Được coi là có lợi thế nhưng quản lý và sự minh bạch trong khai thác khoáng sản ở Việt Nam được coi là thấp
Số liệu thống kê mới đây cho biết, Việt Nam đã tiến hành điều tra cơ bản, thăm dò và phát hiện mới trên 5.000 điểm khoáng và mỏ. Theo đó, một số loại khoáng sản có giá trị công nghiệp đã được đánh giá như cao như dầu khí (1,2 tỷ – 1,7 tỷ m3), than (240 tỷ tấn), sắt (2 tỷ tấn), titan (600 triệu tấn khoáng vật nặng), bauxit (10 tỷ tấn)…
Tham gia vào ngành công nghiệp khai khoáng có các Tập đoàn kinh tế lớn như Tập đoàn Than và Khoáng sản (TKV), Tập đoàn Hóa chất (VinaChem), Tập đoàn Dầu khí (PVN). Gần đây, cùng với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực khai khoáng đã có sự tham gia của các tập đoàn kinh tế tư nhân.
Trong nhiều thập kỷ, công nghiệp khai khoáng là trụ cột kinh tế của đất nước, có đóng góp rất đáng kể vào tăng trưởng GDP, thực hiện vai trò công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô, thu hút nhiều lao động. Công nghiệp khai khoáng cũng được coi có đóng góp rất lớn vào ngân sách nhà nước (đã có giai đoạn số thu từ dầu thô đã chiếm trên 25% tổng số thu NSNN).
Tuy nhiên, bên cạnh đó, theo đánh giá, vai trò của khai khoáng ngày càng giảm tương đối do sự thay đổi cơ cấu của nền kinh tế và những khó khăn phải đối mặt là tài nguyên khoáng sản cạn dần, việc khai thác ngày càng khó khăn hơn… trong khi yêu cầu kiểm soát môi trường trở nên chặt chẽ hơn.
Riêng đối với vấn đề minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng, mặc dù từ năm 2010 đến nay, khung chính sách và pháp luật về tài nguyên khoáng sản của Việt Nam đã từng bước hoàn thiện khi Luật Khoáng sản được ban hành, tạo hành lang pháp lý để thực hiện minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng, thế nhưng trên thực tế, vẫn còn khoảng cách lớn giữa những chủ trương, quy định và thực tiễn thi hành.
Cũng trong ngành khai khoáng, riêng đối với ngành dầu khí và khí thiên nhiên, Chỉ số quản trị tài nguyên lĩnh vực này trong thời gian qua chỉ xếp hạng 48/100 điểm. Kết quả đánh giá thể hiện hoạt động yếu, đặc biệt trong hệ thống thu thuế, quản lý nguồn thu, ngân sách quốc gia, tiếng nói, minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình.