Aa

"Kế sách" nào cho nút thắt giải ngân vốn đầu tư công?

Thứ Ba, 02/07/2019 - 05:31

Việc chậm trễ tiến độ giải ngân niên độ 2019 đã và đang là mối quan tâm lớn của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chủ quản, chủ dự án cũng như các nhà tài trợ.

"Kế sách" của Bộ Tài chính

Không chỉ được đề cập tới tại các cuộc họp của Bộ Tài Chính, ngày 17/6 vừa qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia ODA và vốn vay ưu đãi cũng đã họp với nhóm 6 đối tác phát triển (World Bank, ADB, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, và Pháp) về chủ đề này.

Tại Hội nghị trực tuyến diễn ra ngày 26/6, các đại biểu đại diện các Bộ, ngành như: Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, UBND TP. Hà Nội, UBND TP.HCM, Hà Tĩnh, Cần Thơ… và đặc biệt là đại diện 6 Ngân hàng phát triển (ADB, AFD, JICA, K-EXIM, KFW, World Bank) đã có nhiều khuyến nghị cũng như giải pháp để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi.

Xuất phát từ tình hình trên, Bộ Tài chính đã đề xuất triển khai một số giải pháp cụ thể. Trước hết, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các Bộ ngành có liên quan để xây dựng Nghị định mới về quản lý vốn ODA và vay ưu đãi theo hướng thông thoáng hơn, đồng thời, đơn giản hóa quy trình bổ sung kế hoạch vốn hằng năm, đơn giản hóa cơ chế điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn cũng như cơ chế hạch toán và chuyển nguồn đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ ngành và địa phương rà soát tổng thể việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn đến 2020 để kịp thời điều chỉnh và phân bổ vốn cho các dự án đang thiếu vốn nhằm đảm bảo hoàn thành việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn 2016 - 2020.

Nhằm thúc đẩy nhiệm vụ giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của Chính phủ cho 6 tháng cuối năm 2019.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Riêng Bộ Tài chính sẽ thực hiện việc đánh giá 1 năm triển khai Luật quản lý nợ công, Bộ sẽ đồng thời rà soát và đánh giá lại các Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý nợ công trong đó có Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ; Ban hành và tổ chức phổ biển thông tư thay thế Thông tư số 111/2016/TT-BTC về hướng dẫn quản lý tài chính đối với chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Về Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới cho chi đầu tư phát triển không vay cho chi thường xuyên, Bộ Tài chính cho biết sẽ tổ chức triển khai ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Cơ quan này cũng đề nghị Kho bạc Nhà nước nhanh chóng triển khai Nghị định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc nhà nước ngay sau khi Chính phủ ký ban hành; Tiếp tục rà soát quy trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để đảm bảo đúng thời hạn quy định; không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do; đôn đốc chủ đầu tư làm thủ tục kiểm soát chi trong 4 ngày kể từ khi có khối lượng hoàn thành, không để tồn đọng đến cuối năm.

Khuyến nghị từ nhóm các ngân hàng phát triển

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay: "Tiến độ giải ngân các dự án ODA chậm, không chỉ các khoản vốn ODA mà ngay cả ngân sách của Nhà nước cũng chậm, gây tác động không tích cực tới phát triển".

Bởi vậy mà các cổ đông của 6 nhà tài trợ đã bày tỏ sự quan ngại về việc các dự án phải được giải ngân nhanh, để đưa ra các mặt tích cực về phát triển.

“Thời gian trước, Việt Nam có tốc độ giải ngân nhanh và đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên, trong mấy năm qua tốc độ bị chậm lại, trung bình chỉ bằng ½ so với giai đoạn trước và ½ so với các quốc gia khác đang nhận tài trợ của chúng tôi. Tình hình giải ngân xấu đi kể từ năm 2014, tỷ lệ giải ngân năm 2018 chỉ ở mức 11,2%. Chênh lệch giải ngân năm 2018 khoảng 1,8 tỷ USD (gần 0,75% GDP)", ông Eric Sidgwick đánh giá.

Theo đó, khảo sát tại 81 đơn vị thực hiện dự án vào quý I/2019 cho thấy có 5 vấn đề lớn ảnh hưởng đến thực hiện dự án và có 4 vấn đề lớn ảnh hưởng đến giải ngân.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Trước những "nút thắt" ấy, các nhà tài trợ đã trao đổi với ủy ban quản lý vốn ODA của Việt Nam và Bộ Tài chính. Từ đó, Ủy ban thường trực ODA đã có một vài khuyến nghị cho từng vấn đề đang vướng mắc như:

Đối với vướng mắc về thủ tục của Chính phủ: Cần chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các đối tác phát triển để sửa đổi Nghị định 132/16 hiện hành để đảm bảo sự thống nhất và rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của các cơ quan tham gia khác nhau, cần đơn giản hóa các thủ tục và giảm số lượng các bước phê duyệt để phân cấp nhiều hơn đến mức tối đa.

Đối với tính sẵn sàng của dự án: Chính phủ cần giải thích linh hoạt hơn về quy định “xác định được nguồn vốn” trong Luật Đấu thầu. Trong trung hạn, Luật Đấu thầu có thể cần phải sửa đổi. Chủ đầu tư cần phân bổ vốn đối ứng để chuẩn bị thiết kế chi tiết và hồ sơ mời thầu trước khi phê duyệt khoản vay.

Điều này có thể được làm rõ trong việc sửa đổi Nghị định 132/16. Ngoài ra, Chính phủ cần khuyến khích đấu thầu trước khi phê duyệt/ký thỏa thuận vay.

Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn (MTIP) cần đơn giản hóa các thủ tục, phê duyệt chủ trương đầu tư, đưa dự án vào MTIP và giao kế hoạch vốn hằng năm. Hằng năm cần cập nhật MTIP hoặc có thể là MTIP quay vòng. Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính tham vấn ý kiến của các đối tác phát triển khi xây dựng MTIP giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với phân bổ ngân sách hằng năm cần giao kế hoạch vốn hằng năm phải được thực hiện vào tháng 1, bao gồm cả trong TABMIS và phù hợp với nhu cầu của Dự án. Tái phân bổ và phân bổ bổ sung vốn nhanh hơn, quy trình đơn giản hơn để phản ánh nhu cầu giải ngân của dự án. 

Đối với thủ tục và thẩm định cho vay lại: Bộ Tài chính chỉ tiến hành quy trình thẩm định đối với hoạt động cho vay lại một lần trong quá trình chuẩn bị Dự án. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần tăng cường năng lực cho các tỉnh và các đơn vị sự nghiệp bằng cách ban hành hướng dẫn hoặc danh sách kiểm tra hồ sơ tài liệu cần thiết và thường xuyên tập huấn để đáp ứng các yêu cầu thẩm định.

Đối với quy trình và yêu cầu giải ngân: Bộ Tài chính cần đưa ra định nghĩa rõ ràng về “chi thường xuyên” (trong Thông tư 111 sửa đổi); Bộ Tài chính cần xem xét nhu cầu giải ngân của Ban quản lý dự án và xem xét tăng trần biến đổi của Tài khoản đặc biệt từ 3 lên 6 tháng để đáp ứng kịp thời các tình huống trên thực tế trong quá trình thực hiện Dự án; Bộ Tài chính cần giảm thời gian xử lý các đơn rút vốn, sử dụng hoàn toàn giải ngân điện tử và đơn giản hóa các tài liệu cần thiết; Bộ Tư pháp cần đẩy nhanh quá trình ban hành các ý kiến pháp lý cần thiết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top