
Hợp nhất Bắc Giang – Bắc Ninh: "Điểm tựa" phát triển mới cho vùng Kinh Bắc
Nằm ở vị trí chiến lược, cửa ngõ phía Bắc Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh và Bắc Giang từ lâu đã khẳng định vai trò là hai đầu tàu kinh tế năng động, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng vùng và cả nước. Cả hai địa phương cùng giữ vị thế trung tâm công nghiệp hàng đầu, với sức hút mạnh mẽ về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khả năng tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Song song với nhịp phát triển công nghiệp sôi động là nền tảng văn hóa Kinh Bắc lâu đời, đặc sắc, được hun đúc qua hàng loạt di sản văn hóa - lịch sử cấp quốc gia và quốc tế.
Ngày 18/4, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) tỉnh Bắc Giang - Bắc Ninh tổ chức hội nghị để thảo luận phương án sắp xếp cơ quan, tổ chức, đơn vị khi hợp nhất 2 tỉnh và dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo dự thảo, phương án sắp xếp tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, sau sắp xếp, tỉnh Bắc Ninh mới có diện tích tự nhiên 4.718,6km2 với quy mô dân số hơn 3,6 triệu người và dự kiến có 99 ĐVHC cấp xã trực thuộc. Tên gọi ĐVHC cấp tỉnh mới là tỉnh Bắc Ninh. Nơi đặt trung tâm chính trị - hành chính tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đã thống nhất phương án dự kiến sáp nhập 8 cơ quan Đảng, 13 sở ngành và nhiều đơn vị khác trong lộ trình hợp nhất đơn vị hành chính. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang)
Trên thực tế, không phải đến bây giờ Bắc Giang và Bắc Ninh mới "tính chuyện về chung một nhà". Đã từng có một thời, cái tên Hà Bắc gắn liền với ký ức của hàng triệu người dân vùng Kinh Bắc – nơi hai miền đất Bắc Giang và Bắc Ninh cùng chung một mái nhà hành chính. Từ năm 1962, theo nghị quyết của Quốc hội, hai tỉnh được sáp nhập thành tỉnh Hà Bắc, với tỉnh lỵ đặt tại thị xã Bắc Giang. Trong suốt hơn ba thập kỷ, Hà Bắc từng là một trong những đơn vị hành chính lớn mạnh ở miền Bắc, vừa là vùng kinh tế trọng điểm, vừa là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa. Dấu ấn Hà Bắc không chỉ nằm ở ranh giới địa lý, mà còn in sâu trong đời sống, tâm thức và hành trình phát triển của cả hai vùng đất. Tỉnh lỵ khi đó đặt tại thị xã Bắc Giang, với địa giới gồm 9 huyện: Hiệp Hòa, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng, Yên Thế. Đến ngày 3/5/1985, Hội đồng Bộ trưởng ban hành quyết định điều chỉnh địa giới hành chính giữa các huyện Tiên Sơn, Quế Võ, Việt Yên, Lạng Giang và hai thị xã Bắc Ninh, Bắc Giang – hoàn thiện không gian quản lý cấp tỉnh trong giai đoạn phát triển kinh tế tập trung.
Suốt 34 năm tồn tại, tỉnh Hà Bắc không chỉ là một thực thể hành chính, mà còn là biểu tượng của sự gắn bó, hòa quyện về văn hóa, lịch sử và con người giữa hai miền đất. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới, cuối năm 1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ban hành Nghị quyết chia tách tỉnh Hà Bắc, chính thức tái lập hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh từ ngày 1/1/1997.
Từ ngày chia tách, Bắc Ninh và Bắc Giang đã bước vào chặng đường phát triển riêng biệt suốt gần ba thập kỷ – mỗi nơi một chiến lược, một dấu ấn, nhưng vẫn chung nhịp đập văn hóa và khát vọng vươn lên. Giờ đây, khi hợp nhất, 2 tỉnh dưới tên gọi tỉnh Bắc Ninh sẽ cùng nhau tiến bước, kiến tạo một hình hài mới, tầm vóc mới cho vùng đất Kinh Bắc đương đại.
Đã gần ba thập kỷ kể từ khi tái lập, Bắc Giang và Bắc Ninh là hai trong số những địa phương có tốc độ công nghiệp hóa nhanh và phát triển công nghiệp thuộc top đầu cả nước những năm gần đây. Bắc Giang và Bắc Ninh hai cực tăng trưởng năng động, nổi bật với tốc độ công nghiệp hóa cao, năng lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ, hệ thống khu – cụm công nghiệp phát triển nhanh chóng. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm ưu thế trong cơ cấu kinh tế, lực lượng lao động dồi dào, dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa vượt trội. Cả hai địa phương đều đang từng bước hội tụ các điều kiện để trở thành đô thị loại I, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai không xa.
Nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh được ví như "viên ngọc quý" của vùng Đồng bằng sông Hồng, đóng vai trò là mắt xích quan trọng trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực và vùng Đông Bắc tổ quốc.
Mặc dù là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước (822,7km2) nhưng đã thực hiện một cuộc "lột xác" ngoạn mục từ một tỉnh thuần nông trở thành một trung tâm công nghiệp công nghệ cao hàng đầu Việt Nam. Tỉnh đứng thứ 9 về quy mô kinh tế với GRDP năm 2024 đạt hơn 232.800 tỷ đồng (đạt 6,03% so với năm 2023) [1]. Riêng quý I/2025, tình hình kinh tế tỉnh Bắc Ninh có những khởi sắc đáng kể khi GRDP tăng 9,64% so với cùng kỳ[2].
Bắc Ninh từ lâu đã là "ngôi sao sáng" của miền Bắc nhờ nền kinh tế công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Với sự hiện diện của các tập đoàn lớn như Samsung (chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu của tỉnh), LG, Canon, Nokia, Amkor, dòng vốn FDI đổ vào đây không ngừng tăng, kéo theo nhu cầu về nhà ở, khu công nghiệp và tiện ích xã hội. Bắc Ninh thu hút vốn đầu tư từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhất là trong lĩnh vực điện tử. Để đáp ứng nhu cầu này, tỉnh đã quy hoạch 16 KCN tập trung, trong đó 12 KCN (tổng diện tích gần 6.400ha) đã đi vào hoạt động với hiệu suất cao (tỷ lệ lấp đầy trên 62%). Đời sống đô thị sôi động với tỷ lệ đô thị hóa trên 40%, dân số 1.488.250 người (năm 2022) phân bổ trong 8 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 2 thành phố, 2 thị xã, 4 huyện) và 126 đơn vị cấp xã[3].
Từ một tỉnh thuần nông, Bắc Ninh đã vươn lên dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp. (Ảnh minh họa: Vietnambiz)
Trái với Bắc Ninh, Bắc Giang có diện tích lớn (3.827km2), địa hình đa dạng từ trung du đến miền núi, dân số đông và phân bố rộng. Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, Bắc Giang nằm trên hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Nam Ninh (Trung Quốc), liền kề vùng kinh tế trọng điểm của Miền Bắc. Tỉnh có 10 ĐVHC cấp huyện gồm: Thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên, thị xã Chũ và 07 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Tân Yên, Hiệp Hòa. Trung tâm tỉnh là thành phố Bắc Giang là trung tâm hành chính của tỉnh, cách Thủ đô Hà Nội 50km; cách cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) 11km; cách sân bay quốc tế Nội Bài 50km; cách cảng biển Hải Phòng và cảng biển nước sâu Cái Lân - Quảng Ninh 130km.
Nhờ phát triển công nghiệp, những năm gần đây, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Bắc Giang vươn lên mạnh mẽ. Đến nay, Bắc Giang đã thành lập 10 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.400ha (tăng 2 khu công nghiệp so với năm 2023), thành lập 55 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 2.300ha. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Bắc Giang đạt 19,3%, năm 2023 đạt 13,45% và năm 2024 đạt 13,85%, đứng đầu cả nước. Riêng quý I/2025, tỉnh Bắc Giang cũng dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP với 14,02%. Tổng vốn FDI năm 2024 và quý I/2025 lên tới 2,23 tỷ USD[4].
Quý I/2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang ước đạt khoảng 14,02%, đứng đầu cả nước. (Ảnh minh họa: Vietnam Finance)
Nguyên nhân giúp tỉnh Bắc Giang tăng trưởng kinh tế đứng đầu toàn quốc là tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính. Tỉnh cũng quan tâm phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư.
Với vị trí chiến lược, tại ngã 6 trung tâm TP. Bắc Giang đang được định hình là trung tâm kinh tế, chính trị văn hóa và là điểm đến vui chơi, giải trí sôi động của tỉnh. Nơi đây đang quy tụ hàng loạt công trình biểu tượng, là điểm nhấn nâng tầm diện mạo đô thị và là minh chứng sống động cho một Bắc Giang đang bứt tốc phát triển.
Như vậy, việc sáp nhập sẽ tạo ra một "siêu tỉnh công nghiệp", tăng cường năng lực cạnh tranh và tối ưu hóa nguồn lực. Sự kết hợp giữa thế mạnh nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ của Bắc Giang và trung tâm sản xuất công nghệ cao, điện tử của Bắc Ninh (với các tên tuổi lớn như Samsung, Canon, Amkor) sẽ hình thành chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - xuất khẩu hoàn chỉnh. Đồng thời, việc này giúp quy hoạch liên vùng hiệu quả, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển đô thị và hạ tầng giao thông.
Về nguồn nhân lực, Bắc Giang có thế mạnh nổi bật nhờ lực lượng lao động dồi dào, trẻ, với hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt trên 76%[5]. Trong khi đó, Bắc Ninh lại nổi trội với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật và lao động tay nghề cao, đứng đầu khu vực phía Bắc. Cộng hưởng hai yếu tố này tạo nên một thị trường lao động linh hoạt, phù hợp với yêu cầu sản xuất công nghệ cao.
Cùng với đó là tốc độ đô thị hóa chóng mặt tại Bắc Ninh (tỷ lệ hơn 40%) và đà phát triển nhanh của Bắc Giang trong thời gian gần đây. Sự kết nối hạ tầng giữa hai địa phương đã gần như liền mạch, tạo điều kiện để hình thành các cụm đô thị vệ tinh, thành phố công nghiệp và trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất. Đây chính là cơ hội để tạo ra một trung tâm công nghiệp mới mang tính tích hợp - nơi hội tụ sân bay, cảng cạn, chuỗi cung ứng, hạ tầng logistics và hệ sinh thái FDI đẳng cấp, tạo động lực cho việc phát triển vùng và góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc hợp nhất 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang sẽ giúp thống nhất các chính sách, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực tài chính và nhân lực, đồng bộ hóa quy hoạch phát triển kinh tế – một nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang lên ngôi. Với tư duy phát triển vùng, quy hoạch đồng bộ và chính sách cởi mở, "siêu tỉnh công nghiệp" Bắc Giang – Bắc Ninh đang từng bước định hình như một cực tăng trưởng mới, không chỉ của miền Bắc mà còn của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên hậu công nghiệp hóa.
Việc sáp nhập và mở rộng địa giới hành chính không chỉ tạo điều kiện phát triển kinh tế, mà còn mở thêm không gian để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Không chỉ là hai cực tăng trưởng kinh tế năng động, Bắc Giang và Bắc Ninh còn giao thoa sâu sắc về văn hóa – lịch sử, cùng chung nền di sản Kinh Bắc với hệ thống đình chùa, lễ hội truyền thống và nghệ thuật dân gian đặc sắc như quan họ, hát chèo. Hai vùng đất từng gắn bó trong không gian hành chính Hà Bắc xưa, nay tiếp tục đồng hành trên hành trình phát triển và hội nhập, vừa giữ gìn cội nguồn, vừa vươn tới tương lai.
Bắc Ninh là vùng đất hội tụ nhiều dấu tích văn hóa và tôn giáo quan trọng, nơi lưu giữ không ít huyền thoại đã ăn sâu vào tâm thức người Việt. Mảnh đất này còn được xem vùng đất tổ của những làn điệu dân ca quan họ đặc sắc– loại hình dân ca trữ tình tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ, mang đậm bản sắc địa phương và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Không chỉ có quan họ, Bắc Ninh còn sở hữu một kho tàng di sản đa dạng với những kiến trúc cổ kính như Đền Đô, chùa Dâu, chùa Phật Tích; những làng nghề độc đáo như gốm Phù Lãng, tranh dân gian Đông Hồ (di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đang đề nghị UNESCO công nhận); cùng một hệ thống lễ hội dày đặc, náo nhiệt quanh năm, phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người dân. Bên cạnh đó, nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như Ca trù (được UNESCO ghi danh là di sản cần bảo vệ khẩn cấp), Chèo, Tuồng cũng có lịch sử lâu đời và gắn bó mật thiết với không gian văn hóa Bắc Ninh – vùng đất vốn được mệnh danh là "kinh đô văn hiến" của miền Bắc xưa.
Qua nhiều thời kỳ lịch sử với các tên gọi khác nhau, vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc luôn là cái nôi sản sinh nhiều bậc hiền tài làm rạng danh đất nước, được người xưa ca ngợi là nơi có "Một đống ông Nghè, một bè Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn". Đây là địa phương sở hữu số lượng trạng nguyên nhiều nhất Việt Nam, với 16 vị trạng nguyên chiếm tới một phần ba cả nước. Bắc Ninh cũng là nơi "chôn rau cắt rốn" nhiều danh nhân lịch sử, văn hoá, quân sự tiêu biểu như: Lê Văn Thịnh, Cao Lỗ Vương và nhiều nhà cách mạng tiền bối của Đảng.
Cũng chính vì lẽ đó, "Việc sử dụng tên gọi Bắc Ninh cho tỉnh mới thể hiện chiều sâu văn hóa - lịch sử, mang ý nghĩa thiêng liêng, cội nguồn và dễ tạo được sự đồng thuận trong nhân dân", dự thảo Đề án sắp xếp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang nêu rõ.
Chùa Phật Tích, hay có tên gọi xưa là chùa Vạn Phúc, tọa lạc trên bên sườn phía nam của núi Lạn Kha, thuộc tôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh)
Chùa Dâu tọa lạc tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, được chứng nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2013
Nếu Bắc Ninh mang dáng dấp của một "kinh đô văn hiến" đậm chất đồng bằng, thì Bắc Giang nổi bật nhờ kho tàng di sản đồ sộ, mang đậm nét văn hóa tâm linh và dấu ấn lịch sử lâu đời. Với hơn 2.230 di tích, trong đó 731 di tích được xếp hạng, Bắc Giang tự hào là nơi lưu giữ những di sản quý như: Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng), Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên), Di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang, Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, khởi nghĩa Yên Thế…
Thành phố Bắc Giang từ lâu đã giữ vai trò là trung tâm hành chính – văn hóa của vùng, nơi giao thoa hài hòa giữa văn hóa Kinh Bắc (tập trung tại Bắc Ninh, Việt Yên, Hiệp Hòa) và văn hóa các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng tại các huyện Yên Thế, Lạng Giang, Lục Ngạn, Sơn Động. Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang hiện sở hữu tới 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, dân ca Quan họ, Ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái.
Chùa Vĩnh Nghiêm còn có tên gọi là chùa La, chùa Ông La, chùa Đức La, thuộc địa phận xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, Bắc Giang. (Ảnh: Báo Hải Dương)
Quan họ Bắc Giang. (Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển)
Do đó, dự thảo đề án hợp nhất hai tỉnh nhấn mạnh rằng, việc đặt trung tâm hành chính tỉnh mới tại thành phố Bắc Giang sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các nền văn hóa giao thoa, hòa nhập, không thiên lệch, qua đó góp phần bảo tồn sự đa dạng văn hóa cộng đồng[8].
Quan trọng hơn, sự hợp nhất này được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn lực chung và cơ chế phối hợp hiệu quả để bảo tồn những di sản văn hóa quý giá đang có nguy cơ mai một. Nguồn lực chung có thể ưu tiên cho việc trùng tu các di tích lịch sử, hỗ trợ nghệ nhân dân gian duy trì và truyền dạy các nghề truyền thống, cũng như tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa quy mô lớn mang đậm dấu ấn Kinh Bắc. Những hoạt động này không chỉ giữ gìn và phát huy hồn cốt văn hóa dân tộc, mà còn thúc đẩy mạnh mẽ du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
Trên nền tảng đó, một chiến lược quảng bá du lịch – văn hóa bài bản, tận dụng hiệu quả kho tàng di sản độc đáo của cả Bắc Ninh và Bắc Giang, sẽ giúp vùng đất Kinh Bắc mới trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu, có sức cạnh tranh cao trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.
Một kỷ nguyên phát triển mới đang thực sự mở ra trên vùng đất Bắc Ninh. Với sự kết hợp hài hòa và cộng hưởng mạnh mẽ giữa tiềm năng, thế mạnh, vị trí địa chiến lược và nguồn lực dồi dào của cả hai địa phương, tỉnh Bắc Ninh mới sau hợp nhất được kỳ vọng sẽ định hình nên một thực thể hành chính - kinh tế vững mạnh, sở hữu năng lực cạnh tranh vượt trội, hướng tới sự phát triển toàn diện và bền vững trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 1015 năm ngày Đức Vua Lý Thái Tổ đăng quang, tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh ngày 13/4, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh : "Tỉnh Bắc Ninh là một trong những địa phương được sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính, sẽ giúp cho Bắc Ninh mở rộng quy mô kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư và tận dụng tối đa tiềm năng phát triển, tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, tạo thêm không gian mới cho việc phát huy giá trị các di sản văn hóa của tỉnh".
Niềm tin vào tương lai tươi sáng đó càng được củng cố khi nhìn vào nền tảng văn hóa - lịch sử và sự đồng thuận từ chính các địa phương. Ngày 18/4 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đã cùng thảo luận về phương án sáp nhập, kiện toàn tổ chức bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các đơn vị sự nghiệp, hướng tới việc hình thành tỉnh Bắc Ninh mới.
Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu khẳng định, 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang có nhiều nét tương đồng về phong tục, tập quán, văn hóa do có lịch sử hình thành, gắn bó lâu dài. Sau khi hợp nhất, tỉnh Bắc Ninh (mới) với dư địa, tiềm năng và tương lai phát triển rất lớn.
Chung quan điểm về tầm nhìn phát triển, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng nhấn mạnh thêm những bước đi cụ thể đang được triển khai. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: "Việc sáp nhập không chỉ là sự thay đổi về mặt hành chính mà còn là sự tái thiết hạ tầng, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Bắc Ninh sẽ phải thực hiện đồng bộ các dự án kết nối hạ tầng, đặc biệt là sân bay và đường cao tốc với khu vực Hà Nội".[9]
Như vậy, với tầm nhìn chiến lược và quyết tâm cải cách, quá trình hợp nhất Bắc Ninh và Bắc Giang được kỳ vọng sẽ tạo nên một "điểm tựa" phát triển mới cho vùng Kinh Bắc – nơi hội tụ nguồn lực công nghiệp, hạ tầng hiện đại và đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Một thực thể hành chính thống nhất không chỉ giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất, mở rộng cơ hội việc làm, mà còn thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức, cải thiện đời sống người dân. Đây không chỉ là bước sắp xếp đơn thuần về địa giới hành chính, mà còn là bước chuyển mình toàn diện về tư duy phát triển, mở ra cơ hội xây dựng một môi trường kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, minh bạch và hội nhập sâu rộng.
Link tài liệu tham khảo:
[3] https://laodong.vn/kinh-doanh/bac-ninh-bac-giang-thu-phu-cong-nghiep-mien-bac-1475335.ldo
[4] https://vov.vn/kinh-te/toan-canh-vung-kinh-te-bac-giang-truoc-khi-sap-nhap-post1192141.vov
[8] https://img.baobacgiang.vn/Documents/tienbao/40e0b742-b4e8-48ed-93e9-1abe0a849b26.pdf
Ngày 16/4, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang tiếp xúc cử tri huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Phó Thủ tướng nêu rõ sáp nhập Bắc Giang và Bắc Ninh, tỉnh mới sau sáp nhập có vai trò và vị thế rất lớn.
Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, thực hiện chủ trương của Trung ương, Bắc Giang với Bắc Ninh sẽ sáp nhập lại, trở thành tỉnh Bắc Ninh mới. Tỉnh mới sau sáp nhập có vai trò và vị thế rất lớn, có quy mô kinh tế đứng thứ 5 cả nước, chỉ sau thành phồ Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và Đồng Nai. Bối cảnh mới, cơ hội mới, có những dư địa phát triển mới… tỉnh Bắc Ninh mới phải chủ động, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục bứt phá, phát triển, vươn lên, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân… Tất cả phải được thể hiện rõ ràng trong văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh với phướng hướng, mục tiêu, đường đi, nước bước cụ thể, rõ ràng.
Thực hiện tốt công tác sắp xếp, sáp nhập chính quyền các xã, phải làm ngày làm đêm nhiệm vụ này để có danh sách cụ thể các xã sau sắp xếp, chậm nhất là trong tháng 6 để tổ chức Đại hội cấp xã. Văn kiện đại hội Đảng bộ của cấp xã phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, không phải là việc cộng cơ học của các văn kiện đã được chuẩn bị trước của các đơn vị cũ khi chưa được sắp xếp.