Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (KBC) vừa công bố, hoạt động kinh doanh và tình hình thu hút đầu tư tương đối khả quan trong quý IV/2020. Cụ thể, KBC và các công ty trực thuộc đã ký được hàng loạt hợp đồng cho thuê lại đất với tổng diện tích lên tới 150 ha, tổng giá trị đạt được trên 150 triệu USD. Lĩnh vực thu hút đầu tư chủ yếu là công nghệ cao, công nghệ điện tử, dự án đầu tư của những tập đoàn quốc tế.
Đại diện KBC cho biết, đây là tín hiệu rất tốt đối với hoạt động kinh doanh của KBC năm 2020. Giữa bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm, hoạt động kinh doanh của đa phần doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có KBC cũng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.
"Tuy nhiên, nhờ đi đúng hướng mà nền kinh tế Việt Nam dù còn khó khăn nhưng vẫn đạt được tăng trưởng dương. Đặc biệt quý IV/2020, kinh tế tăng trưởng mạnh, uy tín được nâng lên, các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam. Tận dụng cơ hội đó, các doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp như KBC đã ký được nhiều hợp đồng cho thuê đất, kéo doanh thu tăng trưởng", lãnh đạo KBC chia sẻ.
Được biết, trong năm 2020, KBC tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án KCN Quang Châu, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Tân Phú Trung, và 2 khu đô thị lớn là Khu đô thị Phúc Ninh (Tp Bắc Ninh) và KĐT Tràng Duệ (Hải Phòng)…Nguồn vốn đầu tư cho các dự án vào khoảng 1.500 – 2.000 tỷ đồng.
Năm 2020, KBC đặt ra 2 kế hoạch kinh doanh, trong đó phương án khả quan là dự kiến tổng doanh thu hợp nhất đạt 3.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt 816 tỷ đồng. Đối với phương án tích cực, với tổng doanh thu thuần dự kiến đạt 3.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.000 tỷ đồng.
Đánh giá về bất động sản khu công nghiệp, SSI Research cho rằng khi đại dịch lắng xuống, nhu cầu về khu công nghiệp sẽ tăng lên đáng kể. Giá thuê đất công nghiệp ở Việt Nam cũng thấp hơn trong khu vực Đông Nam Á, chỉ khoảng 60-70% so với Thái Lan hay Indonesia. Điều này có thể giúp thu hút dòng vốn FDI lớn hơn và dư địa tăng giá cho thuê đất cao hơn.
Thống kê từ trung tâm phân tích cho thấy việc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam là một xu thế lớn và có thể tăng mạnh hơn sau dịch. Một vài công ty lớn có kế hoạch chuyển một phần hoạt động như Microsoft, Google, Panasonic, Sharp, Foxconn…
Ngoài ra ưu đãi đầu tư giữa chính phủ Việt Nam và Nhật Bản cũng có thể mang lại cơ hội cho một số công ty Nhật Bản mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam, có thể kể đến như Shin-Etsu Chemical, HoYa Coporation, Matsuoka, Meiko Electronics, Yokowo, Nikkiso… Hầu hết các công ty này đã đã có cơ sở sản xuất tại miền Bắc.