Được sự thúc đẩy từ Nghị định thư Paris 2016 về chống biến đổi khí hậu, một số công ty tại Châu Âu đang nghiên cứu khả năng xây dựng các đảo nhân tạo để đặt trang trại điện gió. Mới đây, công ty TenneT, Đức, cho biết đang lên kế hoạch xây dựng một hòn đảo nhân tạo tại địa điểm cách bờ biển nước Anh chỉ 60 dặm về phía đông với nguồn năng lượng 100% đến từ gió.
Dự án được nhận định là khá "điên rồ" và táo bạo bởi sẽ gặp phải rất nhiều trở ngại. Trong đó, trở ngại lớn nhất của việc xây dựng các trang trại điện gió là thiếu không gian. Khu đất được chọn phải rất rộng để có đủ chỗ cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn turbine cỡ lỡn, và phải cách xa khu dân cư vì lí do an toàn.
Tuy nếu làm như vậy thì sẽ giải quyết được các vấn đề hiện tại, nhưng bản thân việc xây dựng đảo nhân tạo cũng có rắc rối riêng: Đảo phải được xây gần bờ để giảm chi phí kéo đường dây và chuyển tải điện; đồng thời các turbine gió cũng rất dễ bị hỏng nếu phải di chuyển xa.
TenneT dự tính công trình trang trại điện gió của họ sẽ được đặt trên hòn đảo nhân tạo lớn nhất thế giới. Hòn đảo sẽ nằm ở vùng Dogger Bank của Anh Quốc, trung tâm của vùng lãnh hải tiếp giáp các nước Anh, Hà Lan, Bỉ, Đức, và Đan Mạch. Vùng nước ở đây khá là nông và đủ chắc chắn để làm nền cho một hòn đảo nhân tạo. Nếu mọi kế hoạch đều suôn sẻ thì trang trại điện gió này sẽ hòa vào lưới điện 5 nước vào năm 2027.