Nhiều dự án giao thông lớn ‘chậm’ vốn
Bộ Tài chính mới đây đã có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tính đến tháng 7/2020. Theo đó, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước trong bảy tháng ước đạt gần 194.200 tỷ đồng, bằng 41,26% kế hoạch Thủ tướng giao đầu năm là 470.600 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với mức 26,2% của năm tháng đầu năm và cao hơn gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái 2019.
Bộ này cũng cho biết, 12 Bộ, cơ quan Trung ương và 38 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35% tính đến 31/7. Trong đó, có sáu bộ, cơ quan TƯ và tám địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 55%, bao gồm:
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, còn tới 10 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%. Đặc biệt, một số đơn vị như Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Hội nhạc sĩ Việt Nam, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn chưa giải ngân đồng vốn nào.
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn vướng mắc, chưa được sự đồng thuận của người dân, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
Ngoài ra, tác động của dịch Covid-19 khiến việc huy động nhân lực, vật tư, tổ chức thi công gặp nhiều khó khăn. Kết quả, nhiều công trình phải tạm dừng thi công ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đặc biệt, các dự án được bố trí kế hoạch vốn lớn đều gặp vấn đề gây ảnh hưởng tới việc giải ngân. Cụ thể, dự án bồi thường giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành hiện đang thực hiện thủ tục kiểm đếm và xác định nguồn gốc đất. Còn dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Trong khi đó, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM phải điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để lập hồ sơ rút vốn.
Một số dự án của Bộ Giao thông Vận tải như cảng Lạch Huyện, luồng sông Hậu, dự án kết nối Mê-kông, đường sát đô thị Cát Linh - Hà Đông chưa xử lý hết vướng mắc trong quyết toán, thanh toán cuối cùng, thủ tục sử dụng vốn đầu tư, cơ cấu lại khoản vay nên giải ngân chậm so với dự kiến.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công các tháng cuối năm, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh hoặc thu hồi kế hoạch vốn năm 2020 đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện bố trí vốn hoặc không còn nhu cầu sử dụng vốn.
Theo đề xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ đồng thời tổng hợp phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 về danh mục, mức vốn bố trí cho từng dự án để báo cáo Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính để kiểm soát việc giải ngân theo dự án.
51 địa phương chậm báo cáo giải ngân
Một vấn đề cũng được Bộ Tài chính nêu ra là rất ít đơn vị báo cáo định kỳ giải ngân đầu tư công. Cụ thể, chỉ có 15 trong số 54 Bộ, cơ quan trung ương và 12 trong số 63 địa phương báo cáo trước ngày 25/7 (ngày chậm nhất phải báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công).
Trước đó, Bộ Tài chính đã nhiều lần nhắc nhở tình trạng nhiều Bộ, ngành và địa phương báo cáo không đầy đủ, thường xuyên muộn hơn so với quy định. Vì thế, Bộ Tài chính phải căn cứ vào số liệu tổng hợp của Kho bạc Nhà nước để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng. Việc tổng hợp báo cáo còn khó khăn do thiếu thông tin để đối chiếu số liệu giữa các đơn vị với Kho bạc nhà nước.