Aa

Khi Chính phủ “nói không” với động thổ, khởi công

Thứ Ba, 16/04/2019 - 15:00

Việc cắt giảm 100% trong thời hạn ấn định là 2019 được đặt thành một mục tiêu, trong báo cáo, trước cơ quan lập pháp như lần này có thể xem là một bước tiến dài.

Cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, đến năm 2020 giảm từ 30% đến 50% số lượng xe ôtô công. Đây là mục tiêu mà Chính phủ đặt ra trong năm 2019 vừa được báo cáo trước Ủy ban TVQH.

14 năm trước, khi một dự thảo về thực hành tiết kiệm chống lãng phí được trình QH, đã có một quy định là nghiêm cấm dùng ngân sách để tổ chức khởi công, động thổ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính khi đó là ông Nguyễn Sinh Hùng đã xác nhận “tình trạng lãng phí tập trung chủ yếu trong quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, trụ sở làm việc, nhà công vụ, đầu tư xây dựng cơ bản” với những con số rất “khủng khiếp”: Đến cuối năm 2004, cả nước có 1.433 dự án thuộc nhóm B và C (tổng đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng) bị kéo dài quá thời gian quy định, gây lãng phí nghiêm trọng trong sử dụng vốn.

Nhưng cũng suốt từ đó, động thổ cứ động thổ, khởi công cứ khởi công, tung hoa cứ tung hoa và lãng phí vẫn lãng phí. Cái khác, chỉ là phần chi phí trong các báo cáo được thể hiện trong một cái gạch đầu dòng “xã hội hóa”.

Chi phí từ ngân sách nhà nước, từ tiền thuế của dân hay chi phí xã hội hóa từ tiền túi trực tiếp của doanh nghiệp, xét ra tiền nào cũng là tiền và tính đi đếm lại thì cũng vẫn là nguồn lực xã hội nói chung.

Cho nên, khi việc cắt giảm 100% trong thời hạn ấn định là 2019 được đặt thành một mục tiêu, trong báo cáo, trước cơ quan lập pháp như lần này có thể xem là một bước tiến dài.

Bước tiến, ở chỗ từ chỉ siết kinh phí, nguồn chi từ ngân sách nhà nước nay Chính phủ đã xác định cụ thể là sẽ cắt bỏ hoàn toàn, sẽ cắt giảm 100% kiểu thủ tục lãng phí này trong khu vực công.

Bước tiến, ở việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí được cụ thể hóa trong các chỉ tiêu cụ thể: Tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên 10%; Giảm tần suất và thắt chặt các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, công tác phí, chi tiếp khách, khánh tiết tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm tiết kiệm 12% so với dự toán. Hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, phấn đấu tiết kiệm 15% chi....

Nhưng thật ra nếu thật sự đầy đủ thì việc tiết kiệm không nên chỉ dừng ở khu vực công. Bởi đối với các công trình vốn ngoài NSNN thì cũng là nguồn lực xã hội, lãng phí nào cũng là lãng phí, và chẳng có lý do gì trong khi khu vực công thì đặt mục tiêu cắt giảm 100% thì những người lãnh đạo, quan chức bộ ngành vẫn tới dự các lễ động thổ khởi công vì tặc lưỡi rằng đó là kinh phí của DN.

Và việc tiết kiệm sẽ thực sự rốt ráo nếu việc Chính phủ “nói không” với động thổ khởi công được hiểu là Việt Nam sẽ không còn cái gọi là “động thổ, khởi công” nữa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top