Cụ thể, văn bản của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri La gửi Thành ủy và UBND TP.HCM về việc đề nghị thanh tra và công bố kết luận về thông tin trái chiều liên quan đến dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao. Văn bản này được đưa ra trong bối cảnh nhiều cơ quan báo chí phản ánh vấn đề dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao bị biến tướng, từ một dự án đơn thuần về y tế, được hưởng nhiều ưu đãi, đã biến thành dự án mang tính thương mại và kinh doanh bất động sản.
Theo văn bản của Hoa Lâm Shangri La có nêu, vừa qua, có nhiều thông tin trái chiều liên quan đến Khu Y tế Kỹ thuật cao, gây tâm lý hoang mang cho người lao động đang làm việc tại đây, trong bối cảnh nhà đầu tư đang khó khăn tìm kiếm nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ y bác sỹ để chữa bệnh cho bệnh nhân.
“Để làm sáng tỏ, chúng tôi kính đề nghị UBND TP.HCM và Thanh tra TP.HCM tiến hành thanh tra Khu Y tế Kỹ thuật cao, sớm công bố kết luận, để nhà đầu tư yên tâm thực hiện dự án”, văn bản nêu.
Trước những thông tin trái chiều về Dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm - Shangri La, ngày 26/2/2019, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) đã có văn bản đề nghị UBND TP.HCM cung cấp những thông tin liên quan đến việc điều chỉnh mục tiêu của dự án nhằm có thông tin khách quan đến độc giả.
Nội dung văn bản đề nghị UBND TP.HCM trả lời các vấn đề: Thứ nhất, ngày 30/9/2019, Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri La có văn bản gửi Thành ủy và UBND TP.HCM về việc đề nghị thanh tra và công bố kết luận về thông tin trái chiều liên quan đến dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao, vậy nội dung thanh tra được tiến hành ra sao?
Thứ hai, vào năm 2008, trong văn bản số 925/TTg-KGVX, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND TP.HCM có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, hỗ trợ chủ đầu tư tổ chức thực hiện Dự án đúng mục tiêu, bảo đảm tiến độ và đúng các quy định của pháp luật. Ngoài ra, văn bản này cũng nêu rõ: “Trong quá trình thực hiện Dự án, nếu phát sinh các nội dung cụ thể vượt thẩm quyền, Ủy ban Nhân dân Thành phố tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.
Chính vì vậy, khi Hoa Lâm – Shangri La muốn thay đổi mục tiêu dự án, ngày 8/9/2017, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Để làm rõ thông tin này, Reatimes kính đề nghị UBND TP.HCM xác nhận rằng, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã xem xét và chấp thuận việc thay đổi mục tiêu dự án (cụ thể là thay đổi một phần Khu Y tế Kỹ thuật cao thành dự án kinh doanh bất động sản) hay chưa? Đồng thời, Reatimes cũng đề nghị UBND Thành phố cung cấp thông tin về số tiền thuế mà doanh nghiệp phải đóng thêm cho việc này là bao nhiêu, tính thuế theo phương pháp nào, số liệu thu thập có sát giá thực tế không?
Ngoài ra, dư luận cho rằng trường hợp Khu Y tế Kỹ thuật cao không có nhu cầu làm nhà ở “phục vụ” cán bộ công nhân viên, thì TP.HCM nên thu hồi phần đất này để đấu giá, tránh gây thất thoát tài sản nhà nước. Tuy nhiên, phương án này thực tế đã không được chọn. Vậy lý do không chọn phương án đó là gì?
Trước những đề nghị này, ngày 11/1/2020, UBND TP.HCM có phiếu chuyển Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) TP.HCM đề nghị cung cấp thông tin liên quan theo yêu cầu của Reatimes. Văn bản do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan trực tiếp chỉ đạo.
Đến ngày 21/2/2020, Sở KHĐT TP.HCM có văn bản trả lời Reatimes với nội dung ngắn gọn: “Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã gửi công văn báo cáo và tham mưu UBND Thành phố giao Thanh tra Thành phố thực hiện việc thanh tra thực hiện đối với dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri La theo quy định pháp luật. Sau khi có kết luận chính thức của các cơ quan có thẩm quyền, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thông tin các nội dung liên quan đến Dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao đến Quý Tạp chí”.
Sau đúng 2 tháng kể từ khi Reatimes đề nghị UBND TP.HCM cung cấp thông tin, văn bản từ UBND Thành phố được chuyển về Sở KHĐT, sau đó Sở KHĐT lại chuyển ngược lại về UBND Thành phố để tham mưu. Đến nay, ngoài văn bản phản hồi không đúng trọng tâm những vấn đề mà Reatimes đặt ra, cả Sở KHĐT và UBND TP.HCM đều không có thông tin gì thêm về diễn biến vụ việc Hoa Lâm - Shangri La “xin” được thanh tra.
Như vậy, đến nay việc thanh tra theo đề nghị của doanh nghiệp này, đã tiến hành đến đâu? Nội dung thanh tra và thời hạn thanh tra như thế nào? Thủ tướng Chính phủ đã xem xét và chấp thuận việc thay đổi mục tiêu dự án hay chưa? Số tiền thuế mà doanh nghiệp phải đóng thêm cho việc này là bao nhiêu, tính thuế theo phương pháp nào? Việc tách 1 phần dự án để góp vốn vào công ty khác được thực hiện theo quy định nào?... Hàng loạt những vấn đề khúc mắc mà dư luận đặt ra vẫn chờ câu trả lời từ chính quyền TP.HCM.
Bài tiếp: Thủ thuật xảo ngôn, biến không thành có của Hoa Lâm - Shangri La