
Toàn cảnh Hội nghị.
Chiều 7/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.
Triển khai kịp thời các định hướng chính sách lớn
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Trí Đức - Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng triển khai quyết liệt, kịp thời các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ.
Kịp thời ban hành các chương trình hành động, kế hoạch của Bộ để triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế, sắp xếp tinh gọn bộ máy, triển khai chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, Đề án 1 triệu căn NƠXH…
Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy kịp thời; đẩy mạnh phân quyền, phân cấp; rà soát tổng thể, đề xuất sửa đổi, bổ sung và tham mưu Chính phủ ban hành VBQPPL theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để cho chính quyền địa phương gắn với việc tổ chức thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp…
Đặc biệt, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được chú trọng. Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội và được thông qua dự án Luật Đường sắt (sửa đổi); 6 Nghị quyết của Quốc hội: (1) Nghị quyết số 187/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; (2) Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP.HCM đến năm 2025-2035; (3) Nghị quyết số 201/2025/QH15 ngày 29/5/2025 thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển NƠXH; (4) Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; (5) Nghị quyết về chủ trương xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM; (6) Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Ông Nguyễn Trí Đức - Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng.
Trình Chính phủ ban hành 9 Nghị định: (1) Nghị định số 33/2025/NĐ-CP ngày 25/2/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng; (2) Nghị định số 34/2025/NĐ-CP ngày 25/2/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực hàng hải; (3) Nghị định số 89/2025/NĐ-CP ngày 13/4/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng;
(4) Nghị định số 123/2025/NĐ-CP ngày 11/6/2025 quy định chi tiết về thiết kế kỹ thuật tổng thể và cơ chế đặc thù cho một số dự án đường sắt; (5) Nghị định số 140/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; (6) Nghị định số 144/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;
(7) Nghị định số 145/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp và phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quy hoạch đô thị và nông thôn; (8) Nghị định số 178/2025/NĐ-CP ngày 1/7/2025 quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; (9) Nghị định số 192/2025/NĐ-CP ngày 1/7/2025 quy định chi tiết và biện pháp thi hành, bao gồm các nội dung được giao tại Nghị quyết số 201/2025/QH15.
Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 18/2025/QĐ-TTg ngày 28/6/2025 quy định về trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch đô thị và nông thôn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt do UBND cấp tỉnh tổ chức lập.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng đồng thời ban hành theo thẩm quyền 21 Thông tư hướng dẫn chi tiết các Nghị định.
Theo dõi sát sao, chỉ rõ các khó khăn vướng mắc và tham gia đầy đủ 7 Đoàn kiểm tra về rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án giao thông trọng điểm do Lãnh đạo Chính phủ làm Trưởng Đoàn.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng thường xuyên kiểm tra hiện trường, trực tiếp chỉ đạo, xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án công trình giao thông trọng điểm quốc gia; Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, tiến độ cơ bản bám sát yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.
Đã đưa vào khai thác 2.268 km đường bộ cao tốc
Trong 6 tháng, đã có 19 dự án thành phần hoàn thành, cả nước đã đưa vào khai thác thêm một số đoạn tuyến thuộc 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước đưa vào khai thác 2.268 km; 52 dự án cao tốc khác đang triển khai thi công cơ bản bám sát tiến độ đề ra; các vướng mắc chính về vốn, mặt bằng, kỹ thuật của dự án giai đoạn 1 đều được tháo gỡ kịp thời.
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã tổ chức triển khai GPMB đồng loạt tại 20 địa phương có tuyến đi qua, giúp nâng cao năng lực quản lý của các địa phương, chuẩn bị tốt cho giai đoạn thi công quy mô lớn dự kiến từ năm 2026, bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ để khởi công dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào ngày 19/12/2025 và chuẩn bị đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị.
Hoàn thành phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án, ước giải ngân khoảng 24,4 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 28% kế hoạch.

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt chính thức thông xe 30 km đầu tuyến từ 28/4.
Tính đến tháng 5/2025, cả nước có 900 đô thị, trong đó 2 đô thị loại đặc biệt, 23 đô thị loại I, 37 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 96 đô thị loại IV và 696 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hoá ước đạt 44,3%. Đến tháng 5/2025, đã có 15 đô thị được đánh giá, quyết định công nhận loại đô thị: 2 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 8 đô thị loại V.
Tổ chức họp thẩm định 9 nhiệm vụ quy hoạch và ban hành 8 Báo cáo thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tổ chức họp thẩm định 9 quy hoạch và ban hành 8 Báo cáo thẩm định; Tổ chức họp thẩm định 10 quy hoạch chi tiết và ban hành 6 Quyết định phê duyệt đối với các dự án thành phần thuộc Đại học quốc gia TP.HCM. Có ý kiến đối với 90 đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh.
Đến nay trên địa bàn cả nước có 692 dự án NƠXH đã được triển khai với quy mô 633.559 căn, trong đó có 142 dự án dự án hoàn thành với quy mô 93.793 căn; 139 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 125.714 căn; 411 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 414.052 căn.
Trong 6 tháng, cả nước đã khởi công 26 dự án với quy mô 23.561 căn, đã hoàn thành 35.631/100.000 (đạt 35,61%) căn NƠXH. Tổ chức 27 Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án NƠXH tại các địa phương…
Phân cấp 100% nhiệm vụ thuộc lĩnh vực kiến trúc
Đáng chú ý, tại Hội nghị, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng đã nhấn mạnh một số nội dung cốt lõi, trọng tâm cần được các địa phương lưu ý sau khi sáp nhập địa giới hành chính, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.
Bà Trần Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc cho biết, trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp, thực hiện phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền, trong số các nội dung về công tác quy hoạch đô thị quy định tại Nghị định số 145/2025/NĐ-CP, đã có 73% nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quy hoạch trước đây thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Xây dựng được phân cấp, phân quyền cho địa phương, 100% nhiệm vụ thuộc lĩnh vực kiến trúc phân cấp cho địa phương.
Về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, trong 2 - 3 tuần tới, Vụ Quy hoạch kiến trúc sẽ tổ chức 3 Hội nghị tập huấn tại 3 khu vực nhằm giới thiệu chi tiết nội dung các Nghị định về công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và lĩnh vực kiến trúc khi được phân cấp, phân quyền và phân định quyền. Vụ đã có kế hoạch hoạch hỗ trợ các địa phương giải quyết vướng mắc thực tiễn với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế.

Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Lào Cai đến năm 2045, chiều 24/3.
Bà Trần Thu Hằng cũng cho biết thêm, Bộ Chính trị vừa yêu cầu Bộ Tài chính điều chỉnh ngay quy hoạch tổng thể quốc gia. Do đó, Vụ Quy hoạch kiến trúc sẽ có ý kiến sớm nhất về vấn đề này do liên quan đến các nội dung về: quy hoạch tổng thể quốc gia, phương án quy hoạch, hợp phần quy hoạch đô thị nông thôn, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông đường thủy, đường bộ, hàng không… Đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng phối hợp với Vụ Quy hoạch kiến trúc trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này…
Đối với lĩnh vực quản lý nhà và thị trường BĐS, bà Tống Thị Hạnh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho biết, có một nội dung trong Nghị quyết số 201/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển NƠXH đã giao trực tiếp chính quyền địa phương quy định chi tiết trường hợp đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ NƠXH đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng cách xa địa điểm làm việc, bảo đảm nội dung quy định chi tiết này có hiệu lực đồng thời với Nghị quyết số 201/2025/QH15 từ 01/7/2025. Rất mong các địa phương ban hành hướng dẫn để làm cơ sở triển khai được chính sách ở địa phương.
Đối với công cụ để quản lý phát triển nhà ở, trong giai đoạn 2026-2030, các địa phương phải ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2026-2030 và phải hoàn thành trước 31/12/2025 để bảo đảm từ 1/1/2026 có hiệu lực.
Hiện nay, đã có 4 địa phương đã ban hành Kế hoạch, các địa phương này đều là địa phương sáp nhập. Như vậy, còn 30 địa phương phải ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2026-2030. Nội dung quy định chuyển tiếp tại Nghị định số 140/2025/NĐ-CP quy định rất rõ các trường hợp chuyển tiếp đối với nội dung về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở như: (1) Trường hợp điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh do sáp nhập thì tiếp tục thực hiện theo chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt của từng địa phương trước sáp nhập cho đến khi phê duyệt chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh sau sáp nhập;
(2) Trường hợp kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh của từng địa phương trước sáp nhập đã được phê duyệt thì tiếp tục thực hiện cho đến khi điều chỉnh kế hoạch theo chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh sau sáp nhập;
(3) Đối với địa phương chưa phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh giai đoạn 2026-2030 thì thực hiện việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh theo quy định của Nghị định số 140/2025/NĐ-CP;
(4) Trường hợp kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh giai đoạn 2026-2030 chưa được phê duyệt thì chỉ yêu cầu đánh giá sự phù hợp với chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt để thực hiện các thủ tục liên quan có yêu cầu đánh giá sự phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh.
Phân cấp thẩm định các loại hình dự án cho địa phương
Ông Lê Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Kinh tế và quản lý đầu tư xây dựng cho biết, Luật Đường sắt (sửa đổi) đã bổ sung một số điểm mới như: (1) Miễn Giấy phép xây dựng đối với các công trình thuộc dự án đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, khu vực có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc thiết kế đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; (2) Bỏ Chứng chỉ năng lực hoạt động của tổ chức.
Theo Nghị định số 140/2025/NĐ-CP và Nghị định số 144/2025/NĐ-CP kèm theo 2 Thông tư hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng đã phân cấp thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở từ cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng về cơ quan chuyên môn của tỉnh đối với tất cả các dự án, công trình, từ công trình đặc biệt, dự án thuộc chuyên ngành đặc thù đường sắt, hàng không, hàng hải…
Đối với các BQLDA chuyên ngành thuộc cấp huyện thành lập, từ 1/7/2025 sẽ phân cấp cho UBND cấp tỉnh trách nhiệm quản lý và quyết định việc tổ chức hoặc giải thể theo quy định mới.
Về một số nhiệm vụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng, không thực hiện quy định công bố đơn giá xây dựng công trình của địa phương; UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện công bố giá xây dựng tổng hợp, suất vốn đầu tư xây dựng trong phạm vi quản lý; Không thực hiện lấy ý kiến về phương pháp, căn cứ xây dựng định mức, sự phù hợp của kết quả tính toán các thành phần hao phí định mức dự toán; Không lấy ý kiến đối với các định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh; Không lấy ý kiến thống nhất đối với phương pháp xác định dự toán chi phí rà phá bom mìn, vật nổ; Không báo cáo người quyết định đầu tư đối với việc điều chỉnh dự toán xây dựng công trình; Không lấy ý kiến về chỉ số giá xây dựng để điều chỉnh hợp đồng xây dựng; Không thực hiện chấp thuận giá chuyển nhượng quyền sử dụng phần mộ cá nhân, giá dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng tại các nghĩa trang…

Ông Lê Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Kinh tế và quản lý đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, kể từ ngày 1/7/2025, theo Nghị định số 105/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC&CNCH, cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm thẩm định thiết kế về PCCC trong quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở. Nội dung này đã được phân cấp, phân quyền cho các Sở Xây dựng địa phương. Cục Kinh tế Xây dựng đã tham mưu Lãnh đạo Bộ Xây dựng ban hành 2 văn bản hướng dẫn các nội dung liên quan đến công tác PCCC: Văn bản số 5269/BXD-KTQLXD ngày 18/6/2025, Văn bản số 6386/BXD-KTQLXD ngày 7/7/2025…
Tham mưu cho Sở Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện công tác quản lý đường bộ trong thời gian tới, ông Bùi Quang Thái - Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh, Cục đã tích cực phân cấp các hoạt động quản lý vận tải trong nước, quốc tế; đào tạo, sát hạch lái xe về các địa phương. Các Thông tư hướng dẫn cụ thể đã được ban hành và đã có văn bản hướng dẫn đến địa phương. Trong thời gian tới, khi địa phương triển khai có vướng mắc thì liên hệ với Cục để có sự phối hợp giải quyết ngay.
Liên quan đến vấn đề tài sản, Cục đã triển khai quyết liệt và trước ngày 30/6 đã bàn giao tài sản hơn 18 nghìn km đường bộ cho địa phương quản lý. Như vậy, các địa phương tập trung quản lý, bảo trì các tuyến đường này ngay. Việc trọng tâm tiếp theo là xây dựng kế hoạch bảo trì năm 2026 cho các tuyến đường này. Cục đã cử đoàn công tác hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch bảo trì đường bộ trong năm 2026, đề nghị Sở Xây dựng tham mưu cho Sở Tài chính trình HĐND đưa vào dự toán kinh phí của địa phương năm 2026 để có nguồn tiền thực hiện bảo trì hệ thống quốc lộ đã được phân cấp quản lý.
Các vấn đề liên quan đến phòng, chống thiên tai, Cục đã phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2025 và gửi tới tất cả các Sở Xây dựng địa phương, đề nghị tập trung rà soát ngay, đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc, để bảo đảm những vị trí xung yếu phải được sửa chữa, khắc phục trước khi mùa mưa bão đến, lưu ý kiểm tra sự sẵn sàng về vật tư, vật liệu tại chỗ, chủ động phản ứng kịp thời khi mưa bão, có biến đổi bất thường về thời tiết, khí hậu.
Về rà soát toàn bộ hệ thống biển báo, tín hiệu giao thông, khi sáp nhập các địa phương thành 34 tỉnh, thành, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, Cục đã có văn bản chỉ đạo theo hướng: toàn bộ các biển liên quan đến chỉ dẫn địa giới hành chính phải sửa, thay thế trước ngày 15/7. Đối với các biển báo chỉ hướng đi, phức tạp hơn vì có những tỉnh đã thay đổi trung tâm hành chính, thay đổi tên, Sở Xây dựng cần làm việc với lực lượng Công an, chính quyền địa phương để có phương án khắc phục trước ngày 30/7, riêng đối với loại biển này, nếu thay đổi một cách xáo trộn quá sẽ thay đổi thói quen đi lại của người dân.
Chủ động hoàn thiện thể chế, bảo đảm tiến độ các dự án
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Minh ghi nhận, biểu dương các cơ quan chuyên môn, đơn vị đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nổi bật là Vụ Pháp chế, Vụ Quy hoạch kiến trúc, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Cục Kinh tế quản lý đầu tư xây dựng...
Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, khó khăn vướng mắc cần được khắc phục liên quan đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, một số dự án chậm tiến độ, ứng dụng KHCN và chuyển đổi số tại một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu tình hình mới…

Bộ trưởng Trần Hồng Minh chỉ đạo tại Hôi nghị.
Để hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và góp phần thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025, Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chủ động, tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật liên quan đến ngành Xây dựng, bảo đảm tiến độ, không để chậm trễ, gián đoạn theo định hướng: Tháo gỡ “điểm nghẽn”, khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật; tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền; cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, TTHC; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc trong việc thực hiện các nhiệm vụ phân cấp, trong giải quyết TTHC.
Theo dõi sát hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp, việc thực hiện 3 Nghị định về phân cấp, phân quyền liên quan đến lĩnh vực xây dựng để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, không để gián đoạn công việc. Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp nhận và xử lý kịp thời các đề xuất, phản ánh, kiến nghị của các các cơ quan, đơn vị, địa phương về sắp xếp tổ chức bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Cục Kinh tế quản lý đầu tư xây dựng theo dõi sát tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án khởi công, hoàn thành trong năm 2025, trong đó lưu ý đặc biệt các dự án khởi công, hoàn thành dịp chào mừng kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9; phối hợp BQLDA Đường sắt khẩn trương hoàn thành các thủ tục để khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025; phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh các thủ tục GPMB, tái định cư của các dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; chủ trì rà soát tổng thể Luật Xây dựng và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn bảo đảm phù hợp phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền chính quyền địa phương 2 cấp; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng; bảo đảm phân cấp, phân quyền gắn liền với kiểm tra giám sát.
Cục Đường bộ Việt Nam tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai các dự án do địa phương làm cơ quan chủ quản, kịp thời tham mưu Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều hành, đáp ứng tiến độ đề ra; hoàn thành các thủ tục để khởi công trong tháng 8/2025 các dự án: Dầu Giây - Tân Phú, Mỹ An - Cao Lãnh, TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận; đôn đốc các địa phương tăng cường công tác quản lý bảo trì hệ thống quốc lộ theo phân cấp và công tác giải ngân.
Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật nhà ở, kinh doanh BĐS để kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu mới của Đảng; tập trung nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ trương thành lập Quỹ NƠXH quốc gia, Đề án thí điểm mô hình Trung tâm giao dịch BĐS và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý; Kế hoạch phát triển nhà ở công vụ của các cơ quan trung ương giai đoạn 2025-2030 và chính sách nhà ở cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước; triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển NƠXH.
Vụ Quy hoạch kiến trúc rà soát, điều chỉnh Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn để định hình lại các định hướng lớn về các vùng đô thị, các chuỗi, chùm đô thị, cực tăng trưởng đô thị, rà soát các định hướng phát triển các khu vực nông thôn; chuyển đổi từ mô hình tầng bậc sang mô hình mạng lưới, tạo sự liên kết chặt chẽ với hệ thống kết cấu hạ tầng diện rộng của quốc gia, vùng (sân bay, cảng biển, hệ thống đường bộ, đường sắt…); Cục Phát triển đô thị khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, tham mưu Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý phát triển đô thị thông minh và trình Chính phủ, UBTVQH quy định về phân loại đô thị phù hợp với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu về phát triển đô thị trong năm 2025…
Bố trí nhân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
Đối với Sở Xây dựng ở các địa phương, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị các Sở Xây dựng chủ động bố trí, lựa chọn nguồn lực, nhân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tăng cường tập huấn cho công chức, viên chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ; phối hợp với Bộ Xây dựng khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu ngành xây dựng, hoàn thành trong năm 2025. Hiện Bộ Xây dựng đã thiết lập đường dây nóng, sẵn sàng đồng hành cùng địa phương, trường hợp cần thiết Bộ sẽ phân công cán bộ để hỗ trợ trực tiếp.
Nâng cấp, bảo trì hoặc mở rộng các tuyến đường kết nối hiện hữu, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh huy động nguồn vốn đầu tư các tuyến cao tốc kết nối theo quy hoạch; bố trí nguồn lực để thực hiện công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì trên các tuyến quốc lộ được phân cấp.
Đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đường thủy nội địa, hàng hải phục vụ cho phát triển du lịch và vận tải hàng hóa.
Đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng liên đô thị như xe bus liên vùng; xem xét, nghiên cứu phát triển hệ thống đường sắt đô thị kết nối giữa các trung tâm đô thị của tỉnh và có kết nối với Thủ đô Hà Nội.
Đáng chú ý, khu vực trung tâm các tỉnh sau sát nhập sẽ tập trung quy mô dân số đông, địa phương cần phải tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng thiết yếu để bảo đảm điều kiện sống và môi trường sống của người dân, trong đó lưu ý quy hoạch và bảo vệ các nguồn nước mặt quan trọng phục vụ cho cấp nước sinh hoạt; nâng cấp các hệ thống cung cấp nước sạch tập trung quy mô lớn; đầu tư xây dựng hạ tầng thu gom, xử lý nước thải cho các vùng đô thị, KCN, làng nghề; đầu tư khu liên hợp xử lý chất thải rắn sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, giảm thiểu tỷ lệ chôn lấp…/.