Aa

Khách hàng vay tiêu dùng có thể tự quyết định mức lãi suất của mình

Thứ Bảy, 25/08/2018 - 02:43

Vay tiêu dùng là thỏa thuận trên nguyên tắc tự nguyện giữa hai bên và khách hàng hoàn toàn có quyền tự quyết định mức lãi suất của khoản vay bằng việc chứng minh khả năng trả nợ của mình.

Khách vay tiêu dùng có thể tự quyết định lãi suất khoản vay 

Vay tiêu dùng là một hình thức vay vốn phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khá nhiều người còn xa lạ và chưa thực sự hiểu về kênh vay vốn nhỏ lẻ này. Trong đó, điểm quan trọng nhất, cũng là mấu chốt thường gây nảy sinh nhiều vấn đề giữa các đơn vị, tổ chức tài chính cho vay và người đi vay là câu chuyện lãi suất đi vay.

Thực tế, vay tiêu dùng là sự thỏa thuận trên nguyên tắc tự nguyện giữa hai bên đi vay và cho vay. Trong đó, người đi vay mới là người giữ thế chủ động cả về việc có quyết định vay hay không và vay với lãi suất bao nhiêu.

Chuyên gia tài chính, TS Đinh Thế Hiển khuyến cáo, trước khi vay, mỗi người phải xác định việc vay vốn (vay tiền mặt, vay mua sản phẩm trả góp, mở thẻ tín dụng) này có thực sự cần thiết không, cảm thấy mình có đủ khả năng về tài chính để trả lãi và gốc hay không. Ngoài ra, người đi vay cũng cần hỏi rõ các khoản phí sẽ phát sinh, nếu trả tiền muộn thì bị phạt ra sao.

“Chỉ khi đã giải quyết được tất cả các thắc mắc kể trên thì mới nên ký vào hợp đồng tài chính cho vay tiêu dùng chứ không nên ký vội vàng, tránh tình trạng không trả được nợ, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy không hay”, TS Đinh Thế Hiển chia sẻ.

Còn về mức lãi suất, theo chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu, mức lãi suất của mỗi khoản vay sẽ được tính toán dựa trên nhiều yếu tố như số tiền vay, thời gian vay nợ, loại hình vay và điểm tín dụng của từng cá nhân cụ thể.

Trong đó, nếu như số tiền vay, thời gian trả nợ, loại hình vay là những yếu tố khó thay đổi thì điểm tín dụng cá nhân lại là yếu tố mà mỗi người tiêu dùng có thể chủ động quản trị để thông qua đó, giảm lãi suất đi vay cho chính bản thân mình.

“Khi ngân hàng, công ty tài chính cho khách hàng có lịch sử tín dụng không tốt vay thì khoản vay đấy sẽ lập tức phải xếp vào nhóm nợ xấu tương ứng mà nhóm nợ xấu càng cao thì mức trích lập dự phòng càng cao, khiến chi phí cho vay bị tăng cao nên lãi suất cho vay vì thế mà cũng tăng cao tương ứng”, TS Nguyễn Trí Hiếu bổ sung thêm.

 

Cụ thể,hiện nay, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, các công ty tài chính sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro với mức khá cao, thậm chí lên tới 100% giá trị khoản cho vay đối với các khách hàng thuộc nhóm 5 (nhóm nợ có khả năng mất vốn).

Đối với 4 nhóm khách hàng còn lại, mức trích lập dự phòng rủi ro lần lượt là0% đối với nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn), 5% áp dụng cho nhóm 2 (Nợ cần chú ý), mức 20% áp dụng với nợ nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) và mức 50% được áp dụng đối với nhóm 4 (Nợ nghi ngờ).

Ngược lại, nếu được chấm điểm và xếp hạng tín dụng cao, khách hàng có thể được hưởng lãi suất ưu đãi hơn , kèm theo đó là quy trình duyệt cấp tín dụng chặt chẽ hơn để hạn chế rủi ro.

Như vậy, có thể thấy lãi suất cho vay tiêu dùng cao hay thấp, việc đi vay dễ hay khó phụ thuộc phần lớn vào bản thân người đi vay mà cụ thể là điểm tín dụng của chính khách hàng đó.

 

Điểm tín dụng không chỉ có ý nghĩa trong lĩnh vực tài chính

Chia sẻ thêm về điểm tín dụng cá nhân, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, việc đánh giá lịch sử tín dụng hay “điểm tín dụng” được thực hiện dựa trên nhiều yếu tố như việc thanh toán các khoản nợ trước đó đúng hạn, cách thức chi tiêu, sử dụng thẻ tín dụng cũng như các tài khoản ngân hàng,…

Một số yếu tố khác cũng được sử dụng để đánh giá điểm tín dụng như khách hàng có thường xuyên thay đổi công việc hay không, tỷ lệ đòn bẩy (tương quan giữa vay nợ và tài sản),…

Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là việc khách hàng có trả các khoản nợ trước đó đúng hạn không vì điều này thể hiện khả năng quản lý tài chính của khách hàng. Nếu khả năng quản lý tài chính tốt thì cũng đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ có khả năng trả nợ cao hơn nên điểm tín dụng sẽ tỷ lệ thuận.

 

Cũng theo TS Hiếu, “việc giữ hồ sơ, lịch sử tín dụng “đẹp” là rất quan trọng đối với khách hàng đi vay vì khi bị liệt vào nhóm nợ xấu (từ nhóm 2 trở đi) thì khách hàng sẽ rất khó vay hoặc phải vay với lãi suất cao hơn đáng kể so với khách hàng có lịch sử tín dụng “đẹp””. Không những thế, với một lịch sử tín dụng xấu, nhiều khả năng khách hàng đó sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi đi xin việc, xin cấp học bổng, cấp visa du học,.. trong tương lai.

Bởi vậy nên điểm tín dụng, dù được đánh giá chủ yếu dựa trên những yếu tố liên quan đến tài chính nhưng còn mang nhiều ý nghĩa vượt ra khỏi lĩnh vực này và tác động khá nhiều đến tương lai của mỗi người. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top