc là 1.533 dự án. Trong đó, có 338 dự án đầu tư công, 1.126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án PPP.  

Về thẩm quyền xử lý, có 22 dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, 136 dự án thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ tướng, 107 dự án thuộc thẩm quyền xử lý của các bộ ngành và còn lại là thẩm quyền xử lý của các địa phương.

Ngoài ra, Bộ Tài chính nhận được văn bản của doanh nghiệp phản ánh về 12 dự án gặp khó khăn, vướng mắc.

Hơn 1500 dự án tồn đọng, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị quyết xử lý- Ảnh 1.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Bộ Tài chính đã sơ bộ phân loại các khó khăn, vướng mắc thành 17 nhóm vấn đề: Xử lý tài sản công; quản lý, sử dụng, bố trí vốn đầu tư công; chuyển mục đích sử dụng đất; dừng, thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án… Đồng thời, phân loại các dự án theo thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành, địa phương.

Hiện tại, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 170/2024/QH15 về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa; Nghị quyết số 171/2024/QH15 về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 233/NQ-CP về chủ trương, phương hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Dự kiến, các cơ quan sẽ trình Chính phủ nghị quyết tháo gỡ cho 5 dự án tại TPHCM ngay đầu tháng 4 này.

Đối với 2 bệnh viện là Bệnh viện Bạch Mai Cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức, Chính phủ đã có Nghị quyết 34 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và sớm đưa 2 dự án vào hoạt động phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, bảo đảm mục tiêu chống lãng phí.

Cho ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Thế Tùng đặt vấn đề: Về giải phóng mặt bằng, tất cả đã được quy định trong Luật, nhưng tại sao chậm? Bởi vì sợ trách nhiệm. Thứ trưởng đề nghị xây dựng quy trình cụ thể về giải phóng mặt bằng. Nếu tất cả những vấn đề liên quan đến pháp lý, quyền lợi của người dân xong rồi mà khi thực hiện dự án không chấp hành thì nộp tiền đền bù đó vào ngân hàng rồi tổ chức cưỡng chế. "Quyết liệt như thế mới triển khai được. Thắt chặt quy định bằng pháp luật và bằng quy trình để tạo điều kiện cho địa phương không phải sợ".

Hơn 1500 dự án tồn đọng, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị quyết xử lý- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Thế Tùng. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Còn theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, đúng quy định của pháp luật. Nhưng quy định "đúng quy định của pháp luật" cũng đang vướng trên thực tế. Cụ thể, các địa phương khi xử lý dự án vướng mắc thấy có những quy định pháp luật không có, thì lại cho rằng không thực hiện được theo quy pháp luật cũ. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị thêm nội dung "trường hợp pháp luật chưa có quy định điều chỉnh hoặc có quy định nhưng chưa giải quyết được thì cơ quan có thẩm quyền phải ban hành văn bản hoặc đề xuất văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết".

Thủ tục để xử lý các dự án phải cố gắng hoàn thành trước 30/5

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, các dự án tồn đọng tương đối nhiều và kéo dài nhiều năm nay. Trong bối cảnh điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng phấn đấu hơn 8% trong năm nay và hai con số ở những năm tiếp theo, đòi hỏi phải xử lý dứt điểm những dự án tồn đọng, yếu kém.

Về việc Bộ Tài Chính đã xây dựng danh mục, phân loại hơn 1.500 các dự án khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng nhận xét, chất lượng báo cáo không đồng đều, thời gian báo cáo đã lâu, không có đủ tư liệu; các địa phương báo cáo chưa đúng thực tế; còn tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, xem việc này của ai, không phải của mình.

Thủ tướng nhấn mạnh, công việc nhiều, phức tạp, cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và hiệu quả. Phải phân công rõ người, việc, thời gian, sản phẩm, trách nhiệm và thẩm quyền; cấp nào vướng mắc thì tháo gỡ, thẩm quyền ai giải quyết thì người đó làm, không đùn đẩy, né tránh. Tinh thần là tháo gỡ khó khăn, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, xử lý trách nhiệm rõ ràng, không để sai phạm chồng chất và không tạo tiền lệ sai.

Hơn 1500 dự án tồn đọng, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị quyết xử lý- Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Cụ thể, với các dự án vướng mắc về mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, nhất là cấp cơ sở, giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng; căn cứ luật pháp, điều kiện cụ thể, khả năng của địa phương để quyết định hỗ trợ phù hợp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, xem xét có chính sách thấu tình đạt lý với các đối tượng đặc biệt, người khó khăn, yếu thế, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, chây ỳ, chống đối…

Với nhóm các dự án có vướng mắc về quy hoạch thì rà soát các quy hoạch, nhất là quy hoạch chuyên ngành làm căn cứ triển khai các dự án bảo đảm phù hợp, đồng bộ hệ thống quy hoạch chung.

Với các vấn đề khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án, thì đề xuất Quốc hội cho phép địa phương, bộ, ngành, cơ quan vận dụng chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại các Nghị quyết 170, 171, áp dụng với các dự án có tính chất tương tự.

Với các dự án có sai phạm trong quá trình thực hiện nhưng đã được triển khai thực hiện cơ bản, khó thu hồi dự án thì đề xuất giải pháp tháo gỡ, cho thời hạn khắc phục khó khăn, vướng mắc và hậu quả (nếu có); tinh thần là hiệu quả, nhân văn, phù hợp, ưu tiên áp dụng các biện pháp về kinh tế, dân sự, hành chính trước, sau đó mới áp dụng các biện pháp khác; không che giấu, không bỏ sót, không để lọt sai phạm, không để thất thoát tài sản nhà nước nhưng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Với các dự án khó khăn, vướng mắc nhưng chưa có quy định của pháp luật để điều chỉnh và cũng không áp dụng được cơ chế chính sách đặc thù đã được Quốc hội ban hành thì phải nghiên cứu, đề xuất Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.

Về thời hạn, Thủ tướng chỉ đạo, các thủ tục để xử lý cho các dự án phải cố gắng hoàn thành trước 30/5. Trong đó, ưu tiên rà soát, xử lý nhóm các dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo hình thức PPP. 

Trước mắt, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị quyết xử lý những nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền; đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các dự án có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng, kéo dài, trên cơ sở dữ liệu để phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả; có hướng dẫn chung với biểu mẫu, đề cương để các bộ, ngành, địa phương thực hiện báo cáo.

Tinh thần là ưu tiên áp dụng các biện pháp về kinh tế, dân sự, hành chính trước, xử lý hình sự là biện pháp cuối cùng. Không hợp thức hóa để miễn trừ, che dấu, bỏ sót, để lọt sai phạm của các tổ chức, cá nhân gây ra sai phạm; không làm phát sinh sai phạm mới, theo Thủ tướng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top