Aa

Khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý, phát triển thị trường chứng khoán bền vững

Thứ Hai, 26/12/2022 - 14:18

Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành đánh giá cụ thể tình hình, để xem xét trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nhằm tháo gỡ các khó khăn phát sinh hiện nay.

Bộ Tài chính sẽ rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi trao đổi về triển khai các nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong thời gian tới.

Phân tích về thị trường vốn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: Với quy mô huy động vốn ngày càng tăng, thị trường vốn đã dần khẳng định sự quan trọng là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp (DN) theo đúng định hướng của Nhà nước về phát triển cân bằng thị trường vốn và thị trường tín dụng, giảm áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế của kênh tín dụng ngân hàng. Đối với thị trường TPDN, so với tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực thì quy mô của thị trường TPDN của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Hiện dư nợ của thị trường TPDN ở mức trên 15% GDP. Trong khi đó, Chiến lược Tài chính đặt ra mục tiêu quy mô thị trường TPDN đến năm 2025 là 20% GDP và đến năm 2030 đạt tối thiểu 25% GDP.

Thị trường chứng khoán, trái phiếu trong năm 2022 có nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu từ niềm tin của nhà đầu tư và thanh khoản thị trường trong nước, cũng như tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về tình hình kinh tế - chính trị thế giới. Đối với thị trường trong nước, việc lãi suất ngân hàng tăng nên có xu hướng tiền dịch chuyển sang hệ thống ngân hàng thương mại và thanh khoản của nền kinh tế khó khăn.

Riêng thị trường TPDN còn bị ảnh hưởng bởi niềm tin của nhà đầu tư do các sai phạm của một số DN vừa bị xử lý và việc một số phương tiện đưa tin không chính thống, tin thất thiệt về một số DN phát hành trái phiếu. Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát tập trung vào giám sát mục đích phát hành trái phiếu cũng dẫn đến tâm lý quan ngại của cả DN phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.

Để khôi phục niềm tin thị trường, bảo đảm quyền và lợi ích của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường, người đứng đầu Bộ Tài chính cho hay, cơ quan này đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Mới đây nhất, ngày 23/11/2022, Bộ Tài chính đã tổ chức họp với 39 DN phát hành và công ty chứng khoán để trao đổi về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu và những đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc của thị trường. Bộ Tài chính yêu cầu các DN phát hành sử dụng mọi nguồn lực để bảo đảm thanh toán gốc, lãi trái phiếu như cam kết với nhà đầu tư. Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, DN phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị các DN xem xét sử dụng dịch vụ kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản, để đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính của DN, theo đó chủ động, kịp thời công bố thông tin chính thống cho nhà đầu tư để nắm bắt về tình hình tài chính của DN.

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển thị trường an toàn, minh bạch, bền vững, trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp đồng bộ.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý: Rà soát Luật Chứng khoán, Luật DN để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành TPDN, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Trước mắt, do tình hình thị trường tài chính, tiền tệ có nhiều khó khăn, thanh khoản sụt giảm, niềm tin của thị trường suy giảm, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành đánh giá cụ thể tình hình, để xem xét trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nhằm tháo gỡ các khó khăn phát sinh hiện nay.

Thứ hai, tăng cường truyền thông, ổn định tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư: Bộ Tài chính tiếp tục tập trung truyền thông với thông điệp rõ về định hướng phát triển của Nhà nước đối với thị trường TPDN; đồng thời, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng vấn đề truyền thông, ngăn chặn việc đưa tin không chính thống, chưa kiểm soát; kịp thời phát hiện và có giải pháp xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin giả mạo, thất thiệt,... gây ảnh hưởng đến thị trường.

Thứ ba, tập trung công tác quản lý giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật: Tiếp tục rà soát, đánh giá hoạt động của các công ty chứng khoán, tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra các DN phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ.

Theo đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và NHNN sẽ xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm trong cung cấp dịch vụ về TPDN, phân phối trái phiếu; đặc biệt là việc chào mời khách hàng gửi tiền tiết kiệm chuyển sang mua TPDN riêng lẻ thông qua mua trực tiếp hoặc ký hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty chứng khoán.

Thứ tư, về tổ chức điều hành thị trường: Rà soát, cải cách quy trình cấp phép chào bán chứng khoán ra công chúng, tạo thuận lợi cho các DN đủ điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng; chỉ đạo các sở GDCK chuẩn bị nền tảng giao dịch TPDN riêng lẻ nhằm phát triển thị trường thứ cấp minh bạch.

Thứ năm, về bảo đảm thanh khoản thị trường tài chính, cung ứng vốn cho nền kinh tế, Bộ Tài chính đã kiến nghị với NHNN tập trung triển khai các biện pháp điều hành bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại, điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh thị trường TPDN đang gặp khó khăn.

Người đứng đầu ngành tài chính cho biết, đang thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường vốn công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển, tập trung hoàn thiện khung pháp lý và thể chế; đẩy mạnh công tác giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tăng cường công tác truyền thông, tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, luôn bám sát các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, thực hiện quan điểm nhất quán, xuyên suốt là phát triển thị trường TPDN công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường.

"Bên cạnh các nhiệm vụ thuộc phạm quản lý, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để nâng cao hiệu quả công tác giám sát liên thông, kịp thời nhận diện, cảnh báo rủi ro và bảo đảm thị trường hoạt động lành mạnh, an toàn, bền vững", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có 4 công điện liên quan đến các vấn đề nóng: Tín dụng, TPDN, bất động sản và lao động. Chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ được các chuyên gia đánh giá là "rất quyết liệt và kịp thời" trong bối cảnh những khó khăn phát sinh cần khẩn trương khơi thông, để thúc đẩy tăng trưởng cũng như giảm thiểu phát sinh những vấn đề xã hội.

Trong đó, để giải quyết toàn diện vấn đề của thị trường TPDN, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 "về thị trường TPDN" để kịp thời gỡ vướng, "cứu" những DN có tiềm năng hồi phục phát triển. Các chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất là các cơ quan chức năng khi soạn thảo cần có giải pháp chỉnh sửa Nghị định 65 cho phù hợp, vừa bảo đảm thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà phát hành, vừa hướng tới hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Các chuyên gia góp ý, Nghị định sửa đổi cần đạt được mục tiêu là: Tháo gỡ kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ và công chúng; tháo gỡ vướng mắc thị trường TPDN, nhất là trái phiếu do các DN bất động sản sẽ đáo hạn trong 2 năm tới…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top