Aa

Hướng về phía bờ dương

Thứ Ba, 08/02/2022 - 06:06

Vượt con đường dốc xuống dòng sông Nho Quế phải đi qua 49 khúc cua tay áo khốc liệt. Bờ dương là vách đá, bờ âm là vực thẳm... Bờ dương là núi, cây, là dương vô cùng. Là sự sống...

Đi du lịch, thông thường người ta hay nghĩ đến chuyện thăm thú những nơi nào, và theo đó, thưởng ngoạn những gì, thu nhận được gì. Nhưng có một chiều khác, nhìn về phía những người đi cùng, lắm khi ta cũng đọc được nhiều điều thú vị và nghĩa lý không kém gì những thứ mà mỗi nơi chốn đem cho. 

Tôi đi thăm Hà Giang lần này là lần thứ ba. Rồi không biết có còn đi lại/đi được nữa không? Hà Giang lạ lắm. Một nơi chốn mà khi vừa rời khỏi người ta đã toan tính thêm lần trở lại.

Cái mảnh đất lạ lẫm từ trùng trùng núi đá đến đèo dốc, bản làng, con người, văn hóa, trang phục, ẩm thực... Tất tật. Lạ từ tên các địa danh. Có lẽ không một nơi nào có những địa danh là một tập hợp tên các loài vật (dĩ nhiên theo tiêu chí của sự liên tưởng ngẫu hứng thôi chứ không phải theo logic của địa chí học hoặc ngôn ngữ học): Giang (Hà Giang), Cú (Lũng Cú), Cáo (Phố Cáo), Mèo/Vạc (huyện Mèo Vạc), Đồi Con Rùa… Không biết có địa danh Cò không nhỉ?

Tôi ngược Hà Giang lần này thấy mình được rất nhiều, được cả những nơi tôi đến và cả những người tôi cùng chuyến hành trình.

Các địa danh khác đã trở nên quá quen thuộc với nhiều người, thí dụ như thị trấn huyện Mèo Vạc, cột cờ Lũng Cú, Nhà Vương, thị trấn Đồng Văn, nhà Pao… Nhưng có một hành trình đi từ mặt đường lộ để xuống dòng sông Nho Quế du thuyền thì không phải ai lên Hà Giang cũng biết để đi, và có khi cũng biết, cũng muốn đi mà không dám. Tour du lịch này mới được khai thác chừng chưa đầy 3 năm.

sông Nho Quế
Dòng sông Nho Quế xanh lục trong vắt uốn lượn quanh triền núi. (Ảnh: VnExpress)

Các bạn hãy thử tưởng tượng đó là một con đường bê tông nhỏ rộng chừng mét rưỡi, nhiều chỗ đã vỡ nát thành đường đất, độ dài chừng hơn 8km. Với một độ dốc cực lớn, nếu đi bằng xe máy, mũi xe luôn chúc xuống, người cầm lái cũng phải nằm rạp người xuống để giữ thăng bằng; còn người ngồi sau thì chỉ có việc ôm chặt ngang eo tay lái để mà hoảng sợ. Vượt con đường dốc này phải đi qua 49 khúc cua tay áo khốc liệt. Bờ dương là vách đá, bờ âm là vực thẳm. Đội quân xe ôm phục vụ khách du lịch hầu như là các thanh niên bản địa người dân tộc Xá. Họ đã rất quen địa hình. Các tay lái lì lợm, tự tin, dũng mãnh. Hỡi ôi, chỉ cần lơ đãng một tích tắc thôi là cả xe cả người bay vào vực thẳm, hun hút, không biết đâu là điểm tiếp đất cuối cùng. Thôi rồi, chỉ có tan xương nát thịt.

Tôi là kẻ nhát gan. Người cầm lái đưa tôi xuống mặt sông là một thanh niên người Xá. Tôi hỏi đùa: “Đã uống rượu chưa?”. Anh ta đáp: “Uống rồi chớ”. Hỏi: “Uống nhiều không?”. “Uống ít thôi. Uống cho khỏe thôi”. Tôi bảo: “Cho ngửi mồm cái xem có còn say không?”. Chàng trai bẽn lẽn: “Không phải ngửi đâu. Uống ít thôi. An toàn mà”. Tôi thầm nghĩ cái anh chàng này thật bụng như đếm, chứ không điêu như người Kinh ta, rồi dặn: “Đi chậm thôi nhé, không cần nhanh, không được ngã, nhớ chưa”. Anh ta vâng rất ngoan rồi mời tôi lên xe. Hầu suốt dọc đường, do độ dốc lớn, tôi phải áp người vào lưng anh ta, hai tay bấu chặt hai bên sườn, có lúc vòng tay ôm chặt lấy anh. Xe máy luôn luôn để số 2, có nhiều chỗ phải vào số 1. Tiếng xe gằn lên, hồng hộc chồm như ngựa chứng. Phần lớn trên quãng đường, mắt tôi nhắm nghiền lại, phó mặc cho tay lái. Thỉnh thoảng hé mắt, không dám nhìn xuống theo chiều mũi xe. Tôi nghếch mắt lên nhìn vào bờ dương. Bờ dương là núi, cây, là dương vô cùng. Là sự sống. Tôi để mắt vào phía bờ dương.

Giống người là giống tò mò. Sợ đấy nhưng mà vẫn muốn. Đôi lúc tôi đảo mắt liếc phía bờ âm. Một tia điện lạnh toát chạy dọc sống lưng. Tôi vội quay về phía bờ dương. Bờ âm là khoảng không vô cùng. Là bóng tối. Là cái chết. Là tan xác và vô tăm tích…

Ôi bờ dương. Đất Mẹ. Bầu trời và sự an lành.

Cuối cùng thì cũng xuống được bến sông. Hơn 8 cây số. Chừng gần 30 phút trên xe máy. Xuống bến sông mới biết mình còn sống. Tự nhủ: chiều lên để trở về sẽ đỡ hiểm nguy hơn. Bởi trên đó là bờ dương, nơi con người ta được sống!

đường xuống sông Nho Quế
Vượt con đường xuống dòng Nho Quế phải đi qua 49 khúc cua tay áo khốc liệt. Bờ dương là vách đá, bờ âm là vực thẳm... (Ảnh: Internet)

*** 

Trong đoàn tham quan của chúng tôi có hơn 30 người, toàn cánh phóng viên báo chí. Có một đôi vợ chồng nọ không đi ô tô cùng đoàn. Họ đi bằng xe máy bám theo đoàn trong suốt hành trình. Như ta biết, con đường Hà Nội - Hà Giang - Lũng Cú ước chừng 460km một chiều, đèo dốc hiểm nguy; chưa kể việc di chuyển vòng vèo sang Mèo Vạc, Quản Bạ và các địa điểm rải rác khác… Ấy thế mà hai vợ chồng cứ xe máy mà đi. Xuất phát thì cùng với ô tô của đoàn, nhưng bao giờ xe máy của đôi người này cũng về đích trước. Họ đi xe chuyên dụng, phân khối lớn, đắt tiền, rất chuyên nghiệp như các phượt thủ đường trường.

Tôi hơi tò mò hỏi sao họ không đi ô tô cùng đoàn cho nhàn nhã mà lại phải đi xe máy cho khổ ra? Nhưng tôi được những anh em trong đoàn giải thích rằng đôi nhà ấy thích đi theo cách như vậy, rằng lần nào cơ quan đi đâu xa, đôi nhà ấy cũng đi xe máy, họ thích chinh phục đường trường, họ thích cảm giác được tự do; rằng đôi nhà ấy vẫn đang còn yêu nhau lắm, mặc dù các con đã lớn…

Mà lạ lắm, cô vợ lại là người khuyết tật, một chân không lành lặn, đi lại khó khăn. Bất cứ điểm dừng nào cũng thấy anh chồng cầm tay vợ đỡ đi từng bước thật cẩn trọng, an toàn. Cô vợ mặt tươi roi rói, ngời lên hạnh phúc. Họ kiêu hãnh về nhau, kiêu hãnh về cách chinh phục và khám phá những nơi họ đến. Gương mặt cô ấy rất đẹp. Họ đi bên nhau rất đẹp, yêu thương, ân cần săn sóc nhau từng li từng tí, không rời nhau nửa bước, ngay cả trong mỗi bữa ăn... Những lúc chăm chút như thế, dường như từ toàn bộ thân thể họ tỏa lên vầng sáng của tình yêu.

Vẻ đẹp dòng Nho Quế. (Ảnh: VnExpress)

Mỗi khi họ di chuyển, anh chồng luôn nhìn xuống dưới bàn chân vợ, dẫn vợ đặt những bước chân an toàn trên mặt đất. Nhìn họ, tôi cảm thấy có chút chạnh lòng. Cảm thấy như mình có lỗi với người mẹ của mấy đứa con mình. Chẳng mấy khi mình có những chăm chút ân cần và cảm động thế kia… Tôi nói thầm điều này với mấy ông bạn, họ đều chung một cảm giác như tôi.

Anh ấy là một nhà báo. Cô ấy là chủ một tiệm café nho nhỏ. Họ có những đứa con đẹp đẽ. Tôi có cảm giác đời sống của họ thật hạnh phúc, bình yên trong tinh thần "Tự đủ". 

Vẻ đẹp của đôi vợ chồng ấy cũng là một "bờ dương" của đời sống này. Một "bờ dương" cho tôi, cho bạn cùng hướng vọng…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top