Sự hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài được nhận định sẽ mang lại lợi ích lớn dựa trên khai thác thế mạnh của mỗi bên. Đối với doanh nghiệp nước ngoài, đây là cách khai thác thị trường tiềm năng với chi phí thấp nhất, quảng bá và nâng tầm ảnh hưởng thương hiệu trên phạm vi toàn cầu. Đối với doanh nghiệp trong nước, đây là cơ hội để khẳng định năng lực, giá trị thương hiệu, tiếp cận với nguồn lực tài chính mới, công nghệ và nguồn nguyên liệu chất lượng. Đặc biệt, việc hợp tác thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp Việt cho ra đời những dịch vụ sản phẩm mới có chất lượng tốt hơn thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách hàng, tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Sự hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài còn là thước đo đánh giá sự phát triển, tiến bộ của các doanh nghiệp trong nước với nhịp độ của thế giới. Các doanh nghiệp Việt đã đáp ứng được các nhu cầu, đòi hỏi khắt khe của đối tác. Đây là tiền đề tốt để các doanh nghiệp trong nước hội nhập quốc tế.
Điển hình, trong lĩnh vực bất động sản, những nhà phát triển dự án bất động sản thành công nhất trên thị trường hiện nay như Vingroup, Novaland,… không phải là những doanh nghiệp sở hữu quy trình khép kín từ xây dựng đến bán hàng. Các doanh nghiệp này cũng không ít lần kí kết hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài trong việc thiết kế và thi công, tạo ra các liên kết ngang, liên kết dọc để hình thành chuỗi giá trị, xây dựng lên các công trình đạt hiệu quả và chất lượng.
Tương tự, trong lĩnh vực nông nghiệp, số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, lũy kế đến 20/11/2018, FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp lâm nghiệp và thủy sản mới có 492 dự án, số vốn đăng ký 3,4 tỷ USD trong tổng số 27.065 dự án với số vốn đăng ký trên 337 tỷ USD. Giới phân tích cho rằng, để thu hút vốn vào Việt Nam cũng không nên bỏ qua thu hút FDI vào các lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng, như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tiếp thu nền tảng 4.0; đầu tư nông nghiệp công nghệ cao (lĩnh vực trong thời gian qua về cơ bản chưa thu hút được nhiều FDI)…
Hiện nay không ít doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm, tiếp cận chuyển giao công nghệ qua mua công nghệ hay hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để từng bước nâng cao trình độ công nghệ sản xuất trong nước.
Điển hình như Tập đoàn GFS đã ký kết hợp tác với Sunward - một trong những Tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất thiết bị thi công nền móng công trình. Đây được xem là một bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển của Tập đoàn GFS với mục tiêu đẩy mạnh lĩnh vực trọng tâm là đầu tư bất động sản và xây dựng hạ tầng.
Bên cạnh đó, GFS còn kí kết với Tập đoàn Kiến Công Hồ Nam - doanh nghiệp hàng đầu tại Trung Quốc, có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực: bất động sản - xây dựng hạ tầng dân dụng, thiết bị đường sắt…Với việc ký kết thành công hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ của Viện Vật lý nhiệt - Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Ukraina, Viện Công nghệ GFS đã sở hữu một công nghệ sản xuất phân bón tiên tiến hàng đầu thế giớivà độc quyền trong toàn khu vực Đông Nam Á… Đây là tiền đề cho các hợp tác khoa học công nghệ tiếp theo với các đối tác khác trên toàn thế giới.
GFS là ví dụ rõ nhất cho thấy để có thể tấn công ra thị trường quốc tế, doanh ngiệp Việt Nam phải chủ động nắm bắt cơ hội. Hiện có trên 100 nước có doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ lệ 71%. Đây chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam kết nối, cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp nước ngoài. Từ đây, doanh nghiệp nội địa mới có thể tham gia tốt chuỗi giá trị toàn cầu và khẳng định tên tuổi.