Aa

Khánh Hòa, Ninh Thuận điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở

Thứ Sáu, 10/02/2023 - 15:00

UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận vừa phê duyệt quyết định điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Khánh Hòa: Đến năm 2025, tăng thêm 44.461 căn nhà ở xã hội

Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 được chia thành 2 giai đoạn. Theo đó, mục tiêu phát triển đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh sẽ đạt 26m2 sàn/người (đô thị đạt khoảng 27,5m2 sàn/người, nông thôn đạt khoảng 24,9m2 sàn/người); diện tích nhà ở tối thiểu 10m2 sàn/người.

Một góc TP. Nha Trang, Khánh Hòa. (Ảnh: Đ.A)

Giai đoạn 2026 - 2030, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh sẽ là 30m2 sàn/người (đô thị đạt khoảng 32m2 sàn/người, nông thôn đạt khoảng 28,5m2 sàn/người); diện tích nhà ở tối thiểu 12m2 sàn/người.

Với nội dung điều chỉnh vừa được UBND tỉnh phê duyệt, đến năm 2025, tổng diện tích nhà ở toàn tỉnh đạt khoảng 37,8 triệu m2, tăng thêm khoảng 10,3 triệu m2 sàn, tương đương với 133.427 căn; chất lượng nhà ở kiên cố và nhà ở bán kiên cố đạt tỷ lệ 98%, không phát sinh thêm nhà ở đơn sơ. Cụ thể, nhà ở thương mại sẽ tăng 46.426 căn, nhà ở xã hội tăng 44.461 căn, nhà tái định cư tăng 2.100 căn, nhà ở công vụ tăng 30 căn và nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng tăng 40.410 căn. Để thực hiện mục tiêu trên, cần nguồn vốn khoảng 85.148 tỷ đồng.

Tỉnh Khánh Hòa cũng đề ra mục tiêu phát triển nhà ở đến năm 2030. Theo đó, tổng diện tích nhà ở đạt khoảng 50,6 triệu m2, tiếp tục tăng thêm so với giai đoạn trước khoảng 12,8 triệu m2 sàn, tương đương 151.445 căn; chất lượng nhà ở kiên cố và nhà ở bán kiên cố đạt tỷ lệ 100%, không còn nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đến năm 2030 nhà ở thương mại tăng 56.664 căn, nhà ở xã hội tăng 46.066 căn, nhà tái định cư tăng 2.550 và nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng tăng 46.165 căn. Nhu cầu nguồn vốn giai đoạn 2026 - 2030 cần khoảng 105.840 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, việc điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030 là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, đúng quy định pháp luật nhằm đưa ra các dự báo và chỉ tiêu, mục tiêu phát triển nhà ở phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc quản lý, điều hành thị trường bất động sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Ninh Thuận: Khoảng 29.026 tỷ đồng phát triển nhà ở đến năm 2025

UBND tỉnh Ninh Thuận cũng vừa có quyết định điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 16 triệu m2 (tăng thêm khoảng 3,57 triệu m2 sàn). Trong đó, nhà ở xã hội là khoảng 89.926m2; nhà ở thương mại khoảng 704.368m2; nhà ở do nhân dân tự đầu tư xây dựng khoảng 2,2 triệu m2; nhà ở cho hộ nghèo 533.700m2… Diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh sẽ đạt khoảng 25m2 sàn/người (đô thị đạt khoảng 29m2 sàn/người, nông thôn đạt khoảng 22,2m2 sàn/người).

Một góc TP. Phan Rang, Ninh Thuận (Ảnh: Đ.A)

Đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đạt khoảng 21,4 triệu m2 (tăng thêm khoảng 5,43 triệu m2). Trong đó, nhà ở xã hội tăng thêm khoảng 183.871m2; nhà ở thương mại khoảng 1,13 triệu m2; nhà ở do nhân dân tự đầu tư xây dựng tăng thêm khoảng 3,8 triệu m2; nhà ở cho hộ nghèo khoảng 238.185m2… Tỉnh cũng đặt mục tiêu chất lượng nhà ở đối với nhà ở kiên cố và nhà ở bán kiên cố đạt tỷ lệ trên 99,5%, trong đó tại khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 80%, không để phát sinh nhà ở đơn sơ trên địa bàn, đặc biệt là khu vực đô thị.

Về nguồn vốn thực hiện chương trình phát triển nhà ở, tỉnh Ninh Thuận xác định tổng nguồn vốn thực hiện đến năm 2025 khoảng 29.026 tỷ đồng; đến năm 2030 cần tổng nguồn vốn khoảng 44.128 tỷ đồng.

Nhằm phát triển nhà ở theo hướng bền vững, tỉnh Ninh Thuận đề ra các chính sách khuyến khích phát triển nhà ở thương mại theo dự án có diện tích trung bình với giá cả phù hợp khả năng chi trả của các đối tượng theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, áp dụng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi được bổ sung cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xanh, tiết kiệm năng lượng và nhà ở phát thải thấp, ứng dụng công nghệ số.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề ra các giải pháp phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn. Cụ thể, tăng cường kiểm soát hoạt động môi giới bất động sản, kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản; khuyến khích việc giao dịch kinh doanh bất động sản qua sàn để đảm bảo công khai, minh bạch; tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và nhà ở, nâng cao hiệu quả của các hoạt động kiểm tra, xử lý, ngăn chặn sai phạm trong kinh doanh nhà ở và bất động sản…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top