Aa

Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi): Trói chân dự án?

Thứ Sáu, 07/06/2019 - 10:03

Nhiều chuyên gia khẳng định, những quy định tại Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) không những không giải quyết được những bất cập trong đầu tư công mà còn trói chân dự án.

Theo kế hoạch, ngày 13/6 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhưng cho tới thời điểm hiện tại, câu chuyện thẩm quyền quyết định danh mục dự án đầu tư công và tiêu chí phân loại dự án quốc gia vẫn là câu chuyện tạo nên nhiều tranh cãi.

Nhiều tranh cãi về mốc 20.000 tỷ đồng

Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) quy định việc sử dụng vốn đầu tư công từ 20.000 tỷ đồng trở lên thì cần được Quốc hội quyết định. Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp khẳng định, con số này sẽ trói chân các dự án.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW khẳng định quy định này, nếu đi vào thực hiện sẽ trói chân nhà đầu tư, khiến nhà đầu tư gặp khó.

Trong tương lai sẽ có nhiều dự án lớn hơn mốc đó, nếu đưa ra mốc 20.000 tỷ đồng này thì Quốc hội sẽ họp quanh năm suốt tháng vì không họp không bao giờ giải quyết được. Chưa kể, 1 năm Quốc hội chỉ họp 2 lần nên doanh nghiệp sẽ mất thêm một khoảng thời gian nữa để chờ đợi”, ông Hà nói.

Theo kế hoạch, ngày 13/6 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Theo kế hoạch, ngày 13/6 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Đồng quan điểm, ông Hoàng Như Cương, Phó ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, cho rằng nếu đưa ra mốc 20.000 tỷ đồng này thì Quốc hội sẽ họp quanh năm suốt tháng vì không họp không bao giờ giải quyết được. Ông Cương dự báo trong tương lai sẽ có nhiều dự án lớn hơn mốc đó.

Liên hệ với thực tế triển khai các dự án tại Ban Quản lý đường sắt đô thị, nơi ông Cương đang làm việc, ông khẳng định không có dự án đường sắt đô thị nào dưới 1 tỷ USD (khoảng 23.000 tỷ đồng).

“Nếu theo tiêu chí 20.000 tỷ đồng mà duyệt hết các dự án đường sắt đô thị thì không biết bao giờ mới xong vì phải trình mất rất nhiều thời gian”, ông Cương nói.

Không nên để Quốc hội quyết định toàn bộ danh mục dự án đầu tư

Dù Chính phủ đã có văn bản trình bày, song 204/423 đại biểu không tán thành phương án để Chính phủ quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách trung ương.

Ngoài ra, Khoản 5 Điều 43 về điều chỉnh chương trình, dự án của dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) nêu rõ: “Trường hợp điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư dự án lớn hơn tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thì phải thực hiện thủ tục, trình tự quyết định điều chỉnh…”.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cũng khẳng định nếu để Quốc hội quyết định toàn bộ danh mục thì không những khối lượng quyết định quá lớn mà còn khó sâu sát và kém linh hoạt.

Theo đó, ông Hà cho rằng Quốc hội nên tập trung những nội dung trọng yếu, tổng vốn đầu tư công trung hạn; nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên, danh mục, mức vốn, dự án quan trọng của quốc gia, đồng thời phân công để thực hiện hậu kiểm, giám sát.

“Tôi cho rằng chúng ta nên điều chỉnh dự thảo Luật Đầu tư công theo hướng: Những thay đổi mang tính khách quan như trượt giá, thay đổi tỉ giá mà không thay đổi quy mô hay mục tiêu thì không cần trình lại chủ trương đầu tư đối với dự án”, ông Hà đề xuất.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top