Tuần qua VPBank đã ký kết Thỏa thuận đồng tài trợ với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Sumitomo Mitsui Banking Corporation nhằm gia tăng khả năng hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Theo thỏa thuận, JICA và SMBC sẽ cung cấp khoản vay hợp vốn trị giá 100 triệu USD cho VPBank thông qua Quỹ Đầu tư và Tài chính khu vực tư nhân (PSIF) của Nhật Bản. Trước đó, hôm 15/10 Techcombank cũng thông báo đã huy động thành công khoản vay hợp vốn nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay trị giá 800 triệu USD. Khoản vay tín chấp bao gồm hai cấu phần: 600 triệu USD với kỳ hạn 3 năm và 200 triệu USD với kỳ hạn 5 năm. Lãi suất của khoản vay bằng lãi suất cho vay LIBOR cộng biên độ 1,35%/ năm cho kỳ hạn 3 năm và 1,62%/ năm cho kỳ hạn 5 năm.
Đây không phải là lần đầu các ngân hàng thương mại Việt Nam vay vốn nước ngoài. Năm 2020 Techcombank đã tiếp cận thị trường cho vay hợp vốn quốc tế đầu tiên trị giá 500 triệu USD. Khoản vay tín chấp này có thời hạn 3 năm, với mức lãi suất bằng lãi suất LIBOR bằng USD cộng biên độ 1,50%/năm. Cũng trong năm 2020, VPBank đã ký kết hợp đồng tín dụng với IFC sẽ cung cấp khoản vay 100 triệu USD kỳ hạn một năm, có thể gia hạn vào ngày đáo hạn, với lãi suất LIBOR cộng 1,25%/năm. Trước đó ngân hàng này đã được IFC cùng các nhà đồng tài trợ quốc tế khác cấp khoản tín dụng xanh trung hạn trị giá 212,5 triệu USD.
Việc huy động vốn trên thị trường quốc tế kỳ hạn dài, giá trị lớn là dấu mốc quan trọng đối với các ngân hàng Việt Nam. Khoản vay 800 triệu USD của Techcombank từ 28 ngân hàng và định chế tài chính phát triển quốc tế uy tín hiện là khoản vay có giá trị lớn nhất cho một định chế tài chính của Việt Nam trên thị trường vay hợp vốn quốc tế. Ông Bryan Liew - Giám đốc Điều hành phụ trách thu xếp hợp vốn của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, giao dịch này là một cột mốc lớn đối với thị trường cho vay Việt Nam, xét về vị thế của bên đi vay cũng như quy mô và kỳ hạn của khoản vay. Giá trị của khoản vay đã tăng thêm tới 60% so với giá trị dự định vay ban đầu, khẳng định sự tin tưởng của thị trường ngân hàng quốc tế đối với tiềm lực tài chính và khả năng tăng trưởng của Techcombank...
Ông Trịnh Bằng - Giám đốc Tài chính Tập đoàn kiêm Giám đốc Khối Chiến lược và Phát triển của Techcombank cho biết, thành công của khoản vay hợp vốn này xét về quy mô, cơ cấu và kỳ hạn cùng với sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư là minh chứng cho việc các tổ chức tín dụng quốc tế, dù trong bối cảnh thách thức của đại dịch Covid-19, vẫn luôn tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng dài hạn của Techcombank và Việt Nam.
Lãnh đạo VPBank cũng chia sẻ, với việc trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam nhận được khoản vay hợp vốn của một tổ chức phát triển thuộc Chính phủ Nhật Bản và định chế tài chính tư nhân lớn nhất Nhật Bản, khẳng định vị thế của VPBank trên thị trường vay vốn quốc tế. Kết quả này có được nhờ chiến lược kiểm soát dịch hiệu quả mà Chính phủ Việt Nam thực hiện thời gian qua đã tạo được lòng tin đối với ngành Ngân hàng Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế…
Tất nhiên, khi tiếp nhận những khoản cho vay hợp vốn lớn với lãi suất ưu đãi các ngân hàng Việt Nam cũng phải tuân thủ những ràng buộc chi tiết của khoản vay. Đơn cử, với khoản vay 100 triệu USD nói trên từ IFC và Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) nằm trong khuôn khổ Chương trình “Tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân”. Theo thỏa thuận khi nhận khoản vay này, VPBank sẽ dành hơn 30% tổng tín dụng cho các SME do phụ nữ kinh doanh và làm chủ.
LIBOR (London Interbank Offered Rate) được tính toán và công bố mỗi ngày bởi Intercontinental Exchange (ICE) – sàn giao dịch liên lục địa. Tại thời điểm ngày 21/10/2021, lãi suất LIBOR bằng USD kỳ hạn 12 tháng ở mức 0,29650%; kỳ hạn 6 tháng là 0,17025%. Mức lãi suất này thấp hơn rất nhiều so với thời điểm tháng 1/2019 - khi Covid-19 mới xuất hiện và thế giới còn chưa hình dung được tác hại của nó đến kinh tế toàn cầu. Khi đó, lãi suất LIBOR USD kỳ hạn 6 tháng là 2,87394%; kỳ hạn 12 tháng ở mức 3,00200%. Hiện đường đồ thị lãi suất LIBOR bắt đầu có xu hướng đi lên.
Theo các chuyên gia, xu hướng này là tất yếu bởi bản chất LIBOR gắn liền với các đồng tiền như đồng Euro (EUR), bảng Anh (GPB), yên Nhật (JPY) và đồng franc Thụy Sĩ (CHF), trong khi đó NHTW các quốc gia này đang thu hẹp dần quy mô nới lỏng tiền tệ (đặc biệt là các nước như Anh, Canada, Australia, New Zealand) từ quý IV/2021và dự kiến tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2022. Thị trường cũng dự báo ECB sẽ bắt đầu thảo luận về việc thu hẹp các gói kích thích tiền tệ trong cuộc họp diễn ra vào tháng 12/2021. LIBOR cũng rất nhạy cảm với mọi biến động của Fed (Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ), trong khi đó thị trường dự báo 90% khả năng Fed sẽ có một lần tăng lãi suất vào cuối năm 2022.
Dù lãi suất LIBOR có xu hướng tăng thì cũng khó có thể trở lại ngay mức lãi suất cao như trước khi Covid -19 xuất hiện. Do đó, với lãi suất đi vay LIBOR cộng 1,35%/năm đến 1,62%/năm vẫn là mức thấp, sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng, hỗ trợ kinh tế trong nước hồi phục sau đại dịch.