Phong cách retro cổ điển hẳn đã không còn là một khái niệm xa lạ bởi trong thời gian gần đây, phong cách này trở thành xu hướng và được ứng dụng, đổi mới, sáng tạo trong nhiều lĩnh vực như thời trang, điện ảnh, thiết kế, trang trí và kiến trúc. Trong kiến trúc, phong cách retro được định nghĩa cho việc ứng dụng những chi tiết, màu sắc cổ điển của thập niên 20 đến 70 của thế kỷ trước.
Nhật Bản cũng có phong cách retro riêng rất thú vị và độc đáo. Cảm hứng cổ điển Nhật Bản thường được khơi gợi từ kiến trúc của những ngôi đình, đền, chùa cổ kính, những căn nhà truyền thống của Nhật hoặc sự giao thoa văn hóa với các nền văn minh phương Tây. Phong cách retro của Nhật thường được lồng ghép khéo léo trong những tác phẩm kiến trúc cùng với các phong cách và xu hướng nghệ thuật khác, thể hiện giá trị và tinh thần của thời đại cùng lý tưởng của nhà thiết kế.
Những công trình kiến trúc và tác phẩm thiết kế mang phong cách retro Nhật Bản khá đa dạng, có thể là công trình trọng điểm quốc gia, cũng có thể là những ngọn đèn, đê chắn sóng, cửa hàng, quán ăn… và thường được bắt gặp tại những thành phố lớn hoặc những hòn đảo nổi tiếng của xứ sở hoa anh đào.
Thủ đô Tokyo
Thư viện Fukagawa nằm bên cạnh khu vườn Kiyosumi tại phường Koto của thủ đô Tokyo là một trong những thư viện lâu đời và cổ kính nhất thành phố. Nơi này đã có lịch sử hơn 100 năm kể từ khi chính thức được mở cửa vào năm 1909, tức là năm 42 của thời Minh Trị.
Thư viện Fukagawa đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Năm 1923, trận động đất Kanto đã gây ra một vụ hỏa hoạn và phá hủy hoàn toàn tòa nhà. 5 năm sau đó, tòa nhà thư viện đã được xây dựng lại nhưng tiếp tục phải chịu thảm họa từ những cuộc không kích năm 1945. May mắn thay, thư viện không bị thiêu rụi và còn tồn tại đến ngày nay.
Tòa nhà thư viện cổ kính được xem như một chứng nhân lịch sử của thành phố Tokyo. Hơi hướng cổ điển được thể hiện rõ nhất trong những chi tiết nội thất và trang trí như cầu thang gỗ xoắn ốc, những bức tường đá granite, những chiếc đèn chiếu sáng và những khung cửa kính màu sắc - gợi nhớ đến những ô cửa kính hoa hồng của kiến trúc Gothic miền Bắc nước Pháp.
Một công trình kiến trúc mang phong cách retro khác ở thành phố Tokyo là xưởng may Migishi Atelier, được thiết kế bởi kiến trúc sư Iwao Yamawaki vào năm 1934. Xưởng may này đã được công nhận là di sản văn hóa vật thể cấp quốc gia vào năm 2014.
Kiến trúc sư Iwao Yamawaki thời trẻ đã từng theo học tại trường Bauhaus, một ngôi trường kiến trúc tại Đức có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến ngành kiến trúc nghệ thuật của thế giới sau này. Toàn bộ xưởng may được làm từ gỗ là chủ yếu.
Xưởng may có 2 tầng, phía Đông Nam đều là cửa sổ để đón ánh sáng mặt trời nhiều nhất có thể. Gian chính của xưởng có một chiếc cầu thang xoắn ốc đẹp mắt dẫn đến một căn phòng kiểu Nhật trên tầng 2. Liền kề với gian chính là một căn phòng kiểu phương Tây với những đồ vật trang trí như bình hoa gốm sứ, bức tượng, khung ảnh, đặc biệt là một đôi ghế cùng chiếc bàn tròn mang đậm dấu ấn của phong cách châu Âu thế kỷ trước.
Tuy nhiên, xưởng may Migishi Atelier cũng không hoàn toàn là một công trình retro cổ điển. Trong thiết kế của nó, có rất nhiều chi tiết mang phong cách hiện đại, nhưng những cảm hứng cổ điển mà người ta dễ dàng nhìn thấy và thưởng thức vẫn là những nét chấm phá độc đáo của nơi này.
Tokyo cũng có rất nhiều công trình kiến trúc cổ với thiết kế độc đáo và có ý nghĩa riêng như nhà Hội thảo Liên trường hình kim tự tháp ngược - biểu tượng của lý tưởng “đưa một khối kiến thức vào Trái Đất”, hay Đài quan sát Thiên văn Quốc gia Nhật Bản (NAOJ) với mái vòm bằng gỗ cổ điển, gợi sự liên tưởng tới những nhà thờ La Mã cổ đại.
Hòn đảo “thiên nhiên thu nhỏ” Hokkaido
Một trong 4 hòn đảo lớn của Nhật Bản, Hokkaido cũng là nơi tọa lạc của nhiều công trình kiến trúc với cảm hứng retro độc đáo. Trong số đó phải kể đến đê chắn sóng dài 427m, công trình đã được ghi nhận là di sản Hokkaido vào năm 2001.
Đê chắn sóng là tác phẩm của kỹ sư xây dựng Minoru Tsuchiya, được khởi công vào năm 1931 và mất 5 năm để hoàn thành. Cấu trúc của nó bao gồm 7 cột được sắp xếp cách nhau 6m và có mái nửa vòm cao 13,6m. Cấu trúc đặc biệt của công trình này gợi nhớ đến hành lang La Mã cổ đại với hàng cột rộng và mái vòm trần cao.
Một công trình khác với phong cách cổ điển phương Tây tại hòn đảo xinh đẹp là cửa hàng bách hóa cũ Marui Imai dưới chân núi Hakodate. Du khách đến với cửa hàng này có cảm giác như đang quay ngược thời gian với những thiết kế đặc trưng của thời đại Showa (1926 - 1989).
Tòa nhà độc đáo được xây dựng vào năm 1923. Mặt tiền được định hình bởi một khối trụ bốn tầng, lối vào chính ở tầng dưới cùng và đài quan sát hình vòm ở trên cùng. Năm 1930, tòa nhà có thêm tầng 4 và 5, cùng với thang máy và cầu thang lớn.
Năm 1969, cửa hàng bách hóa được di dời và tòa nhà sau đó được sử dụng làm văn phòng chi nhánh của chính quyền thành phố Hakodate. Hiện nay, nơi này đóng vai trò là trung tâm cộng đồng của người dân địa phương, nơi họ tìm thấy sự kết nối với những vẻ đẹp lịch sử của thành phố.
Không chỉ được truyền tải trong những công trình kiến trúc lớn, cảm hứng retro còn được thể hiện ngay trong những chi tiết trang trí nhỏ. Những chiếc đèn thủy tinh tại nhà ga Otaru, thành phố Otaru, đảo Hokkaido là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.
Nhà ga Otaru là một trong những nhà ga bê tông cốt thép đầu tiên của hòn đảo cực Bắc của Nhật Bản. Những chiếc đèn trong nhà ga được công ty thủy tinh Kitaichi trao tặng vào năm 1967, một nhà sản xuất và bán thủy tinh thủ công tại địa phương, theo yêu cầu của giám đốc nhà ga lúc bấy giờ là tạo cho nhà ga một diện mạo đặc biệt. 12 năm sau, công ty đã thường xuyên tặng đèn cho nhà ga, nâng tổng số đèn lên 333. Những chiếc đèn treo đong đưa trước gió đã tạo thêm nét hoài cổ cho không gian lịch sử của nhà ga.
“Thủ đô văn hóa” Kyoto
Cựu kinh đô của Nhật Bản, thành phố Kyoto không thể không góp mặt trong danh sách những địa điểm có nhiều công trình kiến trúc với hơi hướng cổ điển của xứ sở anh đào. Trước hết, phải kể đến Trung tâm Hội nghị Quốc tế Kyoto (ICC Kyoto), nơi tổ chức phiên họp thứ 3 của Hội nghị các bên tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, đồng thời là nơi ghi dấu sự kiện các nước thông qua Nghị định thư Kyoto năm 1997.
Kể từ khi được khánh thành và đưa vào sử dụng, ICC Kyoto đã tổ chức khoảng 20.000 cuộc họp cấp quốc tế, quốc gia và các sự kiện lớn nhỏ với khoảng 12 triệu người tham dự. Thiết kế của Trung tâm Hội nghị là tác phẩm của kiến trúc sư Sachio Otani, được lựa chọn tỉ mỉ và kỹ càng từ 195 bản thiết kế và hồ sơ dự thầu.
Tòa nhà ICC Kyoto được xây dựng với những nét đặc trưng về kiến trúc của mảnh đất cố đô. Tòa nhà được sử dụng các kỹ thuật xây dựng truyền thống của Nhật Bản, kết hợp với các dạng vật chất hình thang ngược, tạo ra sự liên tưởng đến những ngôi nhà truyền thống có mái dốc và những đền thờ Thần đạo.
Phần trần của hội trường chính được trang trí bằng một chiếc đĩa khổng lồ mô phỏng hình ảnh thế giới đang lơ lửng trên bầu trời, đồng thời có chức năng như một tấm phản xạ và tán xạ ánh sáng.
Phong cách cổ điển truyền thống Nhật còn được tái hiện tại Funaoka Onsen, một khu tắm suối nước nóng ở khu phố Nishijin thuộc phường Kita của Kyoto. Từ năm 1923, khu vực này bắt đầu được xây dựng thành một nhà tắm gắn liền với nhà hàng Funaokaro.
Về bản chất, “onsen” là những địa điểm tắm suối nước nóng tự nhiên ở Nhật Bản, do đó, để được công nhận là Funaoka Onsen, nơi này đã được lắp bồn tắm điện đầu tiên của Nhật Bản vào năm 1933. Sau đó, nó dần được người dân chấp nhận là “Funaoka Onsen đặc biệt” và được đưa vào hoạt động như một phòng tắm nước nóng công cộng ngay sau chiến tranh.
Lối vào của Funaoka Onsen là một cổng “karahafu” lớn. Đây là một trong những yếu tố kiến trúc truyền thống của Nhật, thường được ứng dụng trong trang trí cổng của đền thờ, cổng của gia đình quý tộc hoặc biệt thự, lâu đài của lãnh chúa.
Trên trần nhà của phòng tắm là một tác phẩm điêu khắc miêu tả Kurama Tengu - một sinh vật của văn hóa dân gian, dạy kiếm thuật cho Ushiwakamaru (Minamoto no Yoshitsune, một lãnh chúa trẻ ở thế kỷ XII). Các bức tường của hành lang nối giữa phòng thay đồ và phòng tắm được trang trí bằng những viên gạch lát nền hoành tráng đầy màu sắc.
Ngoài bồn tắm điện, phòng tắm còn trang bị nhiều loại hình tắm phong phú như bồn tắm lá thuốc và bồn tắm lộ thiên. Mặc dù không phải là suối nước nóng tự nhiên, du khách có thể làm ấm cơ thể khi đắm mình trong bầu không khí của thời đại Taisho (1912 - 1926) và Showa (1926 - 1989).
Có thể thấy, phong cách retro Nhật Bản thể hiện tinh thần giao thoa văn hóa và kế thừa tinh hoa kiến trúc độc đáo của thời đại trước. Không thể nói phong cách retro Nhật Bản là sự sắp đặt rời rạc của lối kiến trúc truyền thống Nhật Bản và phong cách cổ điển phương Tây, bởi bản chất, retro là sự tái hiện những thăng trầm của lịch sử trong hình hài kiến trúc. Hơn hết, lịch sử không ghi nhận bất cứ quốc gia nào hoàn toàn biệt lập, nằm ngoài sự liên kết với phần còn lại của thế giới./.