Aa

Kẻ thăng hoa, người hụt hẫng

Thứ Ba, 11/06/2019 - 06:01

Các "tân binh" một tuổi dường như đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà các đại gia bất động sản giao phó, tuy nhiên với không ít nhà đầu tư thì tâm lý cũng như tài khoản đều “hụt hẫng"...

FF

Các chiến binh một tuổi dường như đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà các đại gia bất động sản giao phó, tuy nhiên với nhà đầu tư thì tâm lý cũng như tài khoản đều “hụt hẫng". Ảnh minh họa

Cùng với động thái siết tín dụng vào thị trường bất động sản của Ngân hàng Nhà nước, việc huy động vốn ngày càng khó khăn buộc các doanh nghiệp bất động sản phải tìm nhiều cách khác nhau để có nguồn vốn phát triển dự án, hạn chế sự phụ thuộc vào vốn ngân hàng và một trong những cách hiệu quả nhất là “lên sàn”.

Thực tế đã chứng minh, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang phát triển ổn định, với các dự án lớn, uy tín, chủ đầu tư hoàn toàn có thể quy đổi dự án sang cổ phiếu và mang lên sàn chứng khoán để huy động vốn.

Cụ thể, trong năm 2017, đã có 10 doanh nghiệp bất động sản lên sàn chứng khoán. Có thể kể đến những cái tên nổi bật như Công ty cổ phần Đầu tư Everland (EVG), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Sài Gòn Co.op (SID), Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực miền Trung (LEC), Công ty cổ phần Kosy (KOS)…

Sang năm 2018, làn sóng lên sàn của các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục lan mạnh. Hàng loạt tên tuổi lớn như Vinhomes thuộc Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest (VPI), Đạt Phương, Hải Phát, Công ty Cổ phần Địa ốc First Real, CENLand (thuộc CENGroup)…cũng đã chính thức lên sàn.

Theo thống kê, 65 doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã tạo ra hơn 248,953 tỷ đồng doanh thu thuần và 34,110 tỷ đồng lãi ròng trong năm 2018, lần lượt tăng 43% và 93% so với cùng kỳ.

Cụ thể, có 61 doanh nghiệp có lãi, 4 doanh nghiệp báo lỗ, 41 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng, 17 doanh nghiệp có lợi nhuận giảm tốc, 3 doanh nghiệp lội ngược dòng từ lỗ sang lãi và 3 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ.

So với kế hoạch năm đề ra, có 33 doanh nghiệp vượt kế hoạch, 1 doanh nghiệp vừa vặn cán đích, 26 doanh nghiệp không đạt kế hoạch và 5 doanh nghiệp không có kế hoạch năm.

Trong đó, "tân binh" 1 tuổi CTCP Vinhomes (HOSE: VHM) là đơn vị dẫn đầu lợi nhuận toàn ngành với kết quả kinh doanh 2018 ghi nhận gần 14,234 tỷ đồng lãi ròng, gấp 10 lần so với kết quả đạt được ở năm 2017. Trong năm 2018, Công ty đã hợp tác cùng phát triển nhiều dự án bất động sản lớn. Trong đó, hoạt động hợp tác kinh doanh các dự án Vinhomes The Harmony, Vinhomes Imperia và Vinhomes Dragonbay đã mang về 2,533 tỷ đồng doanh thu cho Công ty mẹ trong quý IV.

Ngoài ra, trong năm cũng có thêm nhiều dự án của các công ty con bắt đầu bàn giao, riêng hai dự án Vinhomes Golden River và Vinhomes Metropolis Liễu Giai lần lượt mang lại cho Công ty 7,881 tỷ đồng và 3,060 tỷ đồng doanh thu trong quý IV. 

Sau 1 năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên (17/5/2018), giá cổ phiếu VHM chỉ biến động nhẹ, giảm từ 88.400 đồng/cổ phiếu còn 86.700 đồng/cổ phiếu (giá sau điều chỉnh). Đến thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/6/2019, giá cổ phiếu VHM giảm 7% so với ngày chào sàn, dừng ở mức 82.200 đồng/cổ phiếu.

Còn Văn Phú Invest (VPI) "chuyển nhà" từ HNX sang HoSE và chính thức giao dịch từ ngày 29/6/2018. Sau gần 1 năm, giá cổ phiếu VPI duy trì giao dịch dưới ngưỡng 44.000 đồng/cổ phiếu.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Cũng như VPI, DPG của công ty cổ phần Đạt Phương tăng mạnh khi đang giao dịch trên Upcom trước khi "chuyển nhà" sang HoSE, có lúc lên hơn 47.000 đồng/cổ phiếu (giá sau điều chỉnh). Tuy nhiên sau ngày giao dịch đầu tiên trên HoSE (22/5/2019), DPG lại giảm sâu 32% , từ vùng giá 35.700 đồng/cổ phiếu xuống thấp nhất còn 24.200 đồng/cổ phiếu.

Đến thời điểm ra quyết định của HĐQT về việc chia thưởng cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1 để tăng vốn hồi đầu tháng 4/2019 thì giá cổ phiếu DPG đã bứt phá khá tốt. Nhìn lại khoảng hơn 1 năm giao dịch trên HoSE, đến ngày 7/6/2019, giá cổ phiếu DPG đã tăng 8,4% lên 38.700 đồng/cổ phiếu.

Còn với Hải Phát Invest (HPX), sau khoảng 3 tháng đầu đi ngang với biên độ hẹp, giá cổ phiếu HPX mới biến động mạnh và gây chú ý sau thông tin trả cổ tức 15% bằng cổ phiếu. Tuy nhiên việc trả cổ tức bằng cổ phiếu của HPX lại được đánh giá là kém hấp dẫn các nhà đầu tư. Mặc dù vậy, tính đến ngày 7/6/2019, cổ phiếu HPX đóng cửa với giá 26.400 đồng/cổ phiếu và đã tăng 23% so với thời điểm ra mắt trên sàn chứng khoán vào cuối tháng 7/2018.

Riêng "tân binh" chưa đầy 1 tuổi  - cổ phiếu FIR của CTCP Địa ốc First Real có trụ sở ở Đà Nẵng nổi như cồn khi chỉ hơn 2 tháng niêm yết trên sàn chứng khoán, First Real liên tục gây chú ý về biến động giá cổ phiếu. Chào sàn ngày 18/10/2018 với mức giá 12.000 đồng/cổ phiếu, FIR đã tăng trần 13 phiên liên tục và đưa giá cổ phiếu FIR cao gấp 3 lần. Có thời điểm giá cổ phiếu FIR tăng lên cao kỷ lục 45.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên đến nay thị giá cổ phiếu chỉ còn 41.500 đồng/cổ phiếu, tức tăng 245% giá tham chiếu ngày đầu giao dịch.

Còn CRE của CTCP Bất động sản Thế Kỷ (CENLand) là doanh nghiệp chuyên về môi giới bất động sản có thị phần lớn nhất miền Bắc và lớn thứ hai trên cả nước sau Tập đoàn Đất Xanh, ngày 5/9/2018, CENLand đã chính thức đưa 50 triệu cổ phiếu CRE giao dịch trên HoSE với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 50.000 đồng/cổ phiếu.

Có thể nói, trước khi niêm yết, cổ phiếu CRE được giới đầu tư kỳ vọng rất nhiều bởi kết quả kinh doanh hết sức ấn tượng và mức giá niêm yết khá hấp dẫn trong phiên giao dịch đầu tiền khi niêm yết thường được đẩy giá tăng kịch trần thì CRE giảm 4.000 đồng/cổ phiếu ngay trong phiên giao dịch đầu tiên này.

Cũng chưa đầy 1 năm tuổi nhưng CRE lại không được như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư. Trái ngược với FIR, cổ phiếu CRE liên tục rớt giá và giảm hơn 18% so với giá niêm yết, chỉ còn 24.500 đồng/cổ phiếu (giá sau điều chỉnh) tại ngày 7/6/2019.

Những tân binh bất động sản đã trải qua một năm nhiều thăng trầm khi vừa được hưởng nhiều thuận lợi và cũng phải chịu những áp lực từ chỉ số chung nhưng tựu chung lại các "chiến binh" đã ít nhiều hoàn thành nhiệm vụ mà các "đại gia" bất động sản giao phó. Tuy nhiên với nhà đầu tư, những tân binh này đã để lại không ít vết thương lòng khi đa phần cổ phiếu tính đến thời điểm này đều khiến tâm lý cũng như tài khoản nhà đầu tư “hụt hẫng”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top