Phong cách thiết kế nội thất Japandi là sự kết hợp giữa phong cách nội thất Nhật Bản Japanese đơn giản, trang nhã, với nét tinh tế, thanh lịch của phong cách Bắc Âu Scandinavia. Nhờ sự giao lưu giữa 2 nền văn hóa Đông - Tây trong thiết kế độc đáo này giúp hài hòa tất cả các yếu tố từ cổ điển đến hiện đại, làm hài lòng kể cả những gia chủ khó tính, tỉ mỉ nhất.
Có thể nói, nội thất phong cách Japandi không quá trau chuốt như nội thất Bắc Âu và không mộc mạc bình dị như nội thất Nhật Bản, nó là sự cân bằng giữa hai thái cực. Phong cách Japandi ưu tiên nội thất đồ gỗ với những đường nét gọn gàng, thanh mảnh, đặc biệt gợi chất dung dị, phóng khoáng và gần gũi.
Hai phong cách này giống nhau ở cách khai triển tối giản, xem trọng công năng, màu sắc nhã nhặn và điểm nhấn nội thất tinh tế. Hơn thế nữa, bản chất thẩm mỹ của cả Japanese và Scandinavian đều đến từ ánh sáng và sự chân thật của vật liệu.
Các chất liệu như vải, gỗ, đất sét, sợi đan không được xử lý quá nhiều nhằm tôn lên nét đẹp thuần chất dung dị, và trong nhà luôn có khoảng mở thoáng không chất chứa quá nhiều đồ đạc.
Ở cả hai phong cách đều lan toả sự dễ chịu cùng nét duyên dáng thanh lịch của sự chọn lọc, cùng cảm giác thanh thản bình yên đến từ bảng màu gần gũi thiên nhiên.
Không gian nhiều ánh sáng với điểm nhấn màu đen
Phong cách Japandi tập trung xây dựng cảm giác trưởng thành, bình lặng trên bảng màu lặng thiên về tông đất và gỗ. Bạn cũng có thể phối Japandi cùng những tông màu xanh nền nã như olive, indigo để tạo cảm giác tươi mát hơn, nhưng hãy tránh sử dụng các màu nhí nhảnh như hồng phớt và bạc hà bởi chúng có thể phá tan cái chất điềm tĩnh, thanh lịch của Japandi. Nói chung một không gian Japandi sẽ lan toả nhịp điệu Zen của nét đẹp chân phương, và khiêm tốn.
Sử dụng màu sắc tương phản
Nếu như phong cách thiết kế nội thất Bắc Âu ưa chuộng những gam màu trung tính, màu sắc gỗ tự nhiên, tác động của ánh sáng và các điểm nhấn màu pastel độc đáo thì phong cách nội thất Nhật Bản lại vô cùng thông dụng những đồ nội thất bằng gỗ màu sẫm kết hợp với màu đen làm điểm nhấn.
Do đó, khi kết hợp 2 phong cách này gia chủ có thể dễ dàng nhận thấy sự tương phản màu sắc nhưng đó cũng là nét thu hút riêng của phong cách thiết kế Japandi, tương phản nhưng không đối lập, luôn hài hòa và bổ sung cho nhau đem đến một không gian độc đáo với những mảng sáng - tối hòa hợp, bắt mắt. Gia chủ đừng quên trang trí thêm những chậu cây xanh để không gian thêm sức sống và ấn tượng hơn.
Đồ nội thất kết hợp của hai phong cách
Đặc trưng của hai phong cách này là sự sử dụng tiết chế đồ nội thất. Các món đồ được lựa chọn phải đáp ứng giá trị sử dụng cao và sở hữu đường nét sắc sảo nhằm tạo điểm nhấn cho không gian. Dù có sự khác biệt nhất định về nội thất của mỗi phong cách nhưng tựu trung vẫn là đề cao giá trị sử dụng và đường nét của các món đồ.
Khi chọn đồ nội thất cho căn phòng Japandi, hãy mạnh dạn kết hợp các món đồ nội thất đặc trưng của cả hai phong cách. Tất nhiên có sự phối hợp về đường nét thẳng và cong, áp dụng nhiều sắc độ đậm nhạt của gỗ.