Tập đoàn Trung Nam - “Người tạo dấu ấn lịch sử” trong điện mặt trời!

Tập đoàn Trung Nam - “Người tạo dấu ấn lịch sử” trong điện mặt trời!

Thứ Tư, 07/10/2020 - 06:00

Có thể nhận xét, một dấu ấn lịch sử trong nỗ lực phát triển nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam đã xuất hiện chiều ngày 29/9/2020, tại tỉnh Ninh Thuận, khi Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) thực hiện đóng điện Trạm biến áp và đường dây 220 - 500kV.

Các nguồn thông tin chính thức cho hay, dự án này kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW, ngoài việc khai thác hơn 1 tỷ kWh - tương đương 1 GWh điện từ nguồn năng lượng tái tạo (năm đầu tiên là 1,2 tỷ kWh), sẽ góp phần quan trọng khi giải tỏa công suất lưới điện cho khu vực Ninh Thuận và duyên hải Nam Trung bộ.

Nói là dấu ấn lịch sử bởi đây là đường dây truyền tải điện 500kV đầu tiên do tư nhân đầu tư, xây dựng tại Việt Nam, là gạch nối dài với một dấu ấn lịch sử khác được thực hiện vào ngày 27/5/1994, khi đường dây 500kV đầu tiên của Việt Nam đi vào vận hành, gắn liền với tên tuổi vị Thủ tướng danh tiếng một thời Võ Văn Kiệt.

Nếu ai đã từng sống vào thời kỳ đó mới thấy được việc hình thành ý tưởng và tổ chức thực hiện xây dựng đường dây 500kV đầu tiên này gặp những gian truân như thế nào, về cả tư duy vĩ mô, về nguồn tài chính tốn kém, về điều kiện kỹ thuật nghiêm ngặt. Thậm chí, có vị bộ trưởng kể lại khi đó, Thủ tướng rất lo và nói rằng, nếu dự án thất bại thì ông sẽ từ chức!

Đấy là với nguồn lực của một quốc gia mà còn căng thẳng như thế. Nay chỉ cần một tập đoàn tư nhân thôi đã hoàn thành một công trình đòi hỏi không chỉ nguồn tài chính dồi dào, về khả năng đáp ứng những điều kiện kỹ thuật nghiêm ngặt mà còn là sự tự tin, lòng quả cảm của một nhà đầu tư đầy bản lĩnh.

Giờ thì suôn sẻ rồi. Trạm biến áp của Tập đoàn Trung Nam đã đi vào hoạt động, có 2 máy biến áp 500kV/ 900 MVA do SIEMENS - hãng thiết bị điện đứng đầu thế giới đến từ Đức thiết kế và sản xuất. Hai máy biến áp công suất tổng 1.800 MVA có đủ khả năng thực hiện cung ứng điện cho 2 tỉnh, thành phố.

Được biết, máy biến áp công suất 900 MVA là gam công suất lớn nhất hiện nay của hầu hết các nước trên thế giới. Đây là các thiết bị quan trọng nhất của dự án, đóng vai trò như “trái tim” của các dự án điện năng lượng tái tạo khi thực hiện nhiệm vụ tăng - giảm điện thế nhằm đảm bảo phù hợp nhu cầu tiêu thụ điện. Cùng với đó là đường dây truyền tải 500kV, 220kV dài hơn 17km kéo dài từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đến xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) hồi tháng 12/2015, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.

Thế nhưng thực tiễn ở Việt Nam lại dường như đang chứng minh ngược lại. Bởi lẽ cách đây không lâu, tại cuộc hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường” do Bộ Công Thương tổ chức cho biết, sắp tới, nhiệt điện than ở nước ta vẫn giữ một tỷ lệ trọng yếu, chiếm tới 55% sản lượng điện mỗi năm. Lý do rất đơn giản: không có nguồn điện năng khác thay thế!

Con số thống kê cho hay, hiện nay, hệ thống điện Việt Nam đã phát triển lớn mạnh, đứng thứ 31 trên thế giới và thứ 2 trong các nước ASEAN. Công suất hệ thống đạt 40.000 MW, sản lượng điện sản xuất năm 2015 đạt 162 tỷ kWh. Trong đó, về công suất thủy điện chiếm 41%, nhiệt điện than 33%, nhiệt điện khí 31%, còn lại là năng lượng tái tạo. Về sản lượng, thủy điện chiếm 38%, nhiệt điện than 30% và nhiệt điện khí là 29%.

Tuy vậy, theo quy hoạch sản xuất nhiệt điện than đến năm 2020 sẽ chiếm khoảng 49,3% điện sản xuất và đến năm 2025, riêng điện than đã có tổng công suất khoảng 45.800 MW, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than.

Chúng ta thử tưởng tượng với lượng than đốt hằng năm “khủng” như vậy, liệu có bao nhiêu triệu tấn chất thải rắn và khí độc hại thoát ra môi trường? Và liệu cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm lượng phát thải khí nhà kính tại COP21 sẽ được thực hiện bằng con đường nào?

Nay được tin có doanh nghiệp tư nhân dám bỏ ra cả tỷ USD để “làm” năng lượng mặt trời thì có thể nhận thấy rằng, thời của năng lượng xanh, sạch của Việt Nam mình đã đến!

Trước hết, đó là thiên thời. Cách đây ít lâu, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời, trong đó yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 cent/kWh).

Giá điện này được xem là khá cao, vì giá bán điện bình quân của EVN khi ấy chỉ 1.622 đồng/kWh. Lâu nay, do chưa có cơ chế giá điện mặt trời cụ thể nên nhiều nhà đầu tư ngại bỏ tiền ra đầu tư các dự án điện mặt trời. Ý kiến chung cho rằng, để nhà đầu tư thực sự có lãi thì giá điện mặt trời phải xấp xỉ 10 cent/kWh trở lên.

Tuy nhiên, sự hấp dẫn nhà đầu tư không chỉ khoanh tròn ở giá mua điện mà còn ở các chính sách ưu đãi kèm theo. Thí dụ, theo Quyết định này, ngoài giá mua điện khá cao so với các nguồn năng lượng khác, điện mặt trời còn được hưởng một số chính sách hỗ trợ khuyến khích, như ưu đãi về vốn, về đất đai, về thuế nhập khẩu thiết bị dự án, thuế thu nhập doanh nghiệp…

Tiếp nữa, các chuyên gia còn phân tích rằng, do khoa học - công nghệ trên thế giới trong lĩnh vực này đang phát triển như vũ bão, tỷ suất đầu tư cho mỗi đơn vị điện năng từ điện mặt trời chắc chắn ngày càng được cải thiện.

Đó mới chính là một trong những nguồn hy vọng lớn của các nhà đầu tư khai thác nguồn năng lượng mặt trời trong tương lai.

Tiếp theo là địa lợi. Mặc dù có điều kiện thiên nhiên cực kỳ ưu đãi nhưng đến nay, Việt Nam vẫn là một quốc gia tiềm năng trong việc khai thác nguồn năng lượng mặt trời.

Việt Nam vẫn là một quốc gia tiềm năng trong việc khai thác nguồn năng lượng mặt trời.

Theo đánh giá của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA), Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng thụ ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong bản đồ bức xạ mặt trời thế giới. Trung bình, tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở nước ta dao động từ 4,3 - 5,7 triệu kWh/m2. Ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ, số giờ nắng khá cao, đạt từ 2.000 - 2.600 giờ/năm. Bức xạ mặt trời trung bình 150kcal/m2 chiếm khoảng 2.000 - 5.000 giờ/năm.

Tiềm năng là thế, nhưng mãi đến năm 2014, cả nước mới có 1 dự án điện mặt trời được nối lưới đầu tiên, đó là Nhà máy quang năng Hội An (Côn Đảo) có công suất 36kWp, điện lượng khoảng hơn 50MWh với tổng mức đầu tư khoảng 140 nghìn Euro.

Dự báo đến năm 2025, khi nhu cầu điện tăng gấp đôi, Việt Nam sẽ cần đầu tư 74 tỷ USD vào các nhà máy năng lượng than, khí gas, gió, mặt trời và thủy điện đến năm 2025. Như vậy, thị trường điện mặt trời vẫn còn nhiều dư địa phát triển.

Thứ ba là nhân hòa. Không chỉ trên thế giới mà ngay ở trong nước, người dân Việt Nam ngày càng thân thiện với nguồn năng lượng xanh và sạch. Nếu tính đến giữa tháng 4/2019, toàn hệ thống điện mặt trời của Việt Nam chỉ có 4 nhà máy với tổng công suất chưa tới 150MW thì đến nay đã có trên dưới 100 nhà máy điện mặt trời hòa lưới điện quốc gia. Rồi làn sóng đầu tư điện mặt trời trên mái nhà đang phát triển ngoài sức tưởng tượng của nhiều người…

Theo đánh giá của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng Trạm biến áp và Đường dây 220 - 500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW của Tập đoàn Trung Nam có nhiều ý nghĩa quan trọng:

Thứ nhất, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 115 của Chính phủ đưa Ninh Thuận trở thành Trung tâm Năng lượng tái tạo của Quốc gia.

Thứ hai, đóng góp quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo tại khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận tránh tình trạng giảm phát, gây thiệt hại cho các nhà máy hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh trong việc cam kết với các nhà đầu tư, góp phần giải quyết tình trạng cả nước thiếu điện nhưng năng lượng tái tạo lại đang giảm phát.

Thứ ba, bổ sung hơn 1 tỷ KWh điện mỗi năm vào hệ thống, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo thay thế các nguồn điện không tái tạo khác, đặc biệt là bảo vệ môi trường.

Thứ tư, quán triệt Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, tư nhân tham gia phát triển nguồn và xây dựng hạ tầng truyền tải.

An ninh năng lượng vốn là vấn đề trọng đại của quốc gia. Nay có thêm các nguồn lực từ công cuộc xã hội hóa, mà nhất là có sự tham gia của những “con sếu đầu đàn” như Tập đoàn Trung Nam, hy vọng rằng Việt Nam sẽ nhanh chóng hình thành một thị trường điện cạnh tranh ngày càng lành mạnh.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực truyền phát điện, thúc đẩy quá trình thị trường hóa ngành điện một cách nhanh hơn là một tín hiệu tốt, thể hiện sự tin tưởng và nhìn nhận khách quan hơn của Nhà nước đối với khả năng của doanh nghiệp tư nhân. Trước đây, việc xây dựng các trạm biến áp vốn được giao cho doanh nghiệp Nhà nước, nguồn lực có hạn nên không đáp ứng được tối đa nhu cầu, mặt khác còn dẫn đến hệ luỵ là độc quyền thu mua, truyền tải điện.

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã mở ra một thị trường điện có tính cạnh tranh cao khi tư nhân được tham gia phát triển nguồn, xây dựng hạ tầng truyền tải.

Và rồi, 16h ngày 29/9, Tập đoàn Trung Nam đã đóng điện thành công trạm biến áp và đường dây 220kV, 500kV tại tỉnh Ninh Thuận, chỉ sau 102 ngày đêm như đã cam kết với Chính phủ và tỉnh Ninh Thuận hồi tháng 5. Đây là đường dây truyền tải điện 500kV đầu tiên do tư nhân đầu tư, xây dựng, mở ra một bước tiến quan trọng của thị trường điện đặc biệt là năng lượng tái tạo.

Ngoài việc bổ sung hơn 1 tỷ KWh điện mỗi năm vào hệ thống điện quốc gia, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo thay thế các nguồn điện không tái tạo khác đặc biệt là bảo vệ môi trường, việc hoàn thành trạm biến áp, đường dây truyền tải này có ý nghĩa quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo tại khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận.

Chỉ mới cuối năm ngoái, các doanh nghiệp điện mặt trời, điện gió còn gặp khó vì không có đường dây chuyển tải hoặc quá tải nhưng Trung Nam chỉ làm trong hơn 6 tháng là xong trạm biến áp chất lượng quốc tế, thay vì phải mất 3 năm.

Lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam còn mới, dù ở nước ngoài họ đã triển khai thành công từ rất lâu. Và cái gì mới đều có những rủi ro và mạo hiểm nhưng chính những rủi ro, mạo hiểm đó đã thể hiện tầm nhìn và quyết tâm cũng như khát vọng lớn của doanh nghiệp tư nhân. Tập đoàn Trung Nam đã rất nhanh nhạy khi đi tiên phong, nắm bắt cơ hội và nhìn thấy được những tiềm năng phát triển của năng lượng tái tạo trong tương lai. Khả năng “đánh nhanh, thắng nhanh” khi thực hiện đường dây biến áp 500kV vừa qua là minh chứng rất rõ ràng.

Đây cũng là bước đột phá cho thấy hiệu quả của đầu tư tư nhân, cho thấy kinh tế tư nhân hoàn toàn có thể gánh vác được nhiệm vụ tưởng chừng như rất nặng nề không chỉ trong lĩnh vực phát điện mà cả trong việc truyền tải điện. Họ biết nhìn nhận, biết nắm bắt cơ hội, biết cách thực thi một cách nhanh nhất để đem lại hiệu quả.

Việt Nam có nhiều lợi thế để khai thác năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời. Nhưng nhiều năm qua chúng ta vẫn rất loay hoay, chật vật với hàng chục nhà máy điện than gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Còn thuỷ điện cũng đang đối diện một bài toán rất nan giải đó là an toàn cho vùng hạ lưu khi luôn có quả bom nước treo trên đầu và còn rất nhiều vấn đề khác nữa.

Rất nhiều các nhà kinh tế, quy hoạch cũng rất sốt ruột khi chúng ta vẫn sử dụng điện than trong khi thế giới đã bỏ nhiệt điện than, chuyển sang năng lượng sạch từ rất lâu. Việc sử dụng năng lượng mặt trời, điện gió đang trở thành một trong những vấn đề cần đặt ra.

Sự ra đời của các nhà máy phát điện gió, phát điện mặt trời ở nhiều địa phương, đặc biệt các tỉnh phía Nam đang tạo ra niềm hy vọng cho ngành điện nói riêng và nền kinh tế quốc dân nói chung.

Bên cạnh đó, quyết tâm của Tập đoàn Trung Nam cũng mở ra cơ hội chuyển hóa nhanh hơn thị trường điện Việt Nam thành một thị trường thực thụ.

PGS.TS. Ngô Trí Long: Như chúng ta đã biết, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ gió và nắng. Nhiều tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và Nam Bộ có tiềm năng lớn về năng lượng sạch. Trong đó, điện mặt trời là loại năng lượng mới, bổ sung thêm nguồn cho hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh thiếu nguồn cung. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với một trong những mục tiêu là khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực năng lượng nhất là năng lượng tái tạo.

Sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân tiên phong vào hệ thống truyền tải điện mặt trời như Trung Nam là một việc làm tốt và cần thiết cho lĩnh vực an ninh điện quốc gia, giúp giảm tải mạng lưới điện. Hơn nữa, với bối cảnh đầu tư của ngành điện lớn cần rất nhiều vốn thì việc tư nhân có thể triển khai đầu tư lưới truyền tải điện mặt trời nhanh là rất đáng hoan nghênh. Sự tham gia của tư nhân vào khâu truyền tải điện cũng là giải pháp đảm bảo cho các dự án điện năng mặt trời được phát được hết công suất, tránh tắc nghẽn.

Việc tham gia đầu tư của doanh nghiệp tư nhân đang góp phần tạo ra nguồn năng lượng mới, là xu hướng tất yếu của tương lai. Sự tiên phong của Trung Nam cũng là việc mà Nhà nước đang khuyến khích. Đây cũng có thể coi là bước tiến đầu tiên để cổ vũ cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong việc đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo, sạch, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển điện mặt trời tương xứng với tiềm năng.

Hiện nay điện mặt trời, các dự án năng lượng tái tạo phát triển rất mạnh nhưng truyền tải không đáp ứng được nên nhà đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, cần phải xã hội hóa cả trong đầu tư cho khâu truyền tải, để giải tỏa những điểm nghẽn trong phát triển năng lượng tái tạo hiện nay. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp tham gia thì cũng phải xem xét kỹ như việc có cạnh tranh được không?

Bên cạnh đó, khi đầu tư vào điện mặt trời, doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ vấn đề quy hoạch, giá điện, hạ tầng, tránh đầu tư theo phong trào.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo:

Xây dựng hệ thống truyền tải điện là vấn đề mới. Ở Ninh Thuận có nhà đầu tư Trung Nam cũng đang đầu tư trạm biến áp 500KV và các đường dây đấu nối. Đây là nhà đầu tư sử dụng vốn tư nhân. 

Đi kèm với các chính sách có định hướng trong Nghị quyết 55, Bộ Chính trị cũng đã đề cập đến thu hút đầu tư tư nhân cho lưới điện truyền tải, cũng như cơ chế chính sách đầu tư xây dựng cho hệ thống truyền tải điện tách bạch với độc quyền Nhà nước về truyền tải điện, thực hiện xã hội hóa đầu tư và khai thác cơ sở vật chất dịch vụ ngành năng lượng bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia, trên cơ sở bảo đảm quốc phòng an ninh.

Thực hiện theo Nghị quyết 55, Thủ tướng Chính phủ cũng có văn bản giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030.

Như vậy những chủ trương chính sách của Bộ Chính trị cũng như Chính phủ về việc đầu tư tư nhân đối với lưới điện truyền tải hàm ý không phải hoàn toàn xóa bỏ độc quyền Nhà nước về truyền tải mà phải tách bạch phạm vi nào cần độc quyền, phạm vi nào thực hiện được đầu tư tư nhân trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cụ thể như: Đối với hệ thống truyền tải điện quốc gia là hệ thống mang tính xương sống và huyết mạch của hệ thống điện quốc gia, đóng một vai trò hết sức quan trọng quyết định vấn đề an ninh năng lượng và an ninh quốc gia, cần phải độc quyền cả về đầu tư và quản lý vận hành. Bởi vì hệ thống xương sống quốc gia này liên quan đến vấn đề an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên những đường dây truyền tải từ một vài dự án nguồn điện hoặc các nhóm nguồn điện đến điểm đấu nối, chúng ta có thể giao cho tư nhân, bởi vì khi có sự cố trong những đường dây này chỉ mang tính cục bộ, không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.

Với cơ chế giá điện hấp dẫn, nhà đầu tư sẵn sàng chấp thuận đầu tư cả phần hạ tầng lưới điện đấu nối mà vẫn đảm bảo hiệu quả đầu tư. Ngoài đánh giá tiềm năng về mặt phát điện, nhà đầu tư sẽ phải xem xét phát triển dự án tại các vị trí thuận lợi và tối ưu trong việc giải tỏa công suất phát, xác định phạm vi đầu tư từ nguồn đến hạ tầng đấu nối, đánh giá hiệu quả dự án một cách tổng thể trước khi có đề xuất và quyết định đầu tư. Có như vậy, dự án mới thực sự mang lại hiệu quả kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và Nhà nước.

 - Thảo Liên - Hồng Vũ
Lê Quyên
07/10/2020 06:00


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top