Aa

Hướng đi của kinh tế và bất động sản hậu Covid-19

An Vũ (ghi)
An Vũ (ghi) pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 23/09/2021 - 06:00

Triển vọng mở cửa đang sáng dần lên cả hai miền Bắc - Nam, trên đà đó, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại. Một số ngành cũng có khả năng phục hồi sớm như du lịch, hàng không, giao thông vận tải, BĐS, đô thị.

Covid làm “đứt” chuỗi cung ứng, gây “sốc” cả cung lẫn cầu, làm ngưng trệ kinh tế thế giới, giãn đoạn chuỗi cung ứng và kinh tế Việt Nam. Sau câu chuyện dịch bệnh, cơ cấu kinh tế, trong đó có bất động sản đã và thay đổi ra sao? Reatimes đã ghi lại những nhận định của PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng xoay quanh vấn đề này: 

CÁCH NHÌN KINH TẾ HIỆN TẠI SẼ QUYẾT ĐỊNH HƯỚNG ĐI TƯƠNG LAI

Kinh tế Việt Nam có những khó đặc thù riêng bởi Việt nam là nền kinh tế mở phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế thế giới với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Do đó đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, mạch cung ứng của Việt Nam cũng bị gián đoạn, kinh tế Việt Nam ảnh hưởng. Đáng chú ý, hai ngành du lịch và hàng không - liên quan trực tiếp đến thế giới đã bắt đầu có sự kêu than từ năm ngoái và kéo dài cho đến năm nay.

Mặc dù nhận định đại dịch là một cú sốc lớn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đã và đang là điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu với mức tăng trưởng dương trong năm 2020. Nếu công tác kiểm soát dịch tốt hơn, thế giới tăng tốc mở cửa và nối chuỗi, Việt Nam vẫn là tọa độ đầu tư đáng tin cậy với khả năng phục hồi năm 2022 bằng trước dịch (GDP tăng từ 6,5 - 7,0%).

Nói về sự hồi phục tương lai, để nhận diện kinh tế Việt Nam đứng “bật dậy” hay đứng “lom khom” phải quan tâm đánh giá đến rất nhiều yếu tố. Khi tham gia góp ý với Chính phủ, chúng tôi đều nhấn mạnh một điều rất quan trọng là muốn đưa ra kịch bản phát triển, muốn đưa ra các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thì vấn đề then chốt đầu tiên là phải nhận diện đúng tình hình. Tình hình ở đây chính là sự tắc nghẽn của toàn bộ nền kinh tế và triển vọng tháo gỡ, thoát khỏi nó như thế nào.

Hiện nay, chúng ta quan tâm nhiều đến Covid-19 nhưng thực tế có những vấn đề cần nhìn dài hạn hơn cả Covid-19. Bởi dịch bệnh này sắp tới kéo dài tới đâu, trong 3 tháng, 5 tháng hay 1 năm rồi cũng sẽ qua đi. Còn có những vấn đề khác như nền tảng công nghệ thay đổi, cấu trúc kinh tế toàn cầu cũng thay đổi mới cần tầm nhìn dài hạn. Trong đó, bất động sản cũng có những thay đổi phù hợp với việc định hình lại trong nền kinh tế. Kinh tế bất động sản phải gắn liền với số hoá về quản lý, bán hàng, giao dịch thì mới có thể phát triển được.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế Thủ tướng

Cùng với đó, chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu có sự di chuyển. Theo đó, triển vọng của các khu công nghiệp có sự thay đổi về điều kiện, cấu trúc và buộc các khu đô thị mới phát triển theo khu công nghiệp cũng phải có sự thay đổi về cấu trúc quy hoạch, không gian kiến trúc. Việt Nam không thể phát triển các dự án nhà cấp 4 tại khu công nghiệp giống như Bình Dương, Đồng Nai đã làm cách đây 10 năm được.

Ngay trong luồng đầu tư bất động sản, Việt Nam trở thành điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải làm chủ, tìm cách để thu hút, hợp tác và tăng sức cạnh tranh với doanh nghiệp đến từ nước ngoài. Đặc biệt, phải tạo ra sự kết nối để xây dựng được chân dung đô thị, chân dung bất động sản Việt Nam. Ngoài ra, các yếu tố môi trường như nước biển dâng cũng sẽ làm thay đổi cấu trúc đô thị.

Như vậy, hoạt động bất động sản, tư duy dài hạn để có thể làm những gì cho con người, đất nước phải đặt trên nền tảng thời thế. Và ở tầm vĩ mô phải có quy hoạch, định hướng cho hoạt động bất động sản thay đổi, phát triển đô thị cho phù hợp.

VIỆT NAM CÓ NẮM BẮT ĐƯỢC CƠ HỘI?

Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới nói rằng “không được phép lãng phí cuộc khủng hoảng Covid-19, bởi loài người đã lãng phí quá nhiều vật chất, con người cho Covid”. Điều đó có nghĩa là loài người không được lãng phí cấu trúc phát triển mà trước đó đã phải trả giá bởi Covid-19. Thực tế, tác động của đại dịch Covid-19 đã gây đứt gãy chuỗi cung ứng, tạo ra cú sốc “cung” - “cầu” và thiệt hại kinh tế thế giới lên đến 7.000 – 8.000 tỷ USD. Thế nhưng, khu vực kinh tế số đã bùng nổ, số lượng tỷ phú công nghệ toàn cầu tăng vọt trong năm qua, đem đến triển vọng của các nền kinh tế đi trước và các doanh nghiệp có chiến lược tập trung phát triển công nghệ cao.

Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (8/2021): Hoa Kỳ, khu vực đồng Euro và Trung Quốc sẽ phục hồi và tăng trưởng lần lượt 5,4%, 6,8% và 8,6% trong năm 2021. Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (trừ Trung Quốc) sẽ tăng trưởng 4,4%, trong khi các quốc gia thu nhập thấp chỉ tăng trưởng bình quân 2,2%.

Kinh tế thế giới phục hồi tích cực, mở cửa trở lại nhưng Việt Nam có bắt sóng được cơ hội hay không lại là chuyên khác. Tôi cho rằng, nếu doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận và làm chủ số hoá thì cũng có thể tạo ra nhiều cơ hội. Tuy nhiên “bạo phát thì bạo tàn”, những gì phát triển quá nhanh cũng dễ dàng sụp đổ. Ví như Alibaba của Trung Quốc là một minh chứng.

Doanh nghiệp tiếp cận về công nghệ số thì chắc chắn sự phục hồi sẽ cao hơn. (Ảnh minh hoạ)

Tình thế hiện nay, kinh tế Việt Nam khó khăn trên cả 2 tuyến: Nhà nước khó khăn về ngân sách; doanh nghiệp suy yếu rất nhiều. Ngoài ra, vấn đề vận tải đang khó khăn, Việt Nam đang tiến tới từng bước mở cửa chứ chưa thực sự thông suốt.

Trong khi sự phục hồi kinh tế cho doanh nghiệp tôi cho rằng phải phục hồi trên 3 mặt. Một là giảm các chi phí thuế, dịch vụ, lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp, nếu có thể giảm thì Nhà nước tiếp tục giảm. Thứ hai, bảo đảm lưu thông hàng hoá cho doanh nghiệp. Thứ ba là lưu thông dòng tiền cho doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp bất động sản cách tiếp cận vốn ra sao?

Đặc biệt, khi doanh nghiệp tiếp cận về công nghệ số thì chắc chắn sự phục hồi sẽ cao hơn. Cùng với đó, việc di chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang nhìn nhận những địa chỉ an toàn, trong đó vẫn là một điểm sáng tốt với thế giới. Các nhà đầu tư sẽ tìm đến như một địa chỉ tin cậy và an toàn.

Triển vọng mở cửa đang sáng dần lên cả hai miền Bắc - Nam, trên đà đó, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại. Dự báo tới quý IV, nền kinh tế Việt Nam sẽ “tươi tỉnh” trở lại và trong năm 2022, kinh tế sẽ khôi phục bằng với thời điểm trước khi có dịch. Chính điểm này là điểm dẫn dắt để nhà đầu tư bất động sản định hướng chiến lược phát triển dự án, kinh doanh trong giai đoạn tới.

Một số ngành có khả năng phục hồi sớm như du lịch, hàng không, giao thông vận tải, bất động sản công nghiệp, đô thị mới. Những ngành “bình thường mới” có thể bứt phá như: Số hóa, kinh tế số (thương mại điện tử, ngân hàng số, khởi nghiệp mới).

Trong tình hình hiện nay, với mong muốn khôi phục lại kinh tế, trong đó có ngành bất động sản mang tính định hướng và dự báo thì Nhà nước cũng cần có những chính sách điều tiết và hỗ trợ. Cụ thể hơn, Bộ Xây dựng cần làm việc với các Hiệp hội Bất động sản để nhận biết đúng tình hình hiện tại và các toạ độ ưu tiên trong tương lai để làm sao có thể hỗ trợ nguồn lực cho doanh nghiệp, địa phương phục hồi và phát triển sau dịch./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top