Ông Jonathan Ostry, Phó giám đốc Ban Châu Á và Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trao đổi về vấn đề cải thiện chất lượng tăng trưởng của Việt Nam để đảm bảo phát triển bền vững.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,91% trong năm 2020 và 4,48% trong quý I/2021. IMF đánh giá thế nào về những kết quả này? IMF có những khuyến nghị gì để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2021?
Năm 2020, 2,91% là con số tăng trưởng dương hiếm có trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm. Thành tựu này có được chủ yếu nhờ các chính sách ngăn chặn dịch bệnh cực kỳ chủ động, hiệu quả được đưa ra rất sớm vào đầu năm 2020 và kết quả đó thực sự cho thấy những gì có thể đạt được với một phản ứng về y tế mạnh mẽ.
Đối với năm 2021, IMF dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam rất tích cực, ở mức 6% hoặc 7%. Thông điệp mà chúng tôi muốn truyền tải là, Việt Nam cần đảm bảo rằng, đang tiếp tục hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong nền kinh tế như đã và đang làm, đồng thời tiếp tục triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin vừa được bắt đầu trên cả nước.
Việt Nam cần đặt nền tảng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn, gồm đảm bảo có nguồn thuế và nguồn thu để xây dựng kết cấu hạ tầng và triển khai đầu tư công; đảm bảo hệ thống tài chính của đất nước có khả năng phục hồi và tiếp tục nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư.
Trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với mục tiêu khoảng 6,5% trong năm nay và thúc đẩy sản xuất trong nước, Chính phủ Việt Nam đang nghiên cứu một kế hoạch mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn do Covid-19 gây ra. Theo ông, những giải pháp nào nên được thực hiện trong kế hoạch này? Nếu nới lỏng chính sách tài khóa, liệu có rủi ro nào về lạm phát cao?
Vị thế tài khóa của Việt Nam hiện tại là ổn định, được hỗ trợ bởi các động lực nợ bền vững. Hơn nữa, áp lực lạm phát đã được giảm bớt và phù hợp với giới hạn của Ngân hàng Nhà nước cho năm 2021 là 4%. Khuyến nghị của IMF vẫn là có thể nới lỏng chính sách tài khóa, nếu cần, nhằm hỗ trợ hoạt động kinh tế và hạn chế tác động tiêu cực do đại dịch gây ra. Tất nhiên, sự điều chỉnh chính sách phần lớn phụ thuộc vào tốc độ phục hồi kinh tế ở cấp độ toàn cầu hiện còn nhiều bất ổn.
Việc áp dụng hoãn thuế ở Việt Nam còn chưa đủ mạnh, đặc biệt là trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nền kinh tế, có thể sẽ không có nhiều tác dụng. Chúng tôi khuyến khích một số biện pháp sau: áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp tạm thời được chuyển lỗ để cải thiện dòng tiền của các công ty; đặt mục tiêu tốt hơn tới các khoản giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tạm thời để mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn nhưng có thể hoạt động tốt; đưa ra các điều khoản tạm thời cho khấu hao nhanh hoặc các khoản tín dụng thuế đầu tư để giảm chi phí về vốn của người sử dụng và khuyến khích đầu tư.
IMF đánh giá thế nào về chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam? Chất lượng tăng trưởng tác động thế nào đến việc nâng cao năng lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)?
Câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam trong 3 thập kỷ qua rất đáng chú ý, vì đây là sự tăng trưởng bền vững và bao trùm, giúp thúc đẩy mức sống của người dân. Nhờ những cải cách theo định hướng thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh và giúp thu hút đáng kể vốn FDI, Việt Nam từ một nước trong nhóm những nước nghèo nhất thế giới đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp.
Việt Nam nên thực hiện các bước cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và đảm bảo một sân chơi bình đẳng. Điều này bao gồm các cải cách theo hướng đơn giản hóa và giảm gánh nặng pháp lý mà doanh nghiệp tư nhân trong nước phải đối mặt, giảm chi phí đầu vào và gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp, tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước và tăng cường quản trị tốt.
Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục giảm tình trạng không phù hợp về kỹ năng lao động. Tăng cường tiếp cận nguồn nhân lực và công nghệ cũng sẽ thúc đẩy năng suất lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư các sản phẩm phức tạp hơn mà có thể chống chọi tốt hơn với cạnh tranh trên thị trường quốc tế.