“Khẩu vị” các quỹ đầu tư đang thay đổi như thế nào?
Theo bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc quốc gia Quỹ Genesia Ventures, những mô hình kinh doanh ngốn nhiều vốn ban đầu kiểu “tiền ra như nước sông Đà, tiền vào nhỏ giọt (hoặc không có) như cà phê phin” sẽ khó thuyết phục được nhà đầu tư hơn.
Quỹ đầu tư bắt đầu thận trọng trong việc rót vốn
Sau sự phục hồi mạnh mẽ trong năm trước, bối cảnh đầu tư công nghệ tại Việt Nam nửa cuối năm 2022 đến nay chịu ảnh hưởng bởi tác động sâu sắc của cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Theo số liệu từ Tracxn, vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam giảm 82% trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái, còn 66 triệu USD.
Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ 2023 cũng cho thấy, nửa cuối năm 2022 đã có sự sụt giảm đáng kể ở mức 65% về giá trị đầu tư so với nửa đầu năm. Giá trị các vòng gọi vốn trên 10 triệu USD giảm mạnh, chỉ còn gần 1/3 so với năm 2021, chiếm 67% tổng số vốn đầu tư vào năm 2022. Giá trị các vòng đầu tư nhỏ hơn chỉ giảm 18% so với năm ngoái, chiếm tỷ trọng 33% tổng số vốn đầu tư.
Tại báo cáo này, ông Trung Hoàng, Giám đốc điều hành Vinacapital Ventures cho rằng, các startup cần chuẩn bị cho tình huống khủng hoảng kéo dài. Trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt hiện nay, product-marketfit là yếu tố tối quan trọng. Các công ty cần ưu tiên giải quyết những vấn đề khách hàng gặp phải và công nghệ chỉ là công cụ. Ngoài ra, các công ty cũng không cần quá vội vàng gây quỹ lúc này mà nên đợi đến khi thị trường thuận lợi hơn.
“Số tiền cần gọi càng lớn thì việc gọi vốn càng khó khăn. Nếu công ty bắt buộc phải gọi vốn, hãy triển khai một cách chiến lược và lên kế hoạch thật cụ thể”, ông Trung nói.
Là doanh nghiệp từng gọi vốn thành công ở Shark Tank Việt Nam và nhiều quỹ đầu tư khác, CEO Blusaigon Tôn Nữ Xuân Quyên cũng nhận thấy rằng “khẩu vị “của các nhà đầu tư đang có sự thay đổi.
“Có vẻ các nhà đầu tư đang tập trung vào những lĩnh vực liên quan đến công nghệ, như proptech, fintech… Blusaigon cũng phải giải bài toán thủ công nhưng phải có yếu tố công nghệ để nhân rộng mô hình kinh doanh. Ngoài ra, nhà đầu tư hiện nay cũng chú ý đến tính xanh, bền vững. Ngoài lợi nhuận của startup thì các quỹ đầu tư còn chú ý đến tiềm năng tăng trưởng của thị trường đó và đặc biệt họ sẽ chú ý đến đội ngũ lãnh đạo của startup đó”, bà Tôn Nữ Xuân Quyên nói.
Ngoài ra, theo bà Quyên, các quỹ đầu tư cũng chú ý đến mô hình kinh doanh của mình có phù hợp với thị trường hay không, có sự khác biệt, thế mạnh nào so với các đối thủ hay không…và có phù hợp với hệ sinh thái của họ hay không.
“Một yếu tố nữa là các quỹ hiện cũng rất quan tâm đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, dù đây không phải là yếu tố tiên quyết”, bà Quyên nói.
Các quỹ quan tâm startup giải quyết được vấn đề gì
Ông Chris Chae, Giám đốc điều hành Nextrans bày tỏ mong muốn mở rộng danh mục đầu tư của mình vào năm 2023 hoặc chí ít vẫn giữ nguyên số lượng khoản đầu tư như những năm trước (khoảng 15 thương vụ). “Đại diện Nextrans cho biết họ tin tưởng vào tiềm năng của các công ty khởi nghiệp mới có khả năng "cách mạng" các ngành truyền thống. Quỹ đầu tư này chú ý đến các giải pháp công nghệ giúp giải quyết các vấn đề căn bản của đời sống hiện nay.”
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Jungle Ventures Trần Nguyễn Thúy My lạc quan cho rằng, mọi thứ trên đời đều có những nguyên tắc: Hết mùa đông sẽ tới mùa xuân và mùa đông không kéo dài mãi. Tuy nhiên, trong bất kỳ giai đoạn nào của nền kinh tế, các công ty cũng cần ưu tiên các yếu tố cốt lõi: sản phẩm, khách hàng, và đội ngũ. Ngoài ra, trong bối cảnh bất ổn như hiện nay, các startup cần đặc biệt thận trọng trong sử dụng vốn để có thể duy trì quỹ tiền mặt ít nhất 18 tháng. Khi khó khăn qua đi, thị trường ổn định hơn, các công ty sống sót sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn.
Bà Hoàng Thị Kim Dung cũng nêu quan điểm, thông thường, trong vòng đời hoạt động 10 năm của một quỹ đầu tư, các nhà đầu tư thường sẽ kì vọng các thương vụ đầu tư được thoái vốn (exit) trong khoảng 6~8 năm kể từ lúc đầu tư. Hình thức thoái vốn chỉ được diễn ra khi có sự kiện thanh khoản (Liquidity event), cụ thể là thông qua hình thức bán lại cổ phần sở hữu cho bên thứ ba (Secondary Shares Sales), mua bán sáp nhập M&A, hoặc IPO.
Do đó, khi cân nhắc đầu tư vào bất kì một startup, bên cạnh đánh giá tổng quát các các yêu tố về tiềm năng thị trường, năng lực đội ngũ sáng lập và mô hình kinh doanh tạo ra lợi nhuận, các quỹ đầu tư cũng sẽ phải cân nhắc tới khả năng startup có thể có được những sự kiện thanh khoản kể trên trong khung thời gian cho phép để có thể thoái vốn có lợi nhuận hay không.
Do đó, các nhà sáng lập startup cần phải tìm hiểu kỹ khi tiếp cận với bất kỳ một quỹ đầu tư nào. Cụ thể, các nhà sáng lập cần hiểu thời gian bắt đầu vận hành của một quỹ, để tính ngược lại quỹ còn bao nhiêu năm hoạt động trong vòng đời của quỹ, thời điểm họ kỳ vọng có thể được thoái vốn và ở mức nào. Dựa trên đó, các nhà sáng lập cần nghiêm túc trả lời câu hỏi, rằng định hướng và mục tiêu phát triển của startup mình liệu có phù hợp với kì vọng của quỹ đầu tư đó hay không?
“Thực sự, tôi chỉ có thể đầu tư vào startup có khả năng mở rộng, của các nhà sáng lập mà từ những ngày đầu tiên đã có tầm nhìn lớn thiết kế công ty trở thành công ty lớn trong một thập kỉ tới. Ở đó startup cần kiểm chứng được sản phẩm phù hợp với thị trường (Product Market Fit: PMF), tìm được mô hình tăng trưởng có thể tạo ra lợi nhuận bền vững và tạo ra được quy trình vận hành có thể mở rộng”, bà Dung nói.
Bà Dung cũng cho biết luôn muốn tìm kiếm những startup có thể phát triển nguồn cung sản phẩm phù hợp với nhu cầu ngày càng ra tăng của thị trường; doanh thu có thể gia tăng liên tục khi startup mở rộng mà không tiêu tốn thêm quá nhiều nguồn lực. Điều này sẽ cho phép các doanh nghiệp mở rộng quy mô nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Bà Dung cho rằng, với những tài sản nhiều rủi ro, đặc biệt rủi ro cao như startup, thì đương nhiên sẽ khiến các nhà đầu tư càng trở nên thận trọng và chọn lọc hơn bao giờ hết. Mặc dù nói đầu tư startup với tầm nhìn dài hạn, không bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế trước mắt trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, thực tế khi đầu tư vào startup, các nhà đầu tư sẽ có nhiều sự tính toán kế hoạch, tìm ra thời điểm startup sẽ cần vốn cho các vòng tiếp theo nữa, và câu hỏi đặt ra sẽ là khi đó liệu startup đã có thể đạt được Milestone - những cột mốc quan trọng và tình hình gội vốn có thể thuận lợi cho việc gọi vốn hay chưa.
Trong tình hình kinh tế có nhiều khó khăn chung như hiện nay, nhìn chung là tổng cầu giảm, khiến startup có thể sẽ khó đạt được các chỉ tiêu kinh doanh của mình, hoặc cần nhiều thời gian và nguồn lực hơn để đạt được nó. Vì vậy, việc đảm bảo cho startup có thể vượt qua được vòng tiếp theo, để tồn tại và tiếp tục hành trình phát triển của mình sẽ trở nên nhiều rủi ro hơn nữa.
Mô hình nào có thể thu hút được nhà đầu tư?
Từ thực tế trên, bà Hoàng Thị Kim Dung cũng chỉ ra, mô hình kinh doanh nào có thể thu hút được nhà đầu tư vốn đang có tâm lý “thận trọng” ở giai đoạn hiện nay. Trong đó, các nhà đầu tư chú ý đến những lĩnh vực thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như ăn uống, y tế, giáo dục. Những lĩnh vực này tổng cầu có thể giảm nhưng sẽ không giảm quá mạnh và các startup có sản phẩm phù hợp vẫn thuyết phục được khách hàng và vẫn có nhiều cơ hội phát triển, vẫn có doanh thu và lợi nhuận.
Ngược lại, theo bà Dung, những lĩnh vực chưa thiết yếu trong giai đoạn hiện nay như giải trí, thời trang, du lịch… thì có thể sẽ khó khăn hơn. Các startup lĩnh vực này sẽ cần nhiều nguồn lực để thu hút khách hàng trong khi nguồn tiền của doanh nghiệp đang sút giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Như vậy, doanh nghiệp khó có thể có được lợi nhuận để phát triển trong lúc này và khó đạt được Milestone đủ thuyết phục các nhà đầu tư, để tiếp tục vòng gọi vốn tiếp theo. Cũng vì lý do này, mà các nhà đầu tư sẽ dè dặt để đầu tư hơn.
Như vậy, theo bà Dung, những mô hình kinh doanh ngốn nhiều vốn ban đầu (Capital Intensive) sẽ khó thuyết phục được nhà đầu tư hơn. Điểm chung của những mô hình kinh doanh này là, “tiền ra như nước sông Đà, tiền vào nhỏ giọt (hoặc không có) như cà phê phin”. Đơn giản là trước bài toán chi phí vốn cao và khó tiếp cận, mà các startup luôn trong trạng thái khát vốn, nếu không có vốn bên ngoài thì coi như là huyệt tử. Do đó, các nhà đầu tư sẽ tập trung tìm kiếm cơ hội ở các mô hình kinh doanh có thể tạo ra Cash flow - dòng tiền bền vững hơn, bởi các nhà sáng lập biết làm chủ cuộc chơi, biết cách khiến công ty có thể tự cường được dù có thể gọi vốn bên ngoài được hay không.
Ngoài ra, chỉ số quan trọng khác của các startup ở giai đoạn sớm hiện nay để có thể thuyết phục các quỹ đầu tư rót vốn là tỷ lệ giữ chân khách hàng, hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp, hiệu suất sử dụng vốn. Những chỉ số này cho thấy sự thay đổi khẩu vị rủi ro của các quỹ đầu tư.
“Tôi tin rằng, đây cũng chính là những chỉ số quan trọng nhất bên cạnh chỉ số Bottom-line về lợi nhuận của startup, cho thấy được phần nào sự thay đổi khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư mạo hiểm trong việc lựa chọn startup theo mô hình kinh doanh và thị trường ngành nghề có thể tạo ra được những chỉ số bền vững kể trên, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Tôi cũng tin rằng, khẩu vị đầu tư đầu tư này vẫn sẽ tiếp tục là xu hướng đầu tư xuyên suốt trong năm 2023 và có thể là tới cả năm 2024, trước khi thị trường thực sự khởi sắc lại với thanh khoản dòng tiền tốt hơn”, bà Dung nói.
Ảnh minh hoạ
Nhà sáng lập phải “lăn xả” cùng startup
Bà Tôn Nữ Xuân Quyên nhận định rằng nhà đầu tư chú trọng vào người lãnh đạo của doanh nghiệp. Để gọi vốn thành công, startup cần phải cho nhà đầu tư thấy mình hiểu doanh nghiệp tận “chân tơ kẽ tóc” và có hoài bão, kinh nghiệm và sự nghiêm túc, vì khởi nghiệp là hành trình rất dài và thậm chí rất cô đơn.
“Starup mình phải chứng minh được mình có khả năng và thực sự nghiêm túc chứ không phải làm vì ngẫu hững, lãng mạn. Ngoài ra, một startup mạnh sẽ có những đồng đội mạnh đồng hành và ngược lại. Startup cần cho nhà đầu tư thấy đội ngũ cộng sự đều là nhân sự có chuyên môn tốt và có sự phân công, phối hợp nhịp nhàng”, bà Tôn Nữ Xuân Quyên nói.
Bà Quyên cũng cho rằng một điểm rất quan trọng mà các nhà đầu tư quan tâm là sản phẩm của startup giải quyết vấn đề gì của thị trường, khả năng mở rộng thị trường thế nào khi quyết định đầu tư. Để thuyết phục được nhà đầu tư, startup cần phải rất chú ý những yếu tố này.
Bà Hoàng Thị Kim Dung chia sẻ rằng luôn mong muốn đầu tư vào các nhà sáng lập “all-in”, hết mình vào startup của mình, nhưng đây là điều khá thách thức. "Có thể định nghĩa all-in bằng mong muốn mãnh liệt muốn hiện thực hóa ý tưởng, tầm nhìn và mục tiêu của mình để đưa startup thành công thực sự. All-in” có thể hiểu là việc các nhà sáng lập bỏ tất cả tâm huyết, sự tập trung và thời gian của mình vào chỉ một startup của mình cho tới lúc thành công. Yếu tố này thực sự rất quan trọng bởi vì startup là hành trình đầy rủi ro và thách thức, có thể gục ngã bất cứ lúc nào, đòi hỏi startup luôn cần sự tập trung tuyệt đối để tiến về phía trước”, bà Dung nêu.
Bà Dung cũng cho rằng tỷ lệ thất bại của startup cao tới mức mà dù bạn đã bỏ 99% tâm huyết của mình ra cũng chưa bảo đảm cho thành công. Do đó, nếu không dành tất cả cho startup thì cơ hội đã ít lại càng ít, thậm chí là không thể thành công.
Do vây, theo bà Dung, “all-in” có thể hiểu là mong muốn mãnh liệt muốn hiện thực hóa ý tưởng của mình để đưa startup thành công thực sự.
"Mong muốn này mãnh liệt tới mức thường trực tâm trí mọi lúc mọi nơi. Nó có thể khiến nhà sáng lập bật dậy lúc giữa đêm khi nghĩ ra lời giải cho vấn đề khó nào đó của startup mình. Nó mãnh liệt tới mức có thể khiến các nhà sáng lập sẽ hạ cái tôi của mình xuống để học hỏi, có thể khiến startup xắn tay áo, lăn xả vào điều hành, suy nghĩ cách làm tốt hơn nữa cho startup của mình. Thậm chí, nhà sáng lập có thể hy sinh quyền lợi, trao quyền cho người “all-in” hơn để thành công thực sự”, bà Dung nêu.