Theo khảo sát của Reatimes, Nam A Bank vừa áp dụng biểu lãi suất được áp dụng từ đầu tháng 4, trong đó tăng thêm 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn. Techcombank cũng công bố biểu lãi suất áp dụng từ ngày 30/3 với mức lãi suất cao nhất lên tới 7,8%/năm.
Tương tự, Viet Capital Bank cũng điều chỉnh lãi suất huy động từ ngày 29/3 theo xu hướng tăng thêm 0,1 - 0,2% tại tất cả các kỳ hạn, mức lãi suất cao nhất đã lên tới 7%/năm.
Trước đó, trong tháng 3, hàng loạt ngân hàng như BacABank, MSB, OCB, VietBank, SHB, NCB… cũng đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi và đa số theo xu hướng tăng, mức điều chỉnh phổ biến là 0,1 - 0,3%/năm.
Về mặt bằng chung, mức tăng từ cuối năm 2021 đến nay là khoảng 0,3 - 1%/năm ở các ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ và vừa. Trong khi đó, ở các ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank, lãi suất tiền gửi "bất động" trong hơn nửa năm qua, cao nhất chỉ 5,5 - 5,6%/năm.
Lãi suất huy động liên tục tăng từ tháng 12 năm ngoái đến nay đã giúp tiền gửi của người dân tăng trưởng tích cực trong những tháng đầu năm. Theo đó, tiền gửi của người dân tăng vọt hơn 103.000 tỷ đồng trong tháng 1 lên hơn 5,4 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 1,95%. Đây là tháng tăng mạnh nhất của tiền gửi dân cư trong 10 tháng trở lại đây.
Trước đó, trong năm 2021, thị trường ghi nhận mức tăng trưởng tiền gửi của dân cư thấp kỷ lục trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành và ảnh hưởng tiêu cực tới tất cả các mặt của nền kinh tế nói chung, cũng như tình hình tài chính của người dân nói riêng.
Đồng thời, việc các kênh đầu tư khác như bất động sản phục hồi, chứng khoán tăng trưởng mạnh, trái phiếu doanh nghiệp hấp dẫn… cũng chia sẻ một phần dòng tiền vốn dĩ được chảy về hệ thống ngân hàng.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, năm 2021 là năm đánh dấu năm đầu tiên số dư tiền gửi ngân hàng của nhóm khách hàng doanh nghiệp nhiều hơn nhóm khách hàng cá nhân. Trong giai đoạn từ 2017 - 2018, số dư tiền gửi ngân hàng của dân cư đều cao hơn từ vài trăm nghìn tỷ đồng cho tới hơn 1 triệu tỷ đồng so với nhóm khách hàng doanh nghiệp.
Song như đã nói, dòng tiền nhàn lỗi từ người dân dần trở lại khi hoạt động sinh lời tại các kênh đầu tư khác bắt đầu chững lại. Ở chiều ngược lại, tổng quy mô tiền gửi của các tổ chức kinh tế lại giảm khoảng 1,21% so với cuối năm 2021.
Tuy nhiên, mức giảm năm nay của tiền gửi từ các tổ chức kinh tế thấp hơn nhiều so với mức giảm 2,5% của tháng 1 hàng năm trong giai đoạn từ 2013 đến nay.
Đánh giá chung toàn bộ thị trường, chuyên gia tài chính - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dù ít nhưng số liệu cuối tháng 1/2021 vẫn phát đi những tín hiệu cho thấy tiền gửi tại tổ chức tín dụng đang quay trở về quỹ đạo thông thường, chấm dứt 2 năm lạc nhịp trước đó.
Bởi lẽ, khi kinh tế Việt Nam phục hồi, doanh nghiệp sẽ rút dần dần tiền gửi ngân hàng và đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chứ chưa thể lập tức rút ngay một khoản tiền lớn.
Ngoài ra, gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn, có mức sinh lời tốt do mức lãi suất tiền gửi vẫn đang thực dương khá lớn so với lạm phát. Song song, các ngân hàng đang tung hàng loạt chương trình ưu đãi để tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) như miễn phí giao dịch, miễn phí quản lý tài khoản... nên dòng tiền nhàn rỗi của cư dân chắc chắn sẽ đổ về.
Chung quan điểm, nhóm nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhìn nhận, nhiều khả năng mặt bằng lãi suất đã thiết lập xong đáy và nhiều khả năng sẽ tăng khoảng 0,25 - 0,5% trong năm nay. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng tiền gửi cư dân được dự báo tiếp tục cải thiện./.