Aa

Huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái: Khai thác đá tàn phá môi trường

Thứ Bảy, 31/08/2019 - 16:40

Những ngọn núi đang dần biến mất; những con đường bị “băm” nát; những rừng cây xanh mát giờ bạc màu đá trắng; dòng suối, hồ nước trong lành từng ngày bị bức tử… Đó là những gì mà các doanh nghiệp khai thác và chế biến đá trắng gây ra ở vùng thượng nguồn của hồ Thác Bà, thuộc huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Dân làm đường, doanh nghiệp phá

Trở lại vùng quê Lục Yên, tỉnh Yên Bái những ngày này, con đường từ quốc lộ 170 dẫn lên xã Minh Tiến 1 và xã An Phú lớp lớp ổ trâu, đi lại vô cùng khó khăn. Quãng đường từ quốc lộ 170 tới trung tâm xã chỉ khoảng 16km, nhưng chiếc xe ô tô hiệu Ford bán tải hai cầu vâm váp phải mất hơn 1 giờ đồng hồ mới có thể tới nơi.

Theo phản ảnh của người dân, tuyến đường liên xã này là do dân góp đất, huy động sức dân đóng góp 90% giá trị công trình, chính quyền các cấp chỉ cho xe lu làm phẳng để đi. Nguyên nhân chính khiến đường xuống cấp là do các doanh nghiệp, như: Công ty TNHH MTV Vạn Khoa, Công ty TNHH khai khoáng Thanh Sơn, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương… đóng trên địa bàn xã An Phú khai thác đá, cho xe tải trọng đến mấy chục tấn chở đá khối, phá nát con đường.


Những khối đá trắng nặng hàng trăm tấn chờ vận chuyển tại khu vực khai thác của Công ty TNHH khai khoáng Thanh Sơn. 

“Hầu hết những đoạn đường được trải bê-tông do người dân làm đã bị băm nát, gãy gập và dồn thành sống trâu giữa đường; nhiều nơi nắp cống bị sập mở toang hoác, có những đoạn bùn lầy trơn trượt khiến việc đi lại vô cùng khó khăn”, ông H.V.X ở thôn Khâu Sén, xã An Phú khẳng định.

Ông H.V.X cho biết: Khi các doanh nghiệp mới khai thác, họ vận chuyển máy móc, đá khối bằng chính con đường này. Sau đó, người dân ngăn chặn và đường xuống cấp nên các công ty phải vận chuyển bằng đường thủy trên hồ Thác Bà. Song, việc vận chuyển bằng đường thủy chỉ được 6 tháng khi nước dâng cao 48m trở lên. Thời gian gần đây xe chở đá của các doanh nghiệp vẫn vận chuyển trộm qua tuyến đường vào khoảng 2 đến 3 giờ sáng.

Bức tử đầu nguồn hồ Thác Bà

Từ trung tâm xã An Phú đi xuống bến đò Tát Dân, thôn Đồng Dân, xã An Phú, thuộc vùng thượng nguồn hồ thủy điện Thác Bà cũng chính là con đường đi qua khu vực khai thác đá của Công ty TNHH khai khoáng Thanh Sơn. Những ngọn núi phủ xanh cây cối giờ đã bạc màu đá trắng. Dọc bến đò tới đỉnh núi là những khối đá trắng nặng hàng trăm tấn đã qua cắt gọt được tập kết tại đây chờ vận chuyển. Phía dưới bến đò, doanh nghiệp lắp đặt một chiếc máy nghiền đá thải hoạt động 24/7, khiến bụi bay mù trời...

Cách đó không xa là khu vực núi khai thác đá của Công ty TNHH MTV Vạn Khoa, thuộc thôn Khau Ka, xã An Phú. Những cỗ máy khổng lồ ở các tầng của dãy núi hoạt động khẩn trương, không ngừng cẩu những hòn đá lớn cho lên xe tải chở xuống những chiếc máy nghiền giữa mịt mù bụi đá.

Theo phản ảnh của người dân, hiện nay Công ty TNHH MTV Vạn Khoa là doanh nghiệp khai thác đá lớn nhất đóng trên địa bàn huyện Lục Yên. Trong đó, xã An Phú là khu vực khai thác chính và gần đây được đầu tư nhiều thiết bị máy móc để khai thác lớn. Ngoài xã An Phú, doanh nghiệp này còn có các mỏ khai thác đá ở nhiều địa bàn xã khác, như: xã Liễu Đô, xã Phan Thanh…

Những cỗ máy lớn ở các tầng của dãy núi hoạt động khẩn trương.

Ngược lòng hồ Thác Bà thêm một đoạn, tại thôn Khâu Vi, xã An Phú còn có Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương. Công ty này cũng có hình thức khai thác đá tương tự, dạng block rồi chế biến xuất khẩu và làm phụ gia cho các ngành công nghiệp.

Qua quan sát, có thể thấy ở các khu vực khai thác đá còn kéo theo những doanh nghiệp nhỏ nghiền đá thải thành bột đá dưới chân núi sát hồ Thác Bà rồi vận chuyển đi các nơi tiêu thụ. Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu các doanh nghiệp “ăn theo” này chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật, xử lý phế thải trước khi xả ra môi trường... Theo phản ánh của người dân, những doanh nghiệp “ăn theo” này không qua khâu xử lý môi trường nào, phế thải được xả trực tiếp xuống hồ Thác Bà, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng...

Ông H.V.N, một chủ tàu khách ở xã An Phú cho biết: Trước đây nước hồ Thác Bà ở vùng thượng nguồn trong vắt, người dân đánh bắt cá mưu sinh có thể múc nước đun nấu ăn ngay, tuy nhiên đến giờ nước hồ đã chuyển màu đục không thể đun nấu. Không chỉ vậy, khi người dân lặn xuống nước, tóc cũng bị kết cứng lại do nước bị ô nhiễm.

Ông H.V.D, ở thôn Khâu Ka, xã An Phú bức xúc: Người dân ở vùng thượng nguồn mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá, nếu việc khai thác đá xả thải trực tiếp xuống hồ như vậy thì thời gian tới sẽ không còn cá để mà đánh bắt, hơn nữa cây cối hoa màu cũng không thể phát triển được. Đặc biệt là đường liên xã đã bị các doanh nghiệp phá nát nhưng họ bỏ mặc không tu sửa, làm mới...

"Chính phủ đã có chủ trương kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững. Dù các doanh nghiệp có đầy đủ giấy phép, điều kiện khai thác đi chăng nữa thì cũng phải tuân thủ đúng các quy định của Chính phủ, không thể tàn phá môi trường, làm đảo lộn cuộc sống của người dân như vậy", ông H.V.D nói.

Hứa rồi... bỏ đấy?

Đã nhiều lần người dân phản ảnh, đề nghị doanh nghiệp có trách nhiệm, nhất là việc khắc phục tình trạng xả bụi trực tiếp ra môi trường, xây mới lại đường liên xã... Thế nhưng lãnh đạo tỉnh Yên Bái và doanh nghiệp chỉ hứa rồi... bỏ đấy?

Cụ thể, ngày 6/6/2019, ông Triệu Tiến Thịnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái cùng đoàn công tác của tỉnh đã có chuyến khảo sát thực tế để triển khai xây dựng tuyến đường cấp IV đi qua địa bàn các xã Minh Tiến, An Phú, Tân Nguyên, Phan Thanh (huyện Lục Yên).

Ông Thịnh cho biết: Tuyến đường sẽ có tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng, quy mô đường cấp IV miền núi, chiều dài tuyến chính 10,5km, bề rộng nền đường 7,5m; tuyến phụ có chiều dài trên 7km, bề rộng nền đường 6,5m.

Ông Thịnh yêu cầu các đơn vị có liên quan phải triển khai dự án bảo đảm đúng các quy trình, thủ tục, quy định của pháp luật trên cơ sở bảo đảm lợi ích hài hòa của người dân và doanh nghiệp; yêu cầu đơn vị tư vấn nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ thiết kế, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư đánh giá lại những tác động về mặt kinh tế xã hội đối với địa phương khi triển khai dự án, đặc biệt là những vấn đề đặt ra về môi trường, chuyển đổi nghề nghiệp, bảo đảm cuộc sống người dân sau khi bị thu hồi đất.

Hình ảnh Google map cho thấy ngọn núi phủ xanh cây cối giờ đã bạc màu đá trắng.

Tưởng rằng việc làm đường sẽ được triển khai thực hiện như lời ông Thịnh đã nói, nhưng kể từ đó đến nay người dân không thấy có bất cứ một động thái nào của lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp cho thấy sẽ triển khai làm đường như đã hứa. Đường liên xã An Phú – Minh Tiến vẫn từng ngày bị băm nát, doanh nghiệp vẫn tiếp tục xả thải trực tiếp xuống hồ Thác Bà...

Người dân đề nghị lãnh đạo tỉnh Yên Bái, huyện Lục Yên và các doanh nghiệp khai thác đá cần nghiêm túc thực hiện, trước mắt làm triển khai xây mới lại đường liên xã An Phú – Minh Tiến như đã hứa.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top