Aa

Khát vọng đánh thức tiềm năng biển: Ôn cố tri tân

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 09/09/2020 - 06:00

Ý chí vươn ra đại dương, đánh thức mặt biển Đông đã có trong tiềm thức của người Việt. Xuôi theo dòng thời gian, những công trình lấn biển đầu tiên đã hình thành, gợi mở ra những khu đô thị vươn biển tầm cỡ tương lai.

Khát vọng tiến ra biển

“Lịch sử không chỉ là việc nhắc lại quá khứ để biết quá khứ, mà là để hiểu hiện tại và biết tương lai…”. Với triết lý này, có thể thấy dòng chảy của biển Việt Nam đã có một thời hào hùng và vẫn đang vận động tới tương lai. Từ thuở hồng hoang, dân tộc Việt đã biết tựa lưng vào núi, hướng mặt ra biển để phát triển. 

Nói như PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường): "Ngay từ trong huyền thoại, người Việt đã xác lập cho mình một nguồn gốc biển khi miêu tả về cuộc sum họp làm nên nòi giống Lạc Hồng.

PGS-Nguyen-Chu-Hoi
PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Từng dựa vào thế biển để làm nên bao kỳ tích chống ngoại xâm trong suốt các triều đại phong kiến, cha ông ta đã khiến cả đạo quân Nguyên Mông phải run sợ, rồi những trận chiến nơi biên ải biển Vân Đồn của tướng lĩnh nhà Trần… Còn ở thế kỷ XX, trong chiến tranh cứu nước, giải phóng miền Nam, cùng với đường mòn Hồ Chí Minh thần kỳ xẻ dọc Trường Sơn đã có đường Hồ Chí Minh thần kỳ trên biển. Kinh nghiệm và bản lĩnh sóng nước người Việt đâu có thua kém ai". 

Theo PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, trong lịch sử vẫn ghi nhận được những công cuộc “ra khơi xa” của những thế hệ người Việt. Ấy là thương cảng Vân Đồn một thời hưng thịnh dưới triều Lý, là một Hội An sầm uất thời Chúa Nguyễn. Rồi trong hành trình mở mang bờ cõi, cánh buồm của người Việt đã làm nên những Sài Gòn, Rạch Giá, Hà Tiên…

Thế nhưng, chính vị chuyên gia này cũng bày tỏ sự nuối tiếc vì dù Việt Nam từng đánh thắng những trận thủy chiến lớn đầy vẻ vang nhưng lại chưa có được những thuyền buôn lớn vượt biển. Thương cảng Vân Đồn hay Hội An vang bóng một thời nhưng sau đó cũng rêu phong. 

Mãi cho đến khi bước sang thế kỷ XX, đứng trước biển bao la, người Việt mới tiếp tục vươn ra biển. PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi nhận định: "Lịch sử chưa bao giờ đứt đoạn, dù đã trải qua bao thăng trầm biến cố. Hôm nay, thế hệ con cháu Lạc Hồng đang viết tiếp những trang vẻ vang của một Việt Nam với bao bộn bề lo toan trong hội nhập và vẫn sắt son với lời thề giữ biển".

Chuyện làng chài nghèo và đại gia địa ốc "đổ tiền xuống biển"

Nối tiếp khát vọng tiến ra biển của người Việt tự ngàn đời, hành trình "dời non lấp biển" cuối thế kỷ XX được đánh dấu bằng một công trình khi đó được ví là "điên rồ" của người cựu chiến binh Đoàn tàu không số Đào Hồng Tuyển. Đó là dự án lấn biển xây đô thị của ở đảo Tuần Châu (Hạ Long, Quảng Ninh) vào năm 1997. Vì thế mà người ta còn gọi doanh nhân Đào Hồng Tuyển với cái tên "chúa đảo Tuần Châu".

Thời điểm đó, khi ông Đào Hồng Tuyển đưa ra ý tưởng lấn biển, nối đất liền với biển đảo,  nhiều chuyên gia cho rằng khó có thể thực thi bởi sức người, sức của thì có hạn mà sức mạnh bão tố phong ba của biển cả thì vô hạn. “Chẳng khác nào muốn mượn đá, vá trời”.

Nhưng Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu Đào Hồng Tuyển vẫn quyết định hiện thực hóa ý tưởng của mình. Hàng triệu mét khối đất đá được đổ xuống dưới làn nước trong xanh để kiến tạo thành con đường vượt biển dài gần 2,5km nối Tuần Châu với đất liền. Sau 3 năm, con đường đã hoàn thành. Một nơi mà trước năm 1997 chỉ là một xã đảo nghèo trực thuộc thành phố Hạ Long, người dân sống chủ yếu bằng nghề chài lưới với các phương tiện đánh bắt thô sơ, trên đảo không có điện, không có nước, không có chợ… giao thông bị cách biệt, đời sống người dân khó khăn, thiếu thốn trở thành một địa danh – trung tâm du lịch giải trí nổi tiếng cả nước và trên trường quốc tế.

Công cuộc lấn biển là bước đột phá vĩ đại, để bây giờ, từng bước từng bước Tuần Châu biến thành “Đảo ngọc”

Năm 2013, ông Tuyển đổ tiền xuống biển lần thứ 2 khi cùng các cộng sự quyết định xây cảng tàu thủy nội địa và quốc tế. Trước năm 2015, nơi đây chưa có bến tàu nên khách thăm vịnh phải đi từ tàu nhỏ, tay xách nách mang hành lý ra tàu lớn. Trong khi tàu không chất lượng, khách hàng bị 'chặt chém', công tác quản lý khó khăn. Nhưng sau 3 năm, một bến tàu dài hơn 10km được hình thành và đưa vào sử dụng, có thể cùng một lúc chứa được 2.200 tàu đậu và tránh trú bão, mỗi ngày có hơn 1.000 tàu thuyền hoạt động, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hơn 1.000 doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hơn 11.000 lao động. 

Giờ đây, người dân Quảng Ninh tự hào vì sau một chặng đường hơn 20 năm nhìn lại, từ một làng chài nghèo nhất Việt Nam nay Tuần Châu đã trở thành một phường khang trang thịnh vượng.

Cho đến nay, giới chuyên gia, nhà khoa học vẫn khẳng định, việc lấn biển thành công là một trong những kỳ tích bởi người Việt Nam đã dám “dời non lấp biển”, mở rộng quỹ đất, mở rộng tầm nhìn ra biển, dần xoá bỏ tư duy “xa rừng, nhạt biển”. Đây là minh chứng cho một thời kỳ mới, nhận thức mới, tuy duy mới của người Việt, dám nghĩ dám làm. 

Thổi tiếp sức sống cho những vùng biển tương lai

Các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực: Từ quy hoạch đô thị, quản lý phát triển đô thị, sinh thái học đô thị và môi trường, không gian biển và kinh tế biển, đa dạng sinh học và du lịch sinh thái, địa chất thủy văn, đập lớn và xã hội học định cư… đã đi đến thống nhất cao về mục tiêu: Việt Nam phải tiến ra biển và tạo nên một hệ sịnh thái đô thị biển trong thế kỷ XXI.

Lịch sử của mỗi vùng biển cần kế thừa và phát huy một cách có khoa học và đảm bảo sự cân bằng giữa công nghệ và sinh thái. Chỉ có như vậy mới tiếp thêm sức sống cho những thương cảng, những bờ biển từng vang bóng một thời. Để kiến tạo những không gian đô thị biển sinh thái xanh, thông minh, Việt Nam rất cần chiến lược đúng và trúng về tầm nhìn hướng biển.

can-gio-va-tam-nhin-huong-bien

Trong tương lai, với dự án như Khu du lịch sinh thái Cần Giờ, kỳ vọng sẽ không chỉ là nơi du lịch, nghỉ dưỡng, đầu tư tầm vóc khu vực và quốc tế, còn là một điểm nhấn, tạo nên đẳng cấp mới cho lĩnh vực công nghiệp không khói góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.HCM và quan trọng nhất, thay đổi điều kiện an sinh, công việc, thu nhập ngày càng tích cực hơn cho người lao động.

Hay như với Vân Đồn, những năm vừa qua nơi đây được ví như “con rồng thức tỉnh” nhờ lực đẩy từ Quy hoạch phát triển các Khu Kinh tế ven biển Việt Nam do Chính phủ phê duyệt. Theo đó, huyện đảo tiềm năng này được đầu tư phát triển thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino trong tương lai gần. Nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng đã bắt đầu thực hiện việc tiến ra biển, xây dựng các khu du lịch, cảng thương mại. Kỳ vọng làm sao phục hồi được “cái hồn” của thương cảng Vân Đồn xưa để trở thành một đô thị thương mại biển trong thời hội nhập quốc tế.

Vân Đồn những năm vừa qua được ví như “con rồng thức tỉnh”

Không chỉ dừng lại ở Cần Giờ, Vân Đồn, còn rất nhiều những vùng lầy, đất trũng, bờ biển xấu có thể thực hiện lấn biển, hình thành các khu đô thị sinh thái, du lịch. Cùng với những  Vũng Tàu, Phan Thiết, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Hạ Long, các đô thị biển mới sẽ góp phần tạo nên hệ sinh thái, đánh thức tiềm năng mặt biển.  

Trong chiều hướng đó, các vùng biển vốn khép kín, chưa được khai thác có lẽ đã đến lúc cần bước vào giai đoạn "thay da đổi thịt", để có thể trở thành một đô thị biển đặc trưng của Việt Nam.

PGS. TS. KTS. hoang manh nguyen
PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Đô thị xanh Việt Nam.

PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Đô thị xanh Việt Nam nhận định: "Với lợi thế bờ biển dài, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa đặc sắc… loại hình đô thị du lịch nghỉ mát và sinh thái là phù hợp và đặc trưng trong hệ thống đô thị biển Việt Nam. Công cuộc xanh hóa các đô thị biển hoàn toàn khả thi. Do đó, cần xác lập quan niệm, tiêu chí tương thích, nhất là mô hình chuyển đổi một đô thị biển đơn thuần sang đô thị xanh ven biển một cách tổng thể trên nền tảng của những thế mạnh tự nhiên đặc trưng riêng của từng khu vực".

Để phát triển chuỗi các đô thị biển, PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên cho rằng cần phải thực hiện đồng thời và tổng thể trên ba phương diện:

Thứ nhất, khai thác không gian biển, thiên nhiên biển (mặt biển, dưới biển, bầu trời trên biển…). 

Thứ hai, khai thác vùng bờ biển, cảnh quan ven biển (các cảng biển, bãi biển, khu kinh tế ven biển…). 

Thứ ba, các lĩnh vực “hậu cần, kết nối” và “thị trường” cho kinh tế biển (vận tải biển, dịch vụ biển, chế biến sản phẩm khai thác biển, khoa học công nghệ, kết nối du lịch biển với tuyến du lịch đất liền, thị trường cho đầu ra của sản phẩm khai thác từ biển…).

Giới chuyên gia cũng nhìn nhận, việc nghiên cứu mô hình hệ sinh thái đô thị biển đa chiều cần được đặt vào bối cảnh một vùng ven biển hoặc một vùng biển - đảo cụ thể ở Việt Nam. Khu vực ven biển luôn được hiểu là bàn đạp để “tiến ra” biển, còn con người rất nhỏ bé khi hiện diện trong không gian biển rộng lớn. Do đó, hệ thống quần đảo và đảo của Việt Nam phân bố rộng từ Bắc vào Nam có thể hình thành một thế trận kinh tế - quốc phòng trên biển rất hữu dụng.

Mặt khác, biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng và đang là thách thức ngăn chặn những bước chân mở kinh tế hướng biển của Việt Nam. Do đó, khối doanh nghiệp tư nhân đang đồng hành cùng Nhà nước gia cố các “hàng rào” ứng phó xâm thực mặn và nước biển dâng bằng cách xây dựng các khu đô thị tầm cỡ, quy mô, có đầu tư hạ tầng vững nhưng không làm thay đổi dòng chảy biển hay tác động theo hướng tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái xung quanh. Đây cũng là bước đầu tư quan trọng để tạo sức hút lan tỏa cho mọi lĩnh vực, khu vực, thành phần khác cùng tham gia gia cố “hàng rào” quan trọng này.

Khi bàn về Chiến lược biển Việt Nam, PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện là Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chỉ rõ Việt Nam cần có cách tiếp cận mới để phát triển kinh tế biển, mở rộng một không gian phát triển mới. Hướng ra biển, phát triển kinh tế biển phải trở thành một nhu cầu bức bách, đồng thời, là một cơ hội lớn cho sự trỗi dậy mang tính bùng nổ của Việt Nam. Trong đó, cả hệ thống kinh tế “mặt tiền” - đô thị biển và du lịch biển (bờ, biển, đảo) - cũng phải phát triển mạnh. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top