Aa

Hướng dẫn chức năng, quyền hạn của Ban quản lý KCN, KKT

Linh Chi
Linh Chi hoanguyen1304@gmail.com
Thứ Ba, 19/01/2021 - 08:30

Thông tư 12/2020/TT-BKHĐT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

Chức năng, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu công nghiệp

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 12/2020/TT-BKHĐT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. 

Theo đó, Ban Quản lý có tài khoản riêng được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp về tổ chức, nhân lực, hoạt động, tài chính và cơ sở vật chất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành về thực hiện quản lý nhà nước trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

Ban Quản lý thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn về quản lý đầu tư quy định gồm: Đăng ký đầu tư; cấp, điều chỉnh, thu hồi văn bản chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thỏa thuận ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền.

Giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết những vấn đề vượt, thẩm quyền.

Trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chương trình, kế hoạch về xúc tiến đầu tư phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng và quản lý hệ thống thông tin về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế thuộc thẩm quyền quản lý.

Ảnh minh họa.

Đồng thời, Ban Quản lý thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn về quản lý lao động được ủy quyền theo quy định, gồm: Cấp, cấp lại Giấy phép lao động cho lao động nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; xác nhận người lao động nước ngoài làm việc cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Cơ cấu tổ chức và biên chế của Ban Quản lý

Theo Thông tư 12, Ban Quản lý có Trưởng Ban và không quá 03 Phó Trưởng Ban. Trưởng Ban Quản lý là người đứng đầu Ban Quản lý, có trách nhiệm điều hành mọi hoạt động của Ban Quản lý, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và pháp luật về hoạt động và hiệu quả hoạt động của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; phối hợp với người đứng đầu các Sở, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ của Ban Quản lý.

Việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, miễn nhiệm, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện các chế độ chính sách khác đối với Trưởng Ban và Phó Trưởng Ban do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.

Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ: Điều kiện, tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 65 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế nằm ngoài địa bàn nơi đặt trụ sở Ban Quản lý và cần thiết phải hỗ trợ về thủ tục hành chính tại chỗ, Ban Quản lý được thành lập văn phòng đại diện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

Thông tư 12/2020/TT-BKHĐT chính thức có hiệu lực kể từ ngày 16/02/2021.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top