Sự kiện mang ý nghĩa quan trọng, là công trình lớn chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Đồng thời, đây cũng là dự án cấp thiết, chiến lược nhằm phục vụ phát triển hệ thống truyền tải điện của tỉnh Ninh Thuận nói riêng, khu vực Duyên hải miền Trung nói chung và xa hơn là toàn bộ hạ tầng truyền tải điện Quốc gia.
Dự án được Trungnam Group triển khai với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng; quy mô thực hiện gồm Nhà máy điện mặt trời 450MW, Trạm biến áp 500kV và hơn 17km đường dây truyền tải 500kV, 220kV kéo dài từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đến xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Quá tải hệ thống truyền tải điện
Nhờ cơ chế, chính sách của Nhà nước cũng như địa phương trong việc khuyến khích đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, cho nên từ năm 2018 đến nay, nhiều dự án năng lượng tái tạo đã được đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận với công suất lên đến 2.000MW.
Tính đến hết ngày 30/6/2019, đã có khoảng trên 80 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất khoảng 4.464MW được Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia kiểm tra điều kiện và đóng điện thành công, tập trung nhiều nhất ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Tuy nhiên, việc nhiều dự án điện mặt trời cùng lúc đi vào hoạt động trong một thời gian ngắn đã khiến mạng lưới phân phối, truyền tải trên địa bàn Ninh Thuận, Bình Thuận… bị quá tải. Nhiều dự án không thể phát điện được lên lưới, bị cắt giảm công suất. Ở một số thời điểm, công suất cắt giảm dao động ở mức 30 - 35%, có dự án phải cắt giảm công suất lên đến 60% nhằm đảm bảo an toàn cho công tác vận hành hệ thống điện. Việc thực hiện cắt giảm công suất đã khiến cho các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc đảm bảo kinh phí đầu tư, vận hành cũng như phát triển mở rộng dự án.
Tình trạng quá tải hệ thống truyền tải điện ở tỉnh Ninh Thuận đã cho thấy sự không đồng bộ trong việc phát triển hạ tầng truyền tải quốc gia, dẫn đến không đồng bộ ở các địa phương và không đảm bảo được tốc độ phát triển của các dự án năng lượng tái tạo. Mặc dù Tập đoàn Điện lực đã cố gắng đẩy nhanh tốc độ nâng cấp hệ thống truyền tải nhưng những khó khăn về thủ tục, công tác giải phóng mặt bằng tại các địa phương khiến cho việc triển khai dự án phát triển lưới điện bị trì trệ. Bên cạnh đó, các dự án năng lượng tái tạo, nhất là dự án điện mặt trời có thể triển khai trong 6 tháng, trong khi để triển khai một dự án lưới điện truyền tải 220kV, 500kV phải kéo dài từ 3 đến 5 năm.
Trungnam Group thiết lập dấu mốc lịch sử
Từ thực tế trên, Trungnam Group đã quyết tâm tham gia vào đầu tư hạ tầng truyền tải điện của quốc gia, bởi biết được việc cắt giảm công suất sẽ không chỉ dừng lại ở con số 60%. Với cương vị là nhà đầu tư năng lượng tái tạo số 1 Việt Nam và là doanh nghiệp thực hiện các dự án năng lượng tái tạo lớn nhất tại tỉnh Ninh Thuận, cùng với sự khuyến khích của lãnh đạo UBND tỉnh và hỗ trợ kỹ thuật từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trungnam Group đã mạnh dạn đề xuất thực hiện Dự án Trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW để giải quyết vấn đề quá tải hệ thống truyền tải quốc gia.
Với sự chấp thuận của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, Trungnam Group được lựa chọn là nhà đầu tư dự án Trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW, Trungnam Group đã nhanh chóng, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Đồng thời, tập trung mọi nguồn lực thi công bất kể ngày đêm, ngày nghỉ, ngày lễ để thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh Ninh Thuận giao hoàn thành đồng bộ dự án trong năm 2020.
Dự án Trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV
Triển khai một dự án lớn trên diện tích 557,09ha, trong đó có hơn 17km đường dây truyền tải 500kV, 220kV kéo dài từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đến xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đòi hỏi phải thực hiện trong thời gian dài, tuy nhiên với quyết tâm cao độ, Trungnam Group khởi công dự án từ giữa tháng 5/2020 và đặt ra mục tiêu hoàn thành dự án trong quý IV/2020.
Với mục tiêu thực hiện dự án trong 102 ngày, Trungnam Group đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong vòng 45 ngày đầu tiên; cùng với hơn 8.000 nhân sự từ cán bộ, kỹ sư, công nhân triển khai thi công xuyên suốt ngày đêm trên diện tích 557,09ha để hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Dự án Trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW, ngoài việc khai thác hơn 1 tỷ kWh - tương đương 1GWh điện từ nguồn năng lượng tái tạo (năm đầu tiên: 1,2 tỷ kWh), sẽ góp phần quan trọng khi giải tỏa công suất lưới điện cho khu vực Ninh Thuận và Duyên hải Nam Trung bộ. Hai trạm biến áp của dự án, với tổng công suất 1.800MVA, kết hợp với các đường dây giúp tăng khả năng kết nối, tăng độ tin cậy cho hệ thống lưới điện tại khu vực Nam Trung bộ.
Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng Trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW mang một số ý nghĩa quan trọng:
Thứ nhất, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 115 của Chính phủ đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của Quốc gia.
Thứ hai, đóng góp quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo tại khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận tránh tình trạng giảm phát gây thiệt hại cho các nhà máy hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh trong việc cam kết với các nhà đầu tư và góp phần giải quyết tình trạng cả nước thiếu điện nhưng năng lượng tái tạo lại đang giảm phát.
Thứ ba, bổ sung hơn 1 tỷ KWh điện mỗi năm vào hệ thống, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo thay thế các nguồn điện không tái tạo khác, đặc biệt có ý nghĩa trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Thứ tư, quán triệt Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, tư nhân tham gia phát triển nguồn và xây dựng hạ tầng truyền tải.
Ngoài ra, việc hoàn thành, đưa vào sử dụng Trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW được xem là dấu mốc lịch sử của ngành năng lượng Việt Nam khi doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải năng lượng và nhận được sự đồng thuận đa phương từ Trung ương đến các cấp chính quyền.
Bên cạnh sự thành công trong việc thực hiện các dự án năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, Trungnam Group đang hướng tới phát triển điện khí, đúng theo chủ trương của Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Chính trị ban hành, ưu tiên phát triển đa dạng hóa các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch, trong đó có ưu tiên phát triển điện khí.
Đồng thời, Trungnam Group cũng là đơn vị thực hiện Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận dự kiến hoàn thành bến số 1 có trọng tải 70.000 - 100.000 DWT vào tháng 12/2022. Khi đi vào vận hành, dự án sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ công tác vận chuyển thiết bị, đặc biệt là thiết bị siêu trường siêu trọng phục vụ cho các dự án năng lượng tái tạo và dự án điện khí trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Với những lợi thế sẵn có về cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo và đội ngũ chuyên gia, kỹ sư chất lượng cao trong lĩnh vực này, Trungnam Group khẳng định là một nhà đầu tư tiềm năng trong việc thực hiện các dự án điện khí quy mô lớn trong tương lai./.