Aa

Hơn 9.000 m2 đất tại 187B Giảng Võ về tay ai?

Chủ Nhật, 28/10/2018 - 21:02

Để trả lời câu hỏi này cần phải cập nhật danh sách thành viên sở hữu Công ty CP Đầu tư IP Việt Nam - pháp nhân làm chủ đầu tư Dự án Công trình hỗn hợp cao tầng tọa lạc tại khu đất 187B Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội.

Dự án 187B Giảng Võ (Hà Nội) có cơ hội hồi sinh. Ảnh: Lê Tiên

Dự án 187B Giảng Võ (Hà Nội) có cơ hội hồi sinh. Ảnh: Lê Tiên

Trong khi các thành viên sở hữu còn là ẩn số thì vẫn có thể hình dung chủ nhân của khu đất này thông qua người đứng đầu Công ty CP Đầu tư IP Việt Nam…

Dự án 10 năm “bất động”

Khu đất 187B Giảng Võ vốn là đất do Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGD) và Nhà máy In Diên Hồng quản lý, cho thuê. Chính xác hơn, đây là nền đất của NXBGD thuê lại của Nhà nước theo Quyết định số 75 ngày 16/2/1989 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Còn Nhà máy In Diên Hồng thuê lại của NXBGD để làm cơ sở sản xuất.

Không rõ NXBGD là “tác giả ý tưởng” hay là những nhà đầu tư “có ý tưởng” đã chủ động tìm đến NXBGD. Chỉ biết rằng, ngày 20/2/2008, NXBGD, Công ty CP Đầu tư Tài chính Giáo dục (EFI), Công ty TNHH Đầu tư và Xúc tiến thương mại KAF (KAF) và Công ty CP Xây dựng Sông Hồng (Incomex) đã ký kết Hợp đồng liên doanh số 01/2008/HĐLD về việc góp vốn thành lập Công ty CP Đầu tư IP Việt Nam thực hiện đầu tư xây dựng Công trình hỗn hợp cao tầng tại 187B Giảng Võ. Đến ngày 13/8/2008, UBND TP. Hà Nội có Văn bản số 292/UBND-XDĐT về việc lập và thực hiện dự án cải tạo xây dựng lại khu 187B Giảng Võ, Hà Nội.

Dự án có tổng diện tích 9.149,2 m2, diện tích sàn khoảng 90.000 m2, được chia làm 2 khu riêng biệt gồm: khu chung cư có quy mô 21 tầng cao và 3 tầng hầm, tổng diện tích sàn là 29.568 m2; khu văn phòng và siêu thị có tổng mức đầu tư là 1.300 tỷ đồng với quy mô 29 tầng cao và 3 tầng hầm, tổng diện tích sàn là 58.200 m2. Dự kiến dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu ở của khoảng 200 hộ dân.

Hiện tại, ngoại trừ NXBGD, 3 cổ đông sáng lập còn lại đều lần lượt chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty CP Đầu tư IP Việt Nam. Còn Dự án, sau hơn 10 năm, vẫn chưa thành hình.

Sự xuất hiện của ông chủ Hà Đô

Tại thời điểm mới thành lập năm 2008, Đầu tư IP Việt Nam có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ sở hữu của 4 cổ đông sáng lập lần lượt là NXBGD (51%), Incomex (20%), KAF (19%) và EFI (10%).

Đến năm 2013, Công ty tăng vốn điều lệ lên thành 200 tỷ đồng. Cùng với đó, Incomex trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty với tỷ lệ sở hữu là 39%. Tỷ lệ sở hữu của NXBGD giảm còn 38%. Cũng xin lưu ý, đây là số vốn điều lệ trên giấy đăng ký doanh nghiệp chứ không phải vốn thực góp. Số vốn thực góp có thể thấp hơn nhiều.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính của NXBGD năm 2017, số vốn gốc của doanh nghiệp này tại Đầu tư IP Việt Nam là 38 tỷ đồng, tương ứng với 23,45% vốn góp. Bằng công thức đơn giản có thể tính ra vốn góp của Đầu tư IP Việt Nam cuối năm 2017 chỉ khoảng 162 tỷ đồng.

Theo giấy đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 9 (ngày 4/5/2015), 3 cổ đông sáng lập là EFI, KAF và Incomex đều lần lượt thoái sạch vốn tại Đầu tư IP Việt Nam. Không rõ nhà đầu tư nào đã mua lại phần vốn góp của 3 cổ đông sáng lập này, nhưng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 của Incomex, Chủ tịch Công ty này cho biết, đã có 1 doanh nghiệp tư nhân mua 62% vốn điều lệ của Công ty CP Đầu tư IP Việt Nam.

Vậy 3 cổ đông sáng lập đã bán số vốn góp tại Đầu tư IP với giá bao nhiêu?

Căn cứ báo cáo tài chính năm 2015 của EFI và Incomex, có thể tính toán tổng giá trị toàn bộ 5.278.000 cổ phần Đầu tư IP Việt Nam mà 2 công ty này đã bán là 59 tỷ đồng. Đối với KAF, giá trị chuyển nhượng số cổ phần nắm giữ tại Đầu tư IP Việt Nam hiện vẫn là ẩn số, nhưng có thể ước lượng chỉ khoảng từ 12 đến 20 tỷ đồng. Như vậy, 3 cổ đông sáng lập này đã chuyển nhượng 62% vốn góp tại Đầu tư IP Việt Nam với giá cao nhất khoảng 80 tỷ đồng.

Sau khi 3 cổ đông sáng lập thoái sạch vốn, người đại diện theo pháp luật, cũng là Giám đốc của Công ty CP Đầu tư IP Việt Nam - ông Phan Sỹ Bình - đã được thay thế bởi ông Nguyễn Trọng Thông. Được biết, ông Thông là Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Tập đoàn Hà Đô. Không chỉ vậy, ông Thông và người nhà hiện là cổ đông lớn nhất của Hà Đô với tỷ lệ sở hữu lên đến 35,8%.

Ngày 28/6/2018, ông Thông trở thành Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Đầu tư IP Việt Nam. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy sự hồi sinh của Dự án 187B Giảng Võ trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top