Hệ thống xếp hạng tín nhiệm độc lập đóng vai trò quan trọng
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam bùng nổ trong 5 năm qua, tăng trưởng bình quân 42%/năm và hiện chiếm khoảng 12% tổng dư nợ, khoảng 15% GDP. Tuy nhiên, trong sự bùng nổ này, những điều căn bản để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh và bền vững vẫn tồn tại nhiều thiếu sót, gây ra những thiệt hại không nhỏ cho nhà đầu tư, trái chủ. Điển hình là một số sự việc gần đây xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.
So với thị trường tại các nước phát triển như Mỹ, những bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam bao gồm thiếu sót về mặt pháp lý, sự thiếu kiểm soát của các cơ quan quản lý và thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư cá nhân.
Với các nhà đầu tư cá nhân tại Mỹ, sự hiểu biết về thị trường tài chính và tính tuân thủ luật pháp của họ rất cao. Nếu bản thân không có kiến thức tài chính, những nhà đầu tư này sẽ được hỗ trợ bởi các công ty kinh doanh chứng khoán, ngân hàng đầu tư và công ty luật. Các đơn vị này phải đảm bảo trách nhiệm của mình khi tư vấn cho khách hàng.
Thị trường trái phiếu tại các quốc gia phát triển cũng có những công cụ để thông qua đó, nhà đầu tư nhận biết rủi ro và đưa ra những quyết định đầu tư thông minh, hợp lý. Một trong những công cụ đó là xếp hạng tín nhiệm (Credit rating), phần lớn các trái phiếu đều được xếp hạng bởi 3 công ty tín nhiệm hàng đầu thế giới là Moody’s, Standard & Poor's và Fitch Ratings với 2 mức tín nhiệm là mức đầu tư hay đáng đầu tư (Investment grade) và mức không đầu tư hay không đáng đầu tư (None-investment grade).
Trong mỗi mức này, có nhiều cấp độ khác nhau từ cao xuống thấp, nhưng trái phiếu thuộc nhóm "None-investment grade" được gọi là trái phiếu rác (Juck bond). Các nhà đầu tư muốn đầu tư an toàn, ít rủi ro thường không chọn những trái phiếu rác này. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều nhà đầu tư chọn trái phiếu rác vì lãi suất cao và họ đã phân bổ rủi ro trong danh mục đầu tư của mình. Điều quan trọng của xếp hạng tín nhiệm là nhà đầu tư ý thức được mức độ rủi ro của trái phiếu, tức là khả năng vỡ nợ của doanh nghiệp phát hành để quyết định mua hay bán.
Các nhà đầu tư tại Mỹ khi có kế hoạch mua trái phiếu của một công ty nào đó thường tra cứu mức xếp hạng tín nhiệm của trái phiếu muốn mua, nếu là những trái phiếu không xếp hạng hoặc trái phiếu rác, thông thường sẽ bỏ qua trái phiếu đó. Ở Việt Nam, nhà đầu tư thường không sử dụng công cụ xếp hạng tín nhiệm, họ tự thẩm định và phần lớn dựa vào uy tín của doanh nghiệp phát hành; lãi suất thường cao gấp đôi, gấp ba so với lãi suất huy động của ngân hàng là yếu tố tạo ra sự hấp dẫn của trái phiếu doanh nghiệp.
Bài học mà chúng ta học hỏi được từ các thị trường phát triển lâu đời là: Luật pháp chặt chẽ; các cơ quan quản lý có trách nhiệm và khả năng quản lý cao; các thành viên tham gia thị trường có sự hiểu biết và tính tuân thủ pháp luật; hệ thống xếp hạng tín nhiệm độc lập đóng một vai trò không thể thiếu.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể trở thành “bà đỡ” cho nền kinh tế?
Hiện nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng của Việt Nam. Nguồn cung cấp vốn chủ yếu vẫn là các ngân hàng, hệ thống các tổ chức tín dụng cung cấp gần 11 triệu tỷ đồng. Gánh nặng cung cấp vốn cho nền kinh tế vẫn đè lên vai các ngân hàng, trong khi hoạt động tín dụng vẫn tiếp tục bị hạn chế bởi:
Thứ nhất, nguồn vốn huy động từ dân cư và doanh nghiệp vẫn chủ yếu là vốn ngắn hạn. Trong khi đó, nhu cầu vốn trung và dài hạn cho các dự án bất động sản là rất lớn.
Thứ hai, Thông tư số 22/2019/TT-NHNN (thay thế Thông tư 19/2017/TT-NHNN) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 tiếp tục lộ trình kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản. Theo đó, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9/2020, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn là 40%; từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/9/2021 là 37%; từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022 là 34% và kể từ ngày 1/10/2022 sẽ giảm xuống 30%.
Thứ ba, trong những năm sắp tới, các ngân hàng sẽ đối diện với nợ xấu tăng cao do được phép trì hoãn chuyển nhóm nợ và xử lý nợ xấu vì dịch bệnh.
Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước đang siết lại tín dụng bất động sản. Tuy nhiên, tại thời điểm này và ít nhất trong vòng 3 năm tới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể trở thành “bà đỡ” cho nền kinh tế nếu như những vấn đề cơ bản sau đây của thị trường chưa được hoàn thiện: Hành lang pháp lý; kỹ năng và trách nhiệm của các cơ quan quản lý; trình độ hiểu biết và tinh thần tôn trọng pháp luật của tất cả các thành viên tham gia thị trường (nhà phát hành, nhà đầu tư, nhà môi giới, công ty xếp hạng tín nhiệm), các tổ chức hỗ trợ (ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty luật, công ty kế toán).
Các nhà đầu tư nên sử dụng xếp hạng tín nhiệm để có sự thẩm định và đánh giá từ bên thứ ba về mức độ rủi ro của trái phiếu mình muốn mua.
Hiện nay, Việt Nam có hai công ty xếp hạng tín nhiệm là FiinRatings và Sài Gòn Ratings, họ được Bộ Tài chính xem xét, thẩm định và cấp giấy phép hoạt động phù hợp với Nghị định 88 của Chính phủ quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm ban hành năm 2014. Hai công ty FiinRatings và Sài Gòn Ratings đang thực hiện xếp hạng tín nhiệm cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Họ hoạt động theo thông lệ quốc tế và sử dụng những phương pháp xếp hạng tín nhiệm quốc tế.
Giải pháp khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản nhìn từ kinh nghiệm quốc tế
Để khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam, Nhà nước cần điều chỉnh ngay những quy định pháp luật về thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ để tạo niềm tin cho giới đầu tư. Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ cần quy định rõ ràng việc xếp hạng tín nhiệm là điều kiện bắt buộc khi phát hành trái phiếu, để các nhà đầu tư có cơ sở thẩm định rủi ro trái phiếu trước khi bỏ vốn.
Thị trường trái phiếu Việt Nam cần sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Bên cạnh ngân hàng là các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, các hãng bảo hiểm và công ty tài chính.
Việt Nam cũng cần xây dựng một thị trường với sản phẩm mới, đó là chứng khoán hóa các khoản vay bất động sản (Mortgage backed securities - MBS) của ngân hàng. Cụ thể, ngân hàng cho vay bất động sản và sau đó gom các khoản vay này lại, bán cho một cơ quan thuộc Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà Nước hay một công ty kinh doanh chứng khoán tầm cỡ có uy tín. Việc này giúp ngân hàng thu hồi lại dòng vốn đã cho vay và tiếp tục dùng vốn đó cho các khách hàng khác vay. Chứng khoán hóa các khoản vay bất động sản giúp thị trường địa ốc có thể thu hút được những dòng vốn lớn và dài hạn từ các định chế tài chính như hãng bảo hiểm, các quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính quốc tế...
Nếu thị trường bất động sản tiếp tục dựa vào ngân hàng và trái phiếu như hiện nay, sự phát triển của thị trường này sẽ tiếp tục gặp những bất ổn và khủng hoảng. Với chứng khoán hóa, Mỹ làm được thì tại sao Việt Nam không làm được?