Aa

Khách du xuân tăng mạnh đầu năm, bất động sản du lịch nóng lên

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 02/02/2023 - 06:14

Kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023 kéo dài một tuần cùng với thời tiết thuận lợi đã góp phần gia tăng lượng khách du xuân đầu năm. Theo đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng hưởng lợi tăng nóng.

Tín hiệu tăng trưởng khi lượng khách du lịch tăng đột biến

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã chứng kiến dòng người đông đúc như nêm tại các địa điểm du lịch nổi tiếng. Tình trạng ùn tắc giao thông, người kẹt cứng trên các bãi biển, nhà nghỉ “cháy phòng”… tại nhiều tỉnh, thành phố như: Đà Lạt, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc, Sapa, TP. Đà Nẵng, Hội An, Quảng Ninh… chính là tín hiệu vui cho ngành du lịch “hồi sinh” cũng như bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sôi động trở lại.

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, chỉ trong 6 ngày nghỉ Tết Quý Mão 2023 (từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), trên toàn quốc ước phục vụ 9 triệu lượt khách nội địa (tăng khoảng 47,5% so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022). Trong đó, lượng khách lưu trú ước đạt 2 triệu lượt khách với công suất phòng trung bình từ 40 - 45%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 17,5 nghìn tỷ đồng.

Đại diện Tổng cục Du lịch cho hay, các điểm đến được cho là lựa chọn hàng đầu của khách nội địa là những địa điểm du lịch văn hóa, lịch sử - tâm linh và sinh thái. Đối tượng đi chủ yếu là khách lẻ, khách đi theo gia đình, thăm thân và đa số lưu trú tại các khách sạn 3 sao.

Bên cạnh đó, xu hướng du lịch “ngắt kết nối” cũng được du khách ưa chuộng. Một lượng không nhỏ khách nội địa lựa chọn các tour outbound (chuyến đi tham quan nước ngoài với mục đích giải trí hay nghỉ dưỡng) tại các nước khu vực châu Á (Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia...) thay vì lựa chọn du lịch trong nước.

Về khách quốc tế, đại diện Tổng cục Du lịch nhận định, số lượng khách đến Việt Nam dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh so với dịp Tết Dương lịch 2023, đặc biệt khi Trung Quốc đã chính thức mở cửa trở lại từ ngày 8/1 đã khiến thị trường du lịch quốc tế sôi động và nhộn nhịp hơn. Các cơ sở lưu trú ghi nhận số lượng đặt phòng của khách quốc tế đạt 30 - 40% tổng lượng đặt phòng trong dịp Tết.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho biết, mùa Tết năm nay trung bình doanh nghiệp đón khoảng 1.000 lượt khách cá nhân, gia đình đi du xuân trong và ngoài nước. Đây là một kết quả rất sáng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group chia sẻ: “Cả du khách trong nước lẫn quốc tế đặc biệt thích thú với các sản phẩm, dịch vụ mới gắn với ngày tết cổ truyền như gói bánh chưng, xem triển lãm tranh Hàng Trống...".

Đánh giá về bức tranh toàn cảnh của du lịch Việt Nam trong thời gian tới, ông Phạm Hà cho rằng, muốn khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn thì các địa phương và đơn vị kinh doanh cần phải có chiến lược xây dựng sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách quốc tế, cũng như tăng cường quảng bá về du lịch địa phương. 

Khách du lịch đến với Quảng Ninh ngày đầu năm mới 2023. Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô

Trước đó không lâu, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã nhận định, năm 2023 với sự mở cửa du lịch trở lại sẽ giúp cho phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là điểm sáng hấp dẫn đầu tư trên thị trường. 

Đặc biệt, các sản phẩm có pháp lý đầy đủ, rõ ràng, đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn về môi trường du lịch, nghỉ dưỡng, được đầu tư tốt về hạ tầng, vị trí giao thông thuận lợi và được đầu tư bởi các chủ đầu tư uy tín trên thị trường sẽ có tỷ lệ hấp thụ tương đối tốt.

Tín hiệu tích cực này được dự báo trên cơ sở trong bối cảnh đại dịch năm 2020 - 2022 trên thị trường vẫn xuất hiện một số dự án nhà ở được sử dụng theo hình thức du lịch - nghỉ dưỡng có tỷ lệ hấp thụ ổn định (khoảng 30 - 40%) mỗi đợt chào bán.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng 132 khách sạn và khu nghỉ dưỡng mang thương hiệu các tập đoàn điều hành đang hoạt động. Trong vòng 3 năm tới, thị trường dự kiến ghi nhận thêm khoảng 80 khách sạn và khu nghỉ dưỡng thuộc chuỗi nhà điều hành đi vào vận hành. Bên cạnh các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng truyền thống, các sản phẩm du lịch mới như: Condotel, nhà nghỉ cuối tuần, shophouse... được dự báo sẽ có nhiều tiềm năng phát triển. Như vậy, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang chờ cơ hội bứt tốc mạnh mẽ hơn trong năm 2023.

Vẫn còn thách thức chờ tháo gỡ

Theo giới chuyên gia, việc Trung Quốc có động thái nới lỏng chính sách Zero-Covid hứa hẹn mang tới sự hồi phục khách du dịch ở quốc gia này tới Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn còn khó khăn hơn các phân khúc khác do những tồn đọng về pháp lý (quy định về việc cấp sổ cho loại hình condotel, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ đầu tư, đơn vị vận hành, khách hàng…).

Ngoài ra, những tồn đọng về hiệu quả trong khai thác, vận hành và quan trọng hơn cả là niềm tin của khách hàng sau những sự cố về việc chi trả các khoản cam kết lợi nhuận, tiến độ bàn giao… cũng ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư. Với sự phát triển nhanh của sản phẩm bất động sản du lịch trong bối cảnh luật pháp chưa rõ ràng cũng đã để lại không ít tranh chấp phát sinh giữa chủ đầu tư dự án với những người mua lại dự án.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng dự báo về phân khúc này, trong ngắn hạn  ở giai đoạn năm 2023 - 2024, các dự án du lịch, nghỉ dưỡng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong hoạt động bán hàng trước áp lực lãi suất tăng nhanh và các hạn chế cho vay từ phía các ngân hàng.

Trong ngắn hạn, các dự án du lịch, nghỉ dưỡng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: Sưu tầm.

Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhìn nhận về triển vọng cả trong ngắn hạn và dài hạn, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn và an toàn. Bởi lẽ, đà phục hồi mạnh mẽ và sự bùng nổ trở lại của du lịch giai đoạn 2022 - 2023 sẽ là bước đệm vững chắc cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trở thành “mỏ vàng” để khai thác và đầu tư với mức sinh lời hấp dẫn. Đặc biệt, các dự thảo sửa đổi luật tới đây sẽ tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục đầu tư, quyền sở hữu và chuyển nhượng sản phẩm của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang phải “phá rào” để phát triển.

Hiện nay, cơ chế chính sách với các loại hình này vẫn chưa rõ ràng, nhất là ở phân khúc căn hộ condotel. Loại hình này vẫn chưa được cấp sổ đỏ, dễ gây rủi ro cho nhà đầu tư trong việc kinh doanh và sử dụng. Do đó, cần có cơ chế rõ ràng, minh bạch để thúc đẩy sự phát triển của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và nhà phát triển dự án. Chỉ khi giải quyết được các thách thức này, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng mới thực sự phát huy được hết tiềm năng và lợi thế./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top