Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 16/7 cho biết tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ giảm từ mức cao 10 năm là 7,1% vào năm 2018 xuống 6,5% trong cả năm 2019, phản ánh các điều kiện bên ngoài đang suy yếu.
IMF cho biết căng thẳng thương mại và những biến động bên ngoài đã ảnh hưởng đến Việt Nam vào năm 2018, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững nhờ tăng trưởng lành mạnh về thu nhập cũng như hoạt động tiêu dùng của tầng lớp trung lưu, mùa màng nông nghiệp bội thu và sự phát triển nhanh của ngành chế tạo.
Những động lực kinh tế mạnh mẽ sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2019, với chi phí lao động khá cạnh tranh và các yếu tố cơ bản mạnh mẽ bao gồm cơ cấu thương mại đa dạng và các hiệp định thương mại tự do mới ký kết đang thúc đẩy quá trình cải cách tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam dự kiến sẽ “hạ nhiệt” và đạt mức tăng 6,5% vào năm 2019, duy trì tốc độ này trong năm 2020 cũng như trung hạn do sự suy yếu của các yếu tố bên ngoài.
IMF cũng cho biết mức lạm phát dự kiến sẽ tăng từ 3,5% trong năm 2018 lên lần lượt 3,6% và 3,8% vào năm 2019 và 2020, vẫn nằm dưới mức mục tiêu 4% của Chính phủ.
Trong báo cáo, các chuyên gia cấp cao của IMF hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm hiện đại hóa các thể chế kinh tế và tăng cường khả năng quản trị, đồng thời kêu gọi Việt Nam tập trung vào tăng cường chống tham nhũng và cải thiện hoạt động giám sát các doanh nghiệp nhà nước.
IMF cũng hoan nghênh các nỗ lực củng cố tài khóa của Việt Nam, đặc biệt là trong việc cải thiện chính sách và quản lý thuế, trong đó có áp thuế môi trường cao hơn và thắt chặt chi tiêu, qua đó giúp giảm nợ công.
IMF lưu ý rằng Việt Nam nên tập trung hơn nữa vào chất lượng các biện pháp điều chỉnh để giữ nợ công giảm dần, tạo dư địa để ưu tiên phát triển cho cơ sở hạ tầng và chi tiêu xã hội, chuẩn bị cho giai đoạn già hóa dân số tiềm ẩn và đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu cũng như nền kinh tế chuyển dịch theo hướng số hóa.
Báo cáo của IMF đánh giá cao lập trường về chính sách tiền tệ và tín dụng hiện nay của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng giảm dần đang giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô. Các chuyên gia IMF cũng kêu gọi Chính phủ Việt Nam tiến hành cải cách để giảm bớt các rào cản đầu tư, qua đó thúc đẩy đầu tư tư nhân, tăng năng suất lao động./.