Theo thông tin từ báo Dân trí, Chi cục Hàng hải và Đường thủy phía Bắc (Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam) vừa thông báo kết thúc thời gian hạn chế giao thông đường thủy nội địa qua âu tàu Nghĩa Hưng, tỉnh Ninh Bình.
Cụ thể, từ 18h ngày 17/7, các phương tiện thủy được phép lưu thông bình thường qua kênh Nghĩa Hưng (kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ, tỉnh Ninh Bình). Trước đó, từ ngày 1/7, Chi cục đã tạm thời hạn chế giao thông để đảm bảo an toàn trong thời gian bảo trì công trình. Việc kết thúc hạn chế được thực hiện sau khi công tác bảo trì hoàn tất, đảm bảo đủ điều kiện vận hành và khai thác an toàn. Chi cục cũng đề nghị các đơn vị vận tải và người điều khiển phương tiện chủ động kế hoạch hành trình, cập nhật thông tin khi qua khu vực này.

Kênh đào Nghĩa Hưng nối sông Đáy với sông Ninh Cơ ở Ninh Bình. Ảnh: Internet
Kênh đào Nghĩa Hưng là công trình thủy nội địa lớn nhất Việt Nam, nối sông Đáy và sông Ninh Cơ, chính thức thông luồng vào tháng 7/2023. Công trình được xây dựng trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng cũ (trước thuộc tỉnh Nam Định, nay thuộc tỉnh Ninh Bình) với tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng thời điểm xây dựng). Với mục đích sử dụng và cách vận hành tương tự kênh đào Panama, công trình này được mệnh danh là “kênh đào Panama của Việt Nam”.
Kênh dài khoảng 1km, có một âu tàu rộng 17m, dài 179m và sâu 7m, đủ sức chứa tàu có trọng tải lên đến 3.000DWT. Âu tàu nằm giữa hai sông, vận hành theo nguyên lý cân bằng mực nước: khi tàu vào, một bên đóng kín, bên kia mở cho đến khi mực nước cân bằng với phía trong, sau đó tàu đi qua. Mỗi chu kỳ một tàu qua mất khoảng 15 phút, trong đó chỉ mất 2 phút để bơm nước cân bằng. Toàn bộ quá trình vận hành được điều khiển tự động từ trung tâm chỉ huy, các tàu được hướng dẫn qua kênh bằng hệ thống loa, có thể đăng ký trước qua radar, điện thoại hoặc vẫn có thể thông thủy bình thường nếu không đăng ký.
Ngoài vai trò giúp tàu thuyền lưu thông thuận tiện, kênh đào Nghĩa Hưng còn có tác dụng điều tiết thủy lợi, ngăn mặn, tưới tiêu cho cả một vùng đồng bằng rộng lớn. Trước khi có công trình này, tàu từ sông Ninh Cơ muốn sang sông Đáy phải chạy ngược sông Ninh Cơ, sang sông Hồng rồi qua sông Đào (TP. Nam Định cũ), mất nhiều thời gian và công sức.
Từ khi đi vào hoạt động, kênh đã phục vụ an toàn gần 12.800 lượt tàu, trong đó tàu tải trọng trên 2.000 tấn chiếm gần 15%. Nhờ kênh đào, thời gian hành trình của tàu thuyền rút ngắn từ 8 tiếng xuống chỉ còn 20-30 phút, mỗi ngày có hàng chục lượt tàu hàng, sà lan lưu thông qua đây.