Khai thác khoáng sản cần hướng đến khai thác bền vững
Hiện nay, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đang diễn ra khắp nơi trên cả nước. Tỉnh Bình Định cũng không ngoại lệ khi nổi lên vấn đề khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, như: đá, cát, đất,…
Tiềm năng tài nguyên khoáng sản tỉnh Bình Định
Bình Định được xem là một trong những tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, phong phú như các mỏ than đá, sắt, chì, vàng cốm, vàng sa khoáng, bauxite, cát sỏi...trong đó có nhiều loại khoáng sản quý hiếm như đá granite, quặng sa khoáng titan... tập trung ở các huyện Phù Cát, Phù Mỹ và xã Nhơn Lý – TP. Quy Nhơn). Các mỏ vàng tập trung phân bố ở các khu vực Vĩnh Kim, Vạn Hội, Kim Sơn, Tiên Thuận, trong đó mỏ Tiên Thuận được đánh giá là có tiềm năng lớn nhất.
Những năm qua, UBND tỉnh Bình Định đã cấp trên 200 giấy phép khai thác khoáng sản các loại, hầu hết là các mỏ vật liệu xây dựng thông thường phục vụ nhu cầu xây dựng tại địa phương. Từ đó, nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định đã được các doanh nghiệp đầu tư khai thác, chế biến phục vụ cho nhu cầu phát triển của xã hội.
Có thể nói, việc khai thác khoáng sản tuy mang lại lợi ích kinh tế lớn đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, việc khai thác bừa bãi không theo quy hoạch, thậm chí là có cả khai thác trái phép diễn ra tràn lan đã khiến cho nguồn tài nguyên thiên nhiên bị hủy hoại, nó cũng góp phần gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường.
Mối nguy hậu khai thác
Thực tế, hầu hết hoạt động khai thác khoáng sản tập trung chủ yếu ở các vùng núi và trung du khiến phạm vi tác động sâu rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng rừng, diện tích đất rừng và xung quanh khu vực khai thác. Đơn cử như khu vực khai thác khoáng sản núi Hòn Chà đoạn qua phường Trần Quang Diệu và phường Bùi Thị Xuân, hay khai thác khoáng sản tại khu vực Trung Ái, phường Nhơn Hoà, TP. Quy Nhơn. Tại những khu vực này, những ngọn núi lớn bị khoét sâu, bị xới tung, hầm hố lổn nhổn.
Lo ngại sạt lở và nhiều mối nguy lớn sẽ xảy ra vào mùa mưa nếu tình trạng khai thác khoáng sản vẫn tiếp diễn, đại diện Truyền tải điện Bình Định cho biết tình trạng đào đất, khai thác đá, san ủi mở đường vận chuyển tại khu vực gần móng cột, gây mất an toàn cho móng cột đang vận hành.
“Việc đào đất, khai thác đá, san ủi mở đường vận chuyển tại khu vực gần đường dây 220KV Quy Nhơn – Tuy Hòa trên núi Hòn Chà dễ gây sạt lở, sụp lún móng cột, đe dọa đến an toàn vận hành. Bởi, ĐZ 220KV Quy Nhơn -Tuy Hòa làm nhiệm vụ gữ vững an ninh năng lượng khu vục miền Trung, là trục nối cung cấp điện cho 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên, đồng thời truyền tải lượng điện năng sản xuất ra từ tỉnh Phú Yên lên hệ thống điện Quốc gia”, đại diện Truyền tải điện Bình Định, nhấn mạnh.
Phía Truyền tải điện Bình Định cho biết thêm nỗi lo điểm khai thác này chưa xong thì nỗi lo điểm khác tiếp tục “ập đến" vì vấn nạn khai thác đất cũng đang diễn ra tại thôn Phú An, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn, ảnh hưởng đến nguy cơ an toàn móng cột cho đường dây điện 220KV từ Trạm biến áp 220KV Phước An đi Trạm biến áp 500KV Pleiku. Có khả năng gián đoạn cung cấp điện, ảnh hưởng đến an ninh hệ thống điện quốc gia.
Một điển hình cho việc khai thác khoáng sản khác cũng từng xảy ra trên địa bàn phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Nguyên quả đồi bị “cạo trọc”, những mảng rừng bị đốn hạ thay thế vào là những hố sâu. Đáng nói là tình trạng khai thác này diễn ra khi chưa chuyển đổi đất rừng, chưa có giấy phép khai thác.
Không chỉ những điểm nêu trên, mà suốt thời gian qua có rất nhiều điểm khai thác khoáng sản không phép khác hoặc kể cả có phép nhưng nhiều doanh nghiệp cố tình khai thác sau khi hết thời hạn cấp phép đã và đang diễn ra tại các huyện, thị thị xã trên địa bàn tỉnh như: An Nhơn, Hoài Nhơn, Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh… Điều này có nguy cơ gây nhiều tác động xấu đến môi trường xung quanh.
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, khai thác khoáng sản trái phép, khai thác không đúng quy chuẩn sẽ có những tác động rất đặc thù đối với môi trường, có thể phá vỡ cấu trúc địa chất và cảnh quan, tạo ra các bãi thải hoặc hồ chứa thải với diện tích lớn.
Chia sẻ với PV Reatimes, PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho rằng việc khai thác khoáng sản trái phép không chỉ ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên quốc gia, mà còn gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường và đời sống của người dân. Một số hậu quả chính có thể kể đến như sau:
Một là, làm giảm nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Ngoài ra, việc này cũng làm mất đi cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khai thác khoáng sản, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước do không thu được thuế và phí khai thác.
Hai là, việc khai thác khoáng sản trái phép, không phép cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái. Việc này làm phá hủy cảnh quan thiên nhiên, làm suy giảm đa dạng sinh học, gây ô nhiễm không khí, nước và đất. Đặc biệt, việc khai thác khoáng sản trái phép, không phép có thể gây ra những hiện tượng thiên tai như sạt lở đất, lũ lụt, động đất, vỡ đập... gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của người dân.
Ba là, ảnh hưởng xấu đến đời sống và sức khỏe của người dân. Việc này làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực khai thác do bị mất đi nguồn nước sạch, không gian sống xanh và yên tĩnh. Ngoài ra, việc này cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do ô nhiễm môi trường như ung thư, bệnh hô hấp, bệnh da... Việc khai thác khoáng sản trái phép, không phép cũng có thể gây ra những xung đột xã hội do tranh chấp quyền sở hữu và sử dụng đất đai, gây mất an ninh trật tự.
"Còn đối với những mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác và tận thu khoáng sản là hoạt động kinh tế quan trọng, nhưng nếu không đúng quy chuẩn và không phục hồi sau khai thác cũng sẽ gây ra nhiều hậu quả khó lường: Gây ô nhiễm không khí, nước, đất do khói bụi, chất thải, rò rỉ hóa chất từ các mỏ và nhà máy khai thác; Gây suy giảm đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái do phá hủy rừng, đất, đáy biển, cắt đứt các chuỗi thức ăn tự nhiên; Gây xói mòn, sạt lở đất, lún sụt do khai thác quá mức, làm giảm khả năng chống chịu của đất đá; Gây nguy cơ về an toàn cho người dân và công nhân do tai nạn mỏ, cháy nổ, sập hầm, ngộ độc khí; Gây tranh chấp về quyền sở hữu và sử dụng khoáng sản giữa các cá nhân, tổ chức, quốc gia”, PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, nhấn mạnh.
Bàn về những tác động đến môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản hiện nay, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cũng nhận định, hệ quả tất yếu là không đảm bảo bền vững cả môi trường và xã hội.
“Môi trường vẫn còn nguyên những tác động xấu do quá trình khai thác gây ra như: đất, nước và không khí đều bị ô nhiễm, chưa được hoàn lại như tình trạng trước khai thác, một vùng trở thành hoang vu. Người dân địa phương nơi có khoáng sản không được lợi lộc gì, mà phải chịu đựng mọi sự mất mát môi trường gắn với cuộc sống của mình, trong khi đó doanh nghiệp khai khoáng được lợi lớn hơn rất nhiều vì “ăn bớt” được rất nhiều chi phí cho đảm bảo bền vững. Đấy là chưa kể doanh nghiệp khai khoáng còn nhiều thủ đoạn khác như khai thác ngoài vùng được phép, khai thác nhiều hơn sản lượng cho phép… Mọi thiệt thòi là cộng đồng cư dân nơi có khoáng sản phải hứng chịu, Nhà nước thì thiệt hại nguồn thu”, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nói.
Cần giải quyết bài toán quản lý và quy hoạch
Trước thực trạng khai thác khoáng sản diễn ra tràn lan, kém hiệu quả tại nhiều địa bàn huyện, thị xã,… UBND tỉnh Bình Định đã tăng cường kiểm tra và ra nhiều văn bản quy định xử phạt, tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản tại một số điểm. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để lập lại trật tự khai thác tại nhiều điểm mỏ khác nếu công tác quản lí và cơ chế giám sát không sớm được siết chặt.
Trên thực tế hiện nay vẫn đang tồn tai một số bất cập trong khâu quản lý là tình trạng doanh nghiệp cố tình khai thác sau khi hết thời hạn được cấp phép. Liên quan ở đây là mức xử phạt hành chính hiện nay có thể còn quá nhẹ so với nguồn lợi thu được khi vi phạm, nên có tình trạng doanh nghiệp cố tình làm ngơ. Trong những trường hợp này, không thể xem nhẹ nguyên nhân về sự buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý theo chức năng và địa bàn được giao; cũng có nguyên nhân về việc lực lượng chuyên ngành không đủ, bị dàn mỏng nên khó khăn trong thực thi nhiệm vụ.
Ngay cả việc quản lý trữ lượng, khối lượng khai thác khoáng sản cũng chỉ mới dừng lại ở việc dựa vào bản kê khai của doanh nghiệp được cấp phép, Nhà nước chưa có biện pháp quản lý tốt khâu xác định trữ lượng, khối lượng khai thác được; chưa quy định rõ ràng về định giá khoáng sản, định giá mỏ, chưa có công cụ tài chính phù hợp để quản lý giá trị khoáng sản nói chung và quản lý đấu giá khoáng sản nói riêng.
Đây chính là những bất cập trong quản lý và không bền vững trong khai khoáng tại Bình Định nói riêng và trên cả nước nói chung. Đặc biệt là tình trạng khai thác trái phép tại một số địa phương khiến nguồn tài nguyên khoáng sản đang dần cạn kiệt.
Đánh giá về vấn đề này, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ chia sẻ, tình trạng khai khoáng ở Việt Nam hiện nay rất đáng quan ngại. Về phía Trung ương, các cơ quan Nhà nước có nhược điểm là chưa đặt ra được các tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể về phát triển bền vững trong khai khoáng và sử dụng khoáng sản. Các quốc gia khác hiện nay đã đạt được tiêu chí khai thác khoáng sản luôn gắn với chế biến đến mức thấp nhất là bán thành phẩm, rồi mới được xuất khẩu. Ngay một hướng dẫn cụ thể về các giải pháp quản lý khai khoáng bằng công nghệ mới cũng chưa được ban hành, trong khi nước ta đã chủ động hoàn toàn với công nghệ định vị và dẫn đường bằng GPS. Có thể việc đánh giá trữ lượng mỏ quặng của ta chưa hiện đại, sai số còn lớn, nhưng chắc chắn việc quản lý vùng được phép khai thác và khối lượng quặng đã khai thác hoàn toàn trong tầm tay công nghệ nước ta.
“Câu hỏi được đặt ra là tại sao các cơ quan chưa tích cực trăn trở về bài toán phát triển bền vững trong khai khoáng. Ngay việc phải làm và làm được ngay là cơ chế chia sẻ một phần lợi ích từ khai khoáng cho cộng đồng cư dân nơi có khoáng sản cũng chưa có quy định.
Về phía chính quyền các địa phương nơi có khoáng sản, tình trạng “tự bịt mắt mình” của cán bộ quản lý trước hiện tượng “ăn quỵt môi trường” hay “tham nhũng môi trường” của các doanh nghiệp khai khoáng. Tình cảnh này chỉ có thể giải thích rằng “phong bì lót tay” giữa cán bộ quản lý tại địa phương và doanh nghiệp khai khoáng đang bịt mắt các cán bộ quản lý. Điều đáng quan ngại là nhiều nơi dân kêu than, oán thán, thậm chí có hành động tự bảo vệ cuộc sống của cộng đồng mình, nhưng cán bộ vẫn luôn thờ ơ. Vì sao vậy?”, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nêu vấn đề.
GS. TSKH. Đặng Hùng Võ đưa ra lý giải, hiện nay quy trình quản lý tại địa phương không được Trung ương quy định cụ thể hoặc quy định một quy trình không hiệu quả nên địa phương mới có điều kiện “vô trách nhiệm” như vậy. Chúng ta cần học ngay cách quản lý của nhiều nước khác rất hiệu quả, hoàn toàn thuộc khả năng công nghệ của ta, không có gì mới lạ.
Bởi vậy, để hạn chế thực trạng ô nhiễm đáng báo động nêu trên, địa phương cần quan tâm hơn tới công tác quản lý, sử dụng đất sau khai khoáng, đặc biệt cần tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác của các đơn vị được cấp phép trên địa bàn cũng như các đơn vị không phép.
Bền vững môi trường, bền vững xã hội
GS. Đặng Hùng Võ chia sẻ, trong các hoạt động kinh tế phải đảm bảo bền vững về xã hội và môi trường nói chung. Trong đó, việc một địa phương cho khai thác tài nguyên thiên nhiên phải đảm bảo “bền vững môi trường”, tức là lợi nhuận từ khai thác phải chi trả đầy đủ cho việc phục hồi môi trường và “bền vững xã hội” là sự chia sẻ lợi ích từ khai thác cho cộng đồng cư dân nơi có tài nguyên đó.
Như vậy, để đảm bảo “phát triển bền vững” thì lợi nhuận từ khai thác tài nguyên thiên nhiên sẽ giảm mạnh vì phải chi phí khá nhiều cho đảm bảo “bền vững môi trường” và “bền vững xã hội”. Vì vậy, mọi quốc gia công nghiệp đều đặt ra những quy tắc rất cụ thể về đảm bảo “bền vững” trong quá trình phát triển, nhất là đối với công nghiệp khai khoáng.
“Việt Nam cũng có thông tin đầy đủ về “phát triển bền vững”, cũng có một số quy tắc nhưng mới chỉ ở dạng khái quát, chưa có các tiêu chí cụ thể. Tình trạng khai khoáng có giấy phép nhưng thực hiện sai giấy phép hoặc thậm chí không có giấy phép còn phổ biến ở rất nhiều nơi. Giấy phép có thể do trung ương cấp, có thể do địa phương cấp, nhưng quản lý quá trình khai thác là nhiệm vụ của địa phương. Tôi đã tìm hiểu ở khá nhiều nơi, cách lựa chọn của các doanh nghiệp khai khoáng là chi “phong bì lót tay” cho người quản lý để giảm chi phí cho bền vững nhằm tăng lợi nhuận. Tôi đã gọi đây là “tham nhũng môi trường”, bản chất là “ăn quỵt môi trường”, GS. Đặng Hùng Võ, nói thêm.
GS. Đặng Hùng Võ lấy dẫn chứng cho việc khai khoáng bền vững rằng, các nước công nghiệp và đang công nghiệp hóa ở châu Âu, Bắc Mỹ và một số nước công nghiệp mới nổi ở châu Á, châu Đại Dương, người ta đã đặt ra nguyên tắc:
Một là, chỉ khai thác những khoáng sản mà không thể có gì thay thế được trong phát triển kinh tế. Khi khai thác thì phải sử dụng những công nghệ thân thiện môi trường (công nghệ khai thác chỉ được tác động đến môi trường ở mức mà môi trường được hoàn lại như trước khi khai thác); chi phí đầy đủ để phục hồi môi trường như tình trạng trước khi khai thác; và chi phí một phần lợi ích cho cư dân nơi có khoáng sản. Các giải pháp đảm bảo bền vững phải có những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng, cụ thể. Quá trình khai thác được quản lý rất chặt chẽ về vùng và khối lượng được phép. Họ thường quản lý vùng được khai thác bằng các cọc mốc có gắn định vị vệ tinh GPS, tức là có tọa độ chính xác của mốc ranh giới. Các xe vận tải quặng đều phải gắn hộp đen giám sát hành trình, tích hợp với GPS dẫn đường. Hành trình các xe vào - ra được ghi nhận rất đầy đủ. Mọi chi phí quản lý do doanh nghiệp khai khoáng đầu tư, nhà nước không mất chi phí đầu tư.
Hai là, đẩy mạnh những nghiên cứu khoa học tìm kiếm các vật liệu thay thế khoáng sản để giảm bớt nhu cầu trong quá trình phát triển kinh tế. Ví dụ như nhiều nước đã sử dụng quy trình sản xuất ra cát nhân tạo từ phế thải để giảm nhu cầu cát san lấp mặt bằng, cát xây dựng. Vật liệu xây dựng mới là một ngành kinh tế rất hữu ích và phát triển mạnh. Cả thế giới hiện đang chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu tái tạo là một ví dụ đáng ghi nhận. Từ đây, các phương tiện giao thông bằng động cơ điện đang từng bước thay thế động cơ xăng, dầu. Đối với các khoáng sản chưa phải là cấp thiết phải dùng thì hãy để nguyên cho thế hệ sau khai thác, hy vọng sẽ có nhiều giải pháp thay thế hoặc sẽ có công nghệ khai thác tốt hơn, hiệu suất cao hơn, tiết kiệm hơn.
Ba là, Đối với các khoáng sản chưa phải là cấp thiết phải dùng thì hãy để nguyên cho thế hệ sau khai thác, hy vọng sẽ có nhiều giải pháp thay thế hoặc sẽ có công nghệ khai thác tốt hơn, hiệu suất cao hơn, tiết kiệm hơn.
Ở Việt Nam, quan điểm của Đảng, Nhà nước là không hy sinh môi trường để đánh đổi lấy kinh tế, không phát triển kinh tế đơn thuần mà không kiểm soát môi trường. Đồng tình với quan điểm này của Đảng, Nhà nước, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, Quốc hội và Chính phủ cũng đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Quan điểm này hoàn toàn thống nhất với quan điểm phát triển bền vững đã được Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững năm 1992 xác định như một xương sống của quy trình phát triển, được hầu hết các quốc gia tiếp nhận và thi hành. Điều này có nghĩa là nước đã có những bước đi đồng bộ với nhịp bước của nhân loại.
“Đáng ra, Quốc hội phải tìm cách luật hóa bằng được quan điểm này để có khung pháp luật cụ thể về đảm bảo bền vững môi trường và bền vững xã hội trong quá trình phát triển kinh tế. Chính phủ phải đặt ra được các tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể về bền vững đối với phát triển từng ngành kinh tế, trong đó trọng điểm là bền vững trong khai khoáng.
Điều đáng quan tâm và suy nghĩ là chủ trương quan trọng này vẫn chỉ như mang tính đường lối, thậm chí là khẩu hiệu, vẫn chưa được luật hóa thành khung pháp luật và chưa có các giải pháp cụ thể trong triển khai. Đây chính là điều kiện để các địa phương “bó tay” trước nạn cát tặc, khai thác đá mất trật tự (không theo quy hoạch), ô nhiễm bùn đỏ nặng nề trong khai thác quặng kim loại, khai thác rồi xuất khẩu ngay quặng thô,... Nhiều trường hợp sinh động đang xảy ra ở rất nhiều địa phương", GS. Đặng Hùng Võ, chia sẻ.
Cũng theo GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, khai thác các loại khoáng sản hiện đang là điểm yếu trầm trọng trong phát triển bền vững ở nước ta. Giải pháp nâng cấp quản lý để khắc phục không khó. Hãy học tập ngay kinh nghiệm quốc tế về sử dụng công nghệ định vị toàn cầu GPS để quản lý khai khoáng tại Việt Nam./.