Trong bài hát “Hà Nội, 12 mùa hoa”, tháng 12 được gắn với “cải vàng ven sông” - hình ảnh trữ tình và mộc mạc, gợi nhớ một Hà Nội xưa cũ với rất nhiều làng mạc, một thủ đô thanh bình với những mẹ, những chị giản dị trong chiếc áo nâu quẩy gánh đi làm nông.
Nhưng với phố Khâm Thiên, con phố dài chưa đến 1,2km nằm ở trung tâm quận Đống Đa của Hà Nội, tháng 12 có nhiều màu sắc hơn thế. Cứ vào dịp cuối năm dương lịch, phố lại vào mùa tưởng niệm và mang những màu sắc của sự thương nhớ: Bên cạnh sắc vàng, sắc trắng của hoa cúc thờ cúng là sắc xám trầm mặc của những làn khói hương. Lòng người Khâm Thiên chùng xuống, ngùi ngẫm. Mùi hương ngan ngát và những làn khói mỏng mảnh lan tỏa trong không gian gợi nhớ về những ký ức đau thương…
Tối 26/12/1972, máy bay B52 Mỹ đã ném bom xuống Khâm Thiên, con phố rất đông dân cư trú, khiến cho 577 người dân vô tội bị thương vong (trong đó 287 người thiệt mạng), phá hủy hoàn toàn 534 ngôi nhà, 1.200 nhà khác bị hư hỏng. Từ đó, vào tháng cuối năm, nhiều nhà ở Khâm Thiên có giỗ. Còn trong khu phố, lễ giỗ tập thể diễn ra ở Đài tưởng niệm, đặt ở vị trí của 3 nhà liền nhau số 47, 49, 51. Trong sự kiện bi thảm ngày 26/12/1972, ba nhà này bị bom Mỹ san phẳng. Bức tượng đồng hình một người mẹ bế đứa con bất động, chân đạp lên quả bom, đặt ở đài tưởng niệm này cũng được lấy ý tưởng từ câu chuyện ở nhà 47 Khâm Thiên. Nhiều người tham gia cứu hộ sau đợt ném bom của giặc Mỹ kể rằng, trong quá trình đào bới, tìm nạn nhân ở đây, họ rung động tâm can khi thấy thi thể hai mẹ con: Người mẹ chết đứng ở cầu thang trong tư thế đang ôm chặt, che chở cho đứa con bé bỏng. Nhưng chị cũng không thắng nổi cái ác, em bé không sống được sau trận bom rải thảm. Em chết khi cánh tay vẫn bám víu vào mẹ.
Hoa vàng dành cho người quá cố đã có gia đình, hoa trắng dành cho trẻ em bị thiệt mạng trong chiến tranh, cùng với khói hương xam xám thành kính cứ miên man, dồn nén ở Đài tưởng niệm Khâm Thiên, cứ man mác ở rất nhiều ngôi nhà trong phố vào dịp cuối tháng 12, làm nên gam màu trầm cho phố.
Đợt bom rải thảm vào phố Khâm Thiên tối 26/12/1972 là một đòn tàn độc của giặc Mỹ hòng thực hiện mưu đồ đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá. Tuy nhiên, trận bom ấy không vùi dập được Khâm Thiên. Với sự hỗ trợ, đùm bọc của cả nước, người Khâm Thiên đã gạt nước mắt để đứng lên. Phố và dân phố vươn mình, mạnh mẽ. Khâm Thiên của thời Pháp thuộc từng được coi là xứ Ca trù vì trên phố có tới 40 nhà có đào hát ca trù. Sau đó, có một thời Khâm Thiên được coi là phố Thợ May vì có tới 198 nhà làm nghề may đo, bán quần áo. Còn hiện tại? Khâm Thiên giờ đây là con phố của những người lao động bình dị. Không còn là một phố nghề, có thể nói là Khâm Thiên hiện nay đa sắc.
Đầu tiên phải nói đến nghề may. Từng là phố Thợ May, nay Khâm Thiên vẫn có nhiều nhà bán quần áo (trang phục ngày thường thì nhiều mà áo dài, comple cũng có), bán vải vóc. Cũng vẫn còn một số nhà làm nghề may đo, trong đó có nhà may áo dài khá đông khách, không quảng cáo nhưng vẫn được nhiều chị nhiều em rỉ tai, mách nhau đi may. Âm hưởng nghề may truyền thống thể hiện rõ ở những cửa hàng bán quần lụa đen, áo cánh bằng lụa, bằng vải phin, áo nhung, áo gấm chần bông dành cho các cụ bà vẫn mặc kiểu xưa cũ. Nghề may cũng “tiếp tay” cho những nhà may, cho thuê trang phục biểu diễn. Ngõ Hòa Bình ở giữa phố, trông “thường thường” vì bé nhỏ và chỉ dài có vài trăm mét, nhưng lại là địa chỉ khá nổi trong giới biểu diễn nghiệp dư vì có đến mấy nhà cho thuê trang phục biểu diễn ẩn trong ngõ, đủ sức phục vụ nhiều đội văn nghệ quần chúng.
Tiếp tục giữ vị trí phố của nghề may, Khâm Thiên giờ cũng là điểm hẹn của nhiều ngân hàng. Sống ở Khâm Thiên, người ta sẽ rất dễ giao dịch ngân hàng, vì ở đây có nhiều phòng giao dịch: Vietinbank, Techcombank, Agribank, BIDV, NCB, VPB, PGB, ACB… Ngân hàng thương mại quốc doanh, ngân hàng thương mại cổ phần đủ cả.
Nhưng điều làm Khâm Thiên được biết đến nhiều nhất ngày nay không phải là nghề may hay tụ điểm ngân hàng mà là ẩm thực. Phố này có thể chiều lòng nhiều mong muốn của thực khách. Ai thích món vịt quay thì sẽ rất hài lòng vì phố có những mấy cửa hàng vịt quay, trong đó nổi nhất là một cửa hàng bên dãy số nhà chẵn, gần ngõ Văn Chương. Chiều chiều, nhất là vào những ngày cuối tháng, hay thấy cảnh người mua xếp hàng ở đây, chờ mua những con vịt quay kiểu Quảng Châu phổng phao, vàng óng hay những miếng thịt xá xíu đỏ au ngon lành. Các ngõ lớn như Ngõ Chợ, ngõ Thổ Quan thì là vùng đất của ẩm thực đường phố, nơi người ta có thể ăn đủ món, từ bún ốc, cháo sườn, miến lươn, cho đến bún chả, bún đậu, bánh cuốn nóng…
Một vài ngõ nhỏ cũng có hàng bán đồ ăn đông khách. Dân sành ăn kháo nhau là đến Khâm Thiên tầm chiều tối, hãy rẽ vào ngõ Thổ Quan hoặc ngõ Tiến Bộ để thưởng thức bát phở bò sốt vang thơm lừng. Còn để phục vụ bữa sáng thì ở cuối phố có hàng xôi, bánh bao khá nổi. Các thực khách gen Z thì thích đến Khâm Thiên vì hàng bán bánh tráng trộn ở gần đường tàu và xe bánh mì nướng bơ, mật ong, thịt xiên cứ thơm lừng ở giữa phố. Bạn trẻ nào có điều kiện tài chính hơn thì tìm đến Lotteria ăn gà rán hay đến quán cà phê cuối phố để vừa nhâm nhi đồ uống, vừa ngắm Ô Chợ Dừa đông đúc. Cũng hệt như phố Khâm Thiên bình dị, thế giới ẩm thực ở đây mang sắc thái bình dân, vừa ngon, vừa không “đau ví” chứ không sang chảnh, cầu kỳ.
Về với Khâm Thiên trong mùa tưởng nhớ, người ta có dịp ôn lại “một thời đạn bom” bi tráng, lại cũng được trải nghiệm “một thời hòa bình” với những màu sắc hiền hòa, đáng yêu, phố có hầu hết các mặt hàng và dịch vụ phục vụ cho nhu cầu “ăn, mặc” và lưu thông tiền tệ của người dân. Con phố trắng khăn tang ngày nào, nay cuồn cuộn người và xe, cuồn cuộn sức sống./.
Nói đến Khâm Thiên thì không thể nói chuyện ngõ ngách. Khâm Thiên từng được phong là phố có mật độ ngõ lớn nhất Hà Nội vì trên chiều dài phố chỉ có 1,17km mà có tới 26 ngõ. Bên cạnh những ngõ giữ “cổ danh” như Cống Trắng, Tô Tiền, Thổ Quan, Văn Chương… lại có những ngõ mà cái tên mang đậm chất động viên: Đoàn Kết, Toàn Thắng, Tiến Bộ…
Trong các ngõ lại có rất nhiều ngách, tỏa ra như những mạch máu nhỏ của phố. Thế giới ngõ ngách của Khâm Thiên ẩn chứa rất nhiều điều thú vị. Ngõ, ngách nào cũng chỉ có đường đi hèm hẹp nhưng nối với nhiều điểm đến rất bất ngờ, vì thế, người thạo đường hay chọn để đi tắt.
Như ngõ Cống Trắng, đầu ngõ giao với Khâm Thiên trông chật chội, nhưng rồi đi một quãng, ngõ lại mở rộng bất ngờ, sừng sững ngôi chùa Phụng Thánh với bề dày lịch sử đáng nể, rồi ngõ lại “ôm” cả một khu tập thể không hề nhỏ. Cứ theo ngõ Cống Trắng, người ta có thể đi từ Khâm Thiên ra Trung Phụng, La Thành, Xã Đàn, Kim Liên.
Ngõ Chợ Khâm Thiên thì như một mê cung với lắm ngách (và cả ngách của ngách) dọc ngang và vô vàn cửa hàng, dịch vụ, cũng thông ra Xã Đàn, Trung Tự. Ngõ Văn Chương - nơi từng là chốn ở ẩn của một vị hoàng đế, thì nay là cả một thế giới bao gồm khu dân cư lớn, trường học, chợ, chùa chiền… với một hồ nước xinh xắn vừa được cải tạo, kè bờ. Ngõ này nối phố Khâm Thiên với phố Tôn Đức Thắng, phố Trần Quý Cáp.