Theo thông báo, Chi cục Thuế TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đề nghị khi giao dịch, bên mua và bán phải sử dụng hợp đồng chuyển nhượng ghi đúng giá trị thực tế chuyển nhượng giữa hai bên. Hai bên không được thỏa thuận ghi giá trên hợp đồng thấp hơn giá trị giao dịch thực tế nhằm làm giảm số thuế phải nộp.
Nếu bị cơ quan điều tra phát hiện, hai bên sẽ bị xử lý hình sự về tội trốn thuế. Khi tiếp nhận hồ sơ chuyển nhượng, cơ quan thuế sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát; nếu có dấu hiệu nghi ngờ sẽ chuyển hồ sơ đề nghị công an phối hợp thực hiện chức năng điều tra theo quy định.
Lãnh đạo Chi cục Thuế TP. Nha Trang cho biết, khuyến cáo này được đưa ra sau khi một số vụ việc liên quan đến hình thức trốn thuế được Tòa án Nhân dân các cấp tại Khánh Hòa nêu ra.
Trước đó vào ngày 21/2, Tòa án Nhân dân tỉnh đã ban hành bản án hình sự phúc thẩm, trong đó tuyên án và xử phạt các bị cáo liên quan phạm tội trốn thuế về hành vi sử dụng hợp đồng chuyển nhượng bất động sản ghi giá trị giả tạo, không trung thực, thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế chuyển nhượng nhằm trốn nghĩa vụ thuế nhà nước.
Một luật sư cho biết, thực tiễn đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế cho thấy một số hành vi vi phạm về thuế nhưng chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự. Giới kinh doanh bất động sản thường dùng thuật ngữ “âm - dương” để nói về hợp đồng công chứng và giấy viết tay khi chuyển nhượng nhà đất.
Cụ thế, giá “âm” là hợp đồng công chứng với giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trị thực tế; giá “dương” là hợp đồng, cam kết thỏa thuận viết tay ghi đúng giá trị giao dịch giữa hai bên. Đây là thực trạng phổ biến trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản.
Được biết hiện nay, hồ sơ chuyển nhượng làm căn cứ tính thuế chuyển nhượng bất động sản rất hiếm có trường hợp kê khai đúng giá trị thực tế. Hành vi này nhằm giảm số thuế thu nhập cá nhân cho bên chuyển nhượng, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước trong quá trình thu thuế từ giao dịch chuyển nhượng bất động sản.
Từ ngày 1/7/2020, Luật Quản lý thuế sẽ có hiệu lực thi hành, quy định chi tiết hơn các hành vi vi phạm tội trốn thuế.
Theo đó, khoản 5 Điều 143 Luật Quản lý thuế quy định hành vi trốn thuế như sau: "Sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp".
Như vậy, đối với một tài sản nhưng các bên ký nhiều hợp đồng (hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng, văn bản thỏa thuận…) với số tiền khác nhau, sau đó sử dụng hợp đồng giá thấp để khai thuế, mà cơ quan nhà nước có chứng cứ xác định hợp đồng đó không trung thực thì trường hợp này được xem là tài liệu không hợp pháp.