Thị trường hẩm hiu
Từ đầu năm tới nay, thị trường bất động sản dù đã có sự phục hồi nhất định nhưng các chỉ số vẫn cho thấy khá ảm đạm. Sau đại dịch COVID-19 hoạt động kinh doanh của thị trường Việt Nam vẫn ở mức thấp, tình trạng dư thừa nguồn cung chủ yếu ở các điểm đến ven biển đã gia tăng thách thức cho kinh doanh khách sạn, nghỉ dưỡng.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, ngành nghỉ dưỡng Việt Nam được đánh giá giàu tiềm năng nhưng không phải tất cả đều hoạt động hiệu quả. Sự “hẩm hiu” của thị trường thể hiện rõ qua những con số báo động về hàng tồn kho. Số lượng tồn kho condotel lũy tiến đến tháng 6 đã tăng lên 42.364 căn, theo báo cáo của DKRA Group.
Mặc dù thị trường du lịch đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước đối với doanh nghiệp ngành du lịch và phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng. Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels cho rằng, về mặt ngắn hạn, sự thiếu vắng nguồn khách Trung Quốc tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng. Lượng khách châu Âu, châu Á, châu Mỹ đến Việt Nam vẫn ở mức thấp so với trước đại dịch cũng ảnh hưởng tới thị trường.
Nguồn cầu thị trường đã giảm thì tình trạng dư thừa nguồn cung đặc biệt là tại các điểm đến ven biển lại càng làm gia tăng thêm thách thức. Tác động cộng hưởng này đã khiến cho các hoạt động kinh doanh khách sạn diễn ra chậm chạp khi 8 tháng 2023 công suất phòng trung bình chỉ dao động ở mức 40%. Ở cùng phân khúc tương đương như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia đều vượt hơn 50% và cao hơn nữa. Thêm nữa, ở các khu vực Việt Nam cũng có sự phân hoá diễn ra không đồng đều khi Nha Trang – Cam Ranh và Phú Quốc gặp nhiều thách thức hơn trong việc cải thiện công suất phòng.
Thị trường khách nội địa đang được xem là động lực chính cho du lịch Việt Nam trong trung và dài hạn. Ông Mauro Gasparotti cho rằng, du lịch cần có chiến lược dài hơi và làm mới các sản phẩm, nét đặc trưng văn hoá địa phương, nâng cấp hạ tầng và đa dạng hoá các loại hình du lịch để đưa ngành phát triển mạnh mẽ và bền vững, góp phần thúc đẩy cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Khả năng phục hồi chậm
Mặc dù sẽ mất một thời gian để các chính sách hỗ trợ của Chính phủ “ngấm” song các chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản được dự báo sẽ có thể phục hồi sớm hơn như bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, phân khúc đất nền… còn với phân khúc khác như bất động sản nghỉ dưỡng có thể phục hồi chậm hơn.
Với loại hình bất động sản nghỉ dưỡng thì điều quan trọng là cần hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các địa phương, qua đó kích thích được dòng tiền. Trên thực tế, có tới 70% vướng mắc của thị trường bất động sản liên quan tới vấn đề pháp lý. Đầu tháng 3/2023, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP về việc cấp giấy phép cho loại hình condotel được ban hành được đánh giá là có tác động mạnh có tác động trực tiếp đến lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D DKRA Group cho rằng, thị trường chung cuối năm nay mới nhen nhóm tín hiệu tích cực. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phải cần ít nhất 3 năm nữa mới tìm lại thế cân bằng, do vậy, nhiều khả năng thanh khoản của các tài sản ven biển vẫn tiếp đà suy giảm trong ngắn hạn.
Cho rằng thanh khoản thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang ở mức thấp, bà Trần Thùy Vân, Quản lý, Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển, CBRE Việt Nam nhận định, nửa cuối năm nay, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sẽ khó sôi động trở lại như trước đây do một số nguyên nhân như: chủ đầu tư đang trong quá trình tập trung tái cơ cấu hoạt động kinh doanh sau thời gian khó khăn, sức ép đáo hạn trái phiếu….
Đánh giá tình hình thị trường của những tháng tới, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM ông Lê Hoàng Châu cho rằng, sự khó khăn của các chủ đầu tư ở phân khúc này thể hiện rõ khi sản phẩm tồn kho tăng. Bất động sản nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi thị trường nói chung trầm lắng. Do vậy, trong khi chờ đợi thị trường hồi sinh từ thị trường chung thì các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cần đưa ra chính sách bán hàng với giá cả phù hợp, hỗ trợ người mua để tăng kích cầu cho thị trường ở phân khúc này.
Kể từ sau đại dịch, người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm hơn trong chi tiêu. Lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia gây ảnh hưởng đến chi tiêu và nhu cầu du lịch của du khách. PGS.TS. Phạm Trương Hoàng – Trưởng khoa Du lịch & Khách sạn (ĐHKTQD) cho rằng, ảnh hưởng của đại dịch là khá lớn dù lượng khách tăng hơn so với 2022 nhưng có những điểm du lịch doanh thu từ du lịch giảm 20 - 25% bởi chi tiêu khách du lịch giảm trong đó có cả lưu trú.
Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển đánh giá Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, là điều kiện để phát triển du lịch nghỉ dưỡng đa dạng, phong phú. Kể từ tháng 3/2022 Việt Nam chính thức mở cửa sau thời gian dài chống dịch COVID-19 đã góp phần lớn vào lượng tăng trưởng khách du lịch quốc tế. Các yếu tố này đã và đang tạo ra tiềm năng mới cho sự phát triển của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Việc phát triển phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng theo các chuyên gia cần phải lồng ghép yếu tố bền vững và khả năng cạnh tranh du lịch của Việt Nam trong dài hạn. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng cần chú trọng tới cả hai nhóm đối tượng du khách là khách quốc tế và khách nội địa, qua đó tối ưu công suất và giá phòng.