Dịch viêm phổi do virus nCoV đang khiến hàng loạt nông sản Việt kêu cứu vì bí đầu ra, không xuất được sang Trung Quốc, nhiều container đang ùn ứ tại cửa khẩu. Dự báo dịch viêm phổi cấp này sẽ còn ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản, nhất là trái cây trong vòng 6 - 8 tháng tới. Điều này đã khiến cho người nông dân hoang mang, lo lắng. Nhiều cuộc kêu gọi giải cứu hàng nông sản diễn ra trên khắp cả nước nhưng nó chỉ giải quyết được câu chuyện trước mắt, trong khi thực tế đây không phải lần đầu tiên giải cứu nông sản Việt.
Vậy làm thế nào để phát triển sản xuất và tiêu thụ các loại hàng hóa nông sản Việt một cách bền vững và hiệu quả trong mọi điều kiện thuận lợi cũng như khó khăn với các thị trường? PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội để tìm ra câu trả lời.
PV: Thưa ông, thời gian vừa qua, hàng nông sản của Việt Nam bị ứ đọng tại các cửa khẩu với Trung Quốc do ảnh hưởng bởi dịch viêm phổi cấp do virus nCoV, ông đánh giá sao về sự việc lần này?
Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Do phía Trung Quốc đã tạm thời đóng cửa 9 cặp chợ biên giới từ 31/01 tới 08/02 nên một số sản phẩm nông sản, thủy hải sản, đặc biệt là thanh long, dưa hấu… đang bị ùn ứ tại cửa khẩu hàng nghìn tấn và đe dọa sự tiêu thụ tiếp theo của hàng trăm nghìn tấn thanh long ở các tỉnh đã đến lúc thu hoạch.
Giá thanh long đã rớt giá rất mạnh từ 30.000 – 40.000 đồng/kg nay chỉ còn trên dưới 10.000 đồng/kg. Một số hợp đồng mua bán với Trung Quốc đã không được thực hiện và chỉ được phía bạn bồi thường 5.000 đồng/kg. Số hàng nông sản dư thừa này nếu đưa về tiêu thụ ở nội địa với giá thấp cũng sẽ không hết được bởi khối lượng quá lớn, cùng với đó là tập quán tiêu dùng của người Việt và thời điểm tiêu thụ nhiều đã qua, thời tiết lạnh lại không ủng hộ việc sử dụng loại quả này một cách nhanh chóng.
Thanh long là một mặt hàng chủ yếu đem đi xuất khẩu, tiêu thụ trong nước có mức độ và theo báo cáo của các tỉnh Long An, Bình Thuận, 75% tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc, buôn bán đa phần với thương lái, giá cả do họ quyết định từng thời kỳ, còn lại được tiêu thụ ở một số nước khác như Hàn quốc, Singapore và Nhật Bản chiếm khoảng 25%. Như vậy đối với loại quả này, chúng ta chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Dưa hấu hay những hàng nông sản khác cũng tương tự như vậy.
PV: Theo ông, hiện nay, chúng ta nên làm gì đã giải quyết ngay câu chuyện trước mắt, hàng nông sản bị ứ đọng ở cửa khẩu, cứu cánh cho bà con nông dân và thương lái?
Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Đứng trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các tỉnh thành phố có trồng thanh long, dưa hấu… đề xuất một số phương án để tiêu thụ như mở rộng thêm các thị trường khác như Nga, New Zealand, Indonesia..., tổ chức chế biến tại các nhà máy, đẩy mạnh việc tiêu thụ ở thị trường nội địa bao gồm các chợ, cửa hàng lẻ và các siêu thị, các cửa hàng tự chọn...
Việc tiêu thụ phải được thực hiện bằng những phương thức mua bán nhanh chóng, mềm mỏng ít chi phí nhất cho khâu sản xuất và lưu thông. Còn các phương án bán giải cứu ở một số khu vực trong các thành phố hiện nay không phải là biện pháp cơ bản để giải tỏa lượng nông sản tồn ứ như hiện nay.
Tình hình dư thừa hàng nông sản những năm trước đây có lúc cũng đã diễn ra. Chính vì vậy mà việc đặt vấn đề phát triển sản xuất và tiêu thụ các loại hàng hóa nông sản Việt một cách bền vững và hiệu quả trong mọi điều kiện thuận lợi cũng như khó khăn với các thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa là rất cần thiết. Muốn như vậy, chúng ta phải tìm hiểu những nguyên nhân cơ bản của tình hình trên đối với các sản phẩm mà Việt Nam đang có sức sản xuất lớn, dễ bị dư thừa ở những thời kỳ chính vụ.
PV: Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để phát triển hàng hóa nông sản Việt, tránh những rủi ro có thể xảy ra như hiện nay?
Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Đứng trước tình hình nan giải trên, tôi xin đề xuất một số kiến nghị.
Thứ nhất, về sản xuất hàng hóa thì tất cả đều phải tổ chức sản xuất theo quy hoạch, theo lợi thế từng vùng, từng địa phương một cách khoa học, bài bản và có tính thực tiễn cao. Sản xuất và tiêu thụ phải gắn liền thành 1 chuỗi chặt chẽ, có tính pháp lý, vừa quản lý được chất lượng hàng hóa, vừa chia sẻ được lợi ích một cách hài hòa trong chuỗi giá trị đó. Sản xuất nông sản vừa phải xây dựng được thương hiệu, tuân thủ nghiêm kỷ luật sản xuất và kỷ luật thị trường trong thu hoạch, chế biến tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Sản xuất với năng suất cao, chất lượng đảm bảo và giá cả cạnh tranh.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Sản xuất một loại hàng hóa nào đó cần phải biết ngay từ đầu là sản xuất bán cho ai, với giá nào, bán ở đâu và ở thời điểm nào là hiệu quả nhất”. Sản xuất phải gắn với các khu chế biến sản phẩm trong các nhà máy để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và một phần hỗ trợ cho việc dư cung những loại nông sản ở từng thời kỳ.
Thứ hai, giao dịch hàng hóa nông sản trên thị trường kể cả ở trong nước và giao dịch quốc tế phải đảm bảo tính công khai minh bạch, có đầy đủ dữ liệu thông tin về hàng hóa và thị trường. Các giao dịch này tiến tới nhất thiết phải thông qua các sàn giao dịch hàng hóa nông sản độc lập hoặc qua các chợ đầu mối được thiết lập 1 cách hiện đại đủ tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Giao dịch hàng hóa sẽ được thông qua hợp đồng, không bị ép cấp, ép giá, đem lại thua thiệt phần lớn cho người sản xuất. Sản xuất ra hàng hóa nếu dư thừa hoặc đang chờ bán thì phải có những kho dự trữ lớn.
Thứ ba, đi đôi với sản xuất hàng hóa phát triển, nguồn cung ngày càng dồi dào, thậm chí có lúc dư thừa với số lượng lớn thì phải coi trọng hệ thống phân phối quốc gia bao gồm chợ, cửa hàng lẻ, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn được phát triển theo quy hoạch chung của các địa phương và trên toàn quốc. Hệ thống phân phối này cần phải có năng lực đủ lớn để làm tốt việc tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước một cách tự giác, thực hiện việc chia sẻ lợi ích một cách hợp lý, kinh doanh không mang tính lợi nhuận đơn thuần.
Trong thời đại công nghiệp 4.0 cần coi trọng việc sử dụng các thành tựu của trí tuệ nhân tạo, data dữ liệu, internet vạn vật để thu thập và xử lý thông tin phục vụ cho sản xuất và tiêu thụ hàng hóa một cách khoa học nhanh chóng và hiệu quả.
Thứ tư, những vấn đề cơ bản nêu ở trên, ngoài sự nỗ lực chủ quan của các hộ sản xuất, các hợp tác xã và các doanh nghiệp đang được khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến tiêu thụ hàng hóa nông sản thì cần có sự hỗ trợ một cách hợp lý hiệu quả của Nhà nước, các bộ ngành và các địa phương nhằm tháo gỡ những khó khăn như đang còn tồn tại như tiếp cận đất đai để phát triển sản xuất, chuỗi phân phối để sản xuất lớn hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm.
Xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, giao thông cho giao lưu hàng hóa nhằm giảm bớt những chi phí của logistics và các chi phí khác cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Nhà nước cần tạo điều kiện để hình thành và phát triển những tập đoàn lớn của người Việt có đủ sức dẫn dắt thị trường, làm chủ những sản phẩm của Việt Nam sản xuất trong mọi điều kiện thuận lợi cũng như lúc khó khăn; coi trọng công tác nghiên cứu và phát triển về sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản nhằm phát triển một cách bền vững và hiệu quả; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng các thị trường xuất khẩu để không phụ thuộc vào nhiều vào 1 - 2 thị trường chính.
Cuối cùng là Nhà nước cần tổ chức kiểm soát thị trường chống hàng gian, hàng giả, buôn lậu trốn thuế gây thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Làm được những vấn đề trên, chắc chắn việc phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản của Việt Nam trong thời gian tới sẽ từng bước phát triển một cách bền vững và hiệu quả.