Aa

“Khai tử” dự án quá 3 năm chưa triển khai: Bài toán hậu thu hồi

Thứ Ba, 06/02/2018 - 06:01

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có quyết sách quyết liệt với doanh nghiệp cố tình “ôm” đất nhiều năm không triển khai dự án. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, việc triển khai thực hiện quyết định này sẽ không dễ dàng mà gặp phải những trở lực lớn.

Như Reatimes đã đưa tin, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Trong đó, có yêu cầu kiểm tra, rà soát, hủy bỏ dự án "ôm” đất quá 3 năm chưa triển khai.

Bài học kinh nghiệm từ việc di dời trụ sở bộ, ngành

Trao đổi với báo chí, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ quyết tâm này của lãnh đạo Hà Nội về việc rà soát và chuẩn bị triển khai thu hồi các dự án chậm triển khai, xuất hiện nhiều khu đất quây tôn, bỏ hoang nhiều năm, khiến bộ mặt Thủ đô nhếch nhác. Thế nhưng, ông cũng cho rằng, việc thực hiện không dễ.

“Giả sử, Hà Nội cương quyết thu hồi các dự án chậm triển khai ở khu vực trung tâm, bước tiếp theo sẽ làm gì? Chẳng lẽ để không, "đắp chiếu" hay thành sân vận động? Đất thu hồi thành phố tiến hành đấu giá hay giải quyết thế nào cần tính toán kỹ càng.

Đặc biệt, khi hậu thu hồi dự án, Hà Nội còn phải tính đến phương án trả lại tiền vốn cho chủ đầu tư. Chi phí ấy ai trả? Lấy tiền ở đâu?... Nếu thu hồi một, hai dự án còn xoay xở được nhưng hàng chục dự án sẽ rất khó cho Hà Nội?", TS. Phạm Sỹ Liêm phân tích. 

Dự án Khu nhà ở Văn La (Hà Đông, Hà Nội) đã bỏ hoang gần 10 năm nay.

Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, TS. Đào Ngọc Nghiêm cũng nhận định, thu hồi là đúng nhưng thu hồi làm gì cần xem xét bài học kinh nghiệm từ việc di dời trụ sở các bộ, ngành, trường đại học, bệnh viện và cơ sở ô nhiễm. Việc di dời được Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, song đến nay, cũng chưa có nhiều chuyển biến.

Phải chăng từ chủ trương mới này của Thủ tướng, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn từ phía chính quyền địa phương. Bên cạnh thu hồi, đặt ra định hướng khai thác đất vàng vì mục tiêu đô thị chứ không đơn thuần để gia tăng các công trình cao tầng phục vụ lợi ích nhóm.

“Vướng mắc nhất là những dự án đã thu tiền sử dụng đất nộp vào ngân sách. Đồng thời, doanh nghiệp đã triển khai một vài hạng mục trên đất như quây hàng rào, khoan thăm dò địa chất…. nay thu hồi, Hà Nội khó có tiền hoàn trả cho chủ đầu tư ngay lập tức.

Do đó, cần có cơ chế đặc thù cho Hà Nội. Có thể đền bù những tổn thất cho các chủ đầu tư sau khi có được nguồn tiền từ việc bán đấu giá những mảnh đất đó. Không thể vì quyền lợi của một vài chủ đầu tư kém năng lực mà để hoang những ô đất trong trung tâm Thủ đô được”, ông Nghiêm nhấn mạnh.

Hỗ trợ và tháo gỡ cùng doanh nghiệp

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng: "Quyết sách thu hồi dự án quá 3 năm không thực hiện của UBND TP. Hà Nội là hết sức đúng đắn trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, theo tôi, thu hồi phải xét trên 2 khía cạnh để tạo sự công bằng cho doanh nghiệp.

Đối với dự án đã giải phóng mặt bằng xong nhưng doanh nghiệp không đủ năng lực triển khai, "ôm" đất chờ thời để tìm cơ hội chuyển nhượng kiếm lời hay vì mục đích không đúng nào khác thì cần kiên quyết thu hồi. Đối với dự án chậm triển khai nhưng không phải do lỗi của doanh nghiệp mà do vướng về thủ tục hay công tác giải phóng mặt bằng, đền bù,… thì TP. Hà Nội cần xem xét, có giải pháp tháo gỡ giúp doanh nghiệp để họ không bị thiệt thòi.

Các dự án thu hồi để tiếp tục triển khai thì cần đấu thầu, đấu giá chặt chẽ, minh bạch để lựa chọn được chủ đầu tư đủ năng lực, nếu không vòng tròn “dự án đen” lại tái diễn".

 Sau khi khởi công từ năm 2010 và xây dựng xong phần móng thì thị trường bất động sản gặp khó khăn, dự án Trung tâm thương mại (TTTM) lớn nhất tại Hà Nội - Ciputra Mall rơi vào quên lãng.

Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Reenco Sông Hồng Nguyễn Thế Điệp cho biết, Chủ trương thu hồi các dự án chậm triển khai quá 3 năm về mặt tinh thần là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, dính đến vấn đề đất đai sẽ gặp vướng mắc rất nhiều về mặt khách quan lẫn chủ quan.

“Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến những yếu tố khách quan, vượt ngoài khả năng kiểm soát của các chủ đầu tư như: Cơ chế chính sách thay đổi, rủi ro về tín dụng, các vấn đề pháp lý liên quan đến dự án bị chậm do cơ quan quản lý phê duyệt kéo dài, khâu giải phóng mặt bằng vướng mắc... 

 Vào thời điểm vàng, mỗi mét vuông đất tại dự án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch lên tới 60 - 70 triệu đồng. Thế nhưng, sau gần 10 năm khởi công, dự án này vẫn bất động trong hoang vu, hàng nghìn tỷ đồng của giới đầu cơ khó có khả năng thu hồi.  

Trong khi, đầu tư một dự án bất động sản đòi hỏi quy trình chuẩn, một khâu nhỏ "tắc" dẫn đến những khâu còn lại bị đình trệ. Từ thực tế đó, nên chăng thu hồi các dự án cố tình "chây ì" không triển khai. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần xem xét hỗ trợ và tháo gỡ cùng doanh nghiệp. Về mặt dài hơi, chủ trương này cần hoàn thiện về mặt vĩ mô, hoàn chỉnh cơ chế chính sách trên tinh thần "có lý, có tình", ông Điệp phân tích./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top