Aa

Khánh thành hầm Hải Vân 2: Thêm hầm đường bộ in dấu ấn trí tuệ Việt

Thứ Hai, 11/01/2021 - 11:30

Công trình hầm đường bộ Hải Vân 2 khánh thành sau gần 4 năm thi công có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; an ninh quốc phòng. Đây cũng là công trình ghi dấu ấn trí tuệ Việt.

Dấu ấn trí tuệ Việt

Sáng 11/1, tại khu vực nam hầm Hải Vân 2 thuộc địa phận TP. Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng cùng chủ đầu tư đã cắt băng khánh thành công trình hầm đường bộ Hải Vân 2.

Hầm đường bộ Hải Vân 2 (phải) bên cạnh hầm Hải Vân 1 chạy song song. Ảnh: Đình Huân

Hầm Hải Vân 2 được khởi công tháng 4/2016, gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 nâng cấp đoạn tuyến QL1A qua đèo Hải Vân và nâng cấp, sửa chữa hầm Hải Vân 1 đã hoàn thành vào tháng 8/2017. Giai đoạn 2 thi công mở rộng ống hầm Hải Vân 2 (trên cơ sở hầm lánh nạn cũ) và đến tháng 9/2020 kết thúc thi công, vượt tiến độ 3 tháng. Khi vận hành chính thức, hầm đường bộ Hải Vân 2 sẽ cho phương tiện chạy một chiều song song với hầm Hải Vân 1 hiện nay, tốc độ thiết kế tối đa là 80km/giờ.

Đáng chú ý, hầm đường bộ Hải Vân 2 nằm trong tổ hợp dự án đầu tư xây dựng hầm Đèo Cả bao gồm: hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân 2, với tổng vốn đầu tư 26.154 tỷ đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 5.048 tỷ đồng.

Hầm đường bộ qua đèo Phú Gia (nối thị trấn Lăng Cô và xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) cũng được xây dựng bằng công sức trí tuệ người Việt. Ảnh: Đình Huân

Cách đây gần 15 năm, công trình hầm đường bộ Hải Vân 1 (song song với hầm đường bộ Hải Vân 2, hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á) được xây dựng hoàn thành với sự hỗ trợ chủ lực của chuyên gia, công nghệ từ Nhật Bản. Sau đó, những công trình hầm đường bộ áp dụng công nghệ tiên tiến thế giới được người Việt Nam làm chủ, tiếp tục thực hiện như hầm đường bộ Đèo Ngang, Phước Tượng, Phú Gia (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) và đặc biệt là hầm Hải Vân 2 được triển khai bởi nhà đầu tư, chuyên gia, kỹ sư, công nhân người Việt Nam sau khi thực hiện các công trình hầm qua đèo Cổ Mã, đèo Cả, đèo Cù Mông.

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành hầm đường bộ Hải Vân 2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng biểu dương sự nỗ lực của Bộ Giao thông Vận tải, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, các nhà thầu trong nước, nhất là việc làm chủ về công nghệ, kỹ thuật cao để xây dựng các công trình hầm đường bộ thời gian qua; Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tập trung chỉ đạo, phối hợp với các địa phương cùng chủ đầu tư tổ chức quản lý, bảo trì công trình, bảo đảm an toàn giao thông, môi trường, vận hành thông suốt, hiệu quả.

Rút ngắn khoảng cách, tạo đà phát triển

Gần 15 năm qua, cùng với việc giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên cung đường đèo hiểm trở Hải Vân, việc thông hầm Hải Vân 1 (khởi công năm 2000, hoàn thành năm 2005) đã đưa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng “xích” lại gần nhau hơn trên bình diện thời gian đi lại lẫn hợp tác phát triển, nhất là chiến lược liên kết phát triển kinh tế vùng. Không chỉ củng cố an ninh, quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội giữa hai địa phương mà việc đưa hầm đường bộ Hải Vân 1 vào sử dụng đã làm tăng lên các chuỗi giá trị về du lịch, dịch vụ, bất động sản; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư; giúp du khách, người dân dễ dàng hơn trong tiếp cận, thưởng lãm các công trình di tích, văn hóa, lịch sử trên “con đường di sản miền Trung” do Tổng cục Du lịch phát động.

Ngay tại thị trấn Lăng Cô, vùng đất vốn rất khó khăn ở phía Bắc Hải Vân thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 15 năm qua đã “thay da đổi thịt”, vươn lên là một địa phương thu hút các dự án du lịch, bất động sản, nghỉ dưỡng mạnh hàng đầu tỉnh. Cùng với Lăng Cô, những địa phương khác trong vùng kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, thậm chí xa hơn nhưng có tiềm năng, lợi thế về du lịch sinh thái như suối, thác, biển, đầm phá, sinh cảnh phong phú như Vườn Quốc gia Bạch Mã những năm gần đây đã liên tục gia tăng dấu chân của du khách. Hàng ngày có hàng trăm lượt người từ Lăng Cô và vùng phụ cận vượt hầm Hải Vân vào Đà Nẵng kinh doanh buôn bán, làm ăn, “đóng chân” ở một số công xưởng, nhà máy, nhà hàng, giải quyết đáng kể vấn đề công ăn việc làm cho người dân…

Xe qua hầm đường bộ Phước Tượng (nối xã Lộc Thủy và xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc). Ảnh: Đình Huân

Việc thông hầm đường bộ Hải Vân 1 và nay là Hải Vân 2 không chỉ phát huy công tác quốc phòng, an ninh; an toàn giao thông mà còn giúp phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó bao gồm cả việc kết nối các địa phương trong vùng với các nước trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây. Thông qua việc thu hút đầu tư cũng như phát huy các giá trị bất động sản trong bối cảnh khoảng cách giữa Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế được rút ngắn, chiến lược đầu tư, phát triển về sân bay, cảng biển, giao thông nói chung hợp lý, trong một cuộc hội thảo về bất động sản được tổ chức tại Huế gần đây, một số chuyên gia nhận định, Huế sẽ và phải cần tận dụng cơ hội khi quỹ đất của Đà Nẵng đã “cạn”, thị trường bắt đầu có những dấu hiệu chuyển dịch để bất động sản Huế bứt phá trong tương lai gần./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top