Pháp luật quy định về hành lang an toàn
Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP quy định về hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình như sau:
4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.
Theo quy định tại Điều 46 Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở như sau:
Điều 46. Vi phạm quy định về khai thác, sử dụng hệ thống thoát nước
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi đổ đất, đá, vật liệu, rác xuống sông, hồ, kênh, mương, hố ga, cống, rãnh thoát nước làm cản trở dòng chảy.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Xả chất độc hại vào hệ thống thoát nước công cộng;
b) Vi phạm các quy định về bảo vệ an toàn hệ thống thoát nước.
3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tự ý đấu nối vào mạng lưới thoát nước, xây dựng công trình trên sông, kênh, rạch, ao, hồ;
b) San, lấp kênh, mương, ao hồ thoát nước công cộng trái quy định;
c) Tự ý dịch chuyển đường ống ngầm, hố ga thoát nước;
d) Xây dựng các loại công trình trên bờ, trên mặt nước, dưới mặt nước trong khu vực bảo vệ an toàn hệ thống thoát nước trái quy định.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
b) Buộc phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP đối với hành vi quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều này.
Theo quy định tại Điều 157 Luật Đất đai 2013 về Đất xây dựng các công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn thì:
2. Đất xây dựng các hệ thống giao thông, thủy lợi, đê điều, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống dẫn điện, dẫn xăng dầu, dẫn khí, thông tin liên lạc và đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn các công trình này.
4. Cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm công bố công khai mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình, chịu trách nhiệm chính về việc bảo vệ an toàn công trình; trường hợp hành lang bảo vệ an toàn công trình bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép thì phải kịp thời báo cáo và yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hành lang bảo vệ an toàn bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép để xử lý.
5. Ủy ban nhân dân các cấp nơi có công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ an toàn công trình; công bố công khai mốc giới sử dụng đất trong hành lang bảo vệ an toàn công trình; kịp thời xử lý những trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang bảo vệ an toàn công trình.
Thực trạng hàng quán lấn chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình tại KĐT Văn Quán
Quy định pháp luật là vậy, thế nhưng ngay tại hồ Văn Quán (thuộc KĐT Văn Quán, Hà Đông) lại án ngữ quán cà phê Xanh, được xây dựng và hoạt động kinh doanh ngay trên hành lang bảo vệ an toàn hồ. Ở phía bên hồ còn lại là cà phê Paradise, xây sát hành lang bảo vệ an toàn, thậm chí phần vỉa hè cho người đi bộ cũng bao trọn lấy quán này.
Được biết, theo quy hoạch công bố được phê duyệt thì phần diện tích đất nơi cà phê Paradise và cà phê Xanh đang được xây dựng vốn là công viên cây xanh nhỏ và vườn hoa ven hồ. Khu diện tích này được sử dụng là khu vui chơi giải trí công cộng, khu dạo mát, thể dục thể thao cho các hộ dân trong khu đô thị.
Thế nhưng đến khoảng cuối năm 2012, đầu 2013, người dân tại đây bỗng thấy xe chở vật liệu, cát, đá, sỏi, sắt, thép tập kết ngổn ngang và đào bới phá nát phối cảnh khuôn viên khu vực cây xanh vườn hoa dọc ven hồ. Sau khoảng 1 tuần thì một quán cà phê có tên là Paradise đã mọc lên bên Hồ Than Thở, che hẳn lối đi lại và khu vực vui chơi công cộng ở ven hồ của người dân…
Tương tự, khu vực Hồ Văn Quán cũng xuất hiện cà phê Xanh, thậm chí còn lấn chiếm ra sát mép hồ. Ngay dưới chân Xanh cà phê, có thể thấy rõ một cửa thoát nước đã được xây đè lên, khiến không ít người nghi ngại về vấn đề thoát nước trong mùa mưa. Tình trạng ngập nước nghiêm trọng tại KĐT Văn Quán đã từng được ghi nhận vào những năm 2012, 2014, 2017 và 2018 sau những trận mưa lớn.
“Tôi không biết hai quán cà phê Paradise và Xanh này là của ai, nhưng việc hai quán cà phê này mọc lên trên ven hồ, đặc biệt phía sau quán Xanh lấn ra lòng hồ đã rõ như ban ngày. Tuy là hồ đôi nhưng mỗi góc hồ lại bị khuyết một phần bằng đúng diện tích xây dựng quán, không biết là quán xây theo thiết kế của hồ hay hồ xây theo thiết kế quán?”, một người dân đi qua cho hay.
Liên quan đến cà phê Pardise, người dân phường Văn Quán đã có đơn thư gửi lên phường Văn Quán thông báo cho chính quyền vào cuộc, yêu cầu xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, trả nguyên trạng cảnh quan công viên cây xanh và đường cống tiêu thoát nước, thế nhưng không được giải quyết.
Ông N.V.M, sinh sống tại KĐT Văn Quán từ năm 2010 cho biết: “Người dân chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên UBND phường Văn Quán về quán cà phê Paradise, thậm chí một số báo đài còn nói về việc này rồi mà việc đâu vẫn còn đó. Vốn đây là khuôn viên vườn hoa cây xanh ven hồ, không hiểu chủ quán là ai, quen biết rộng thế nào mà được phép xây dựng trên phần đất này?”
Theo khảo sát thực tế của phóng viên, cà phê Paradise và cà phê Xanh đều được xây cao 2 tầng với bê tông, cốt thép chắc chắn. Tại cà phê Xanh, một phần diện tích lòng đường đã bị biến thành bãi đỗ xe cho khách. Vỉa hè tại cà phê Paradise cũng không tránh khỏi “số phận” bị biến thành bãi đỗ xe.
Cách cà phê Xanh không xa, người đi đường cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh một hàng thiên nga trắng đang nằm bên hồ để phục vụ những khách hàng có nhu cầu thuê, sử dụng dịch vụ vui chơi mặt nước. Đáng nói là "nhà chờ" của hàng thiên nga này cũng được xây trên hành lang bảo vệ ven hồ, thậm chí là cơi nới, xây hẳn vào lòng hồ một đoạn dài khoảng 1 mét.
Được biết, dịch vụ này được kinh doanh từ năm 2015 bởi Bông ty Cổ phần Behappy. Đối diện với nhà chờ là quầy bán vé kiêm phục vụ đồ uống, được xây dựng tạm trên phần đất công viên cây xanh.
Không chỉ có cà phê Paradise và cà phê Xanh lấn chiếm ven hồ Văn Quán để kinh doanh, mà còn nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ khác ngang nhiên “tận dụng” bờ hồ làm bãi đỗ xe hoặc bày biện bàn ghế để kinh doanh. Thậm chí, tại một số điểm người dân còn đổ xi măng, tạo dốc từ đường lên vỉa hè cho tiện việc dắt xe, chiếm dụng đường ven hồ.
Với việc phần đường ven hồ bị lấn chiếm làm chỗ đỗ xe, và vỉa hè bị trưng dụng làm nơi kinh doanh, người đi bộ quanh hồ không còn cách nào khác ngoài đi xuống lòng đường. Thậm chí, Trao đổi với chúng tôi, một số người dân sống trong khu vực cho biết, tại mỗi cuộc họp tổ dân phố, hay các buổi tiếp xúc cử tri đều đã kiến nghị chính quyền địa phương giải quyết triệt để việc lấn chiếm của cà phê Xanh, cà phê Paradise và các hàng quán khác. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, hết chiến dịch này sang chiến dịch khác, hết năm này sang năm khác các vi phạm vẫn thản nhiên tồn tại.