Aa

Khi cổ phiếu ngân hàng “long đong” với nhân sự cấp cao

Thứ Sáu, 04/08/2017 - 14:21

Trong số cổ phiếu niêm yết trên sàn, nhóm cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là chịu tác động mạnh mẽ nhất từ phía nhân sự lãnh đạo. Dù kết quả kinh doanh khả quan, tình hình tài chính ít biến động, nhưng nhất cử nhất động của lãnh đạo cũng có thể ngay lập tức ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

STB và BID gặp hạn: "kẻ khóc, người cười"

Trong số 4 ngân hàng liên quan đến vụ án Trầm Bê, có Sacombank (STB) và BIDV (BID) đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Riêng TPBank dự kiến niêm yết trong năm nay.

Những ngày qua, với luồng thông tin bất lợi, giá cổ phiếu STB và BID có diễn biến khá trái chiều. Trong khi STB giảm hơn 6% trong 3 phiên từ ngày 1 – 3/8 (từ mức 13.100 đồng/cổ phiếu xuống 12.300 đồng/cổ phiếu) thì BID chỉ chững lại trong phiên ngày 1/8 và liên tiếp tăng trong hai phiên tiếp theo. Chốt phiên ngày 3/8, cổ phiếu BID tăng lên 22.900 đồng/cổ phiếu, tăng 3% so với mức 22.300 đồng/cổ phiếu ngày 31/7.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (mã BID) là một trong những ngân hàng lớn trong hệ thống với tổng tài sản tính đến ngày 31/6/2017 đạt trên 1.100.433 tỷ, tăng trưởng 9,3% so với đầu năm; tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.024.008 tỷ; chất lượng tín dụng được kiểm soát với tỷ lệ nợ xấu 1,9%. Tổng nguồn vốn huy động đạt 1.026.269 tỷ, trong đó tiền gửi của khách hàng tính đến 30/06/2017 đạt trên 811.512 tỷ, tăng trưởng 11,8% so với đầu năm.

Trong nửa đầu năm, lợi nhuận của BIDV tăng khá mạnh cũng là lý do khiến giá cổ phiếu BID vẫn tăng nóng dù có thông tin ngân hàng này liên quan đến vụ án Trầm Bê. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm riêng ngân hàng đạt 4.050 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 54% so với kế hoạch năm 2017, trong đó lợi nhuận trước thuế quý II đạt 1.993 tỷ, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, về việc liên quan đến ông Trầm Bê, phần lớn thông tin cho rằng BIDV sẽ không bị ảnh hưởng nhiều khi nhân sự cũng như số tiền thiệt hại nằm tại cấp chi nhánh.

Sacombank là ngân hàng đầu tiên lên tiếng về việc không còn “dính dáng” đến vụ án Trầm Bê và công bố sớm kết quả kinh doanh 7 tháng khả quan. Tính đến ngày 31/7/2017, tổng huy động đạt 326.633 tỷ đồng, tăng gần 8% so với đầu năm; cho vay đạt 218.572 tỷ đồng, tăng 12,2% so với đầu năm; dịch vụ tăng 28% so với cùng kỳ. Lợi nhuận lũy kế 7 tháng đầu năm đạt 586 tỷ đồng (lợi nhuận hợp nhất là 753 tỷ đồng), đạt 129% kế hoạch.

Tuy nhiên, cổ phiếu STB lại giảm liên tiếp trong 3 phiên. Đặc biệt, khi thị trường có thông tin ông Trầm Bê đang nợ Sacombank 43.000 tỷ đồng. Cho dù số nợ trên được lãnh đạo Sacombank hiện tại khẳng định rằng đã có tài sản đảm bảo, nhưng các nhà đầu tư có vẻ vẫn sẽ phản ứng thận trọng.

Cổ phiếu ngân hàng: Còn cơ hội tăng giá nhưng nội tại phức tạp

Nhìn tổng thể ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm, có thể thấy các cổ phiếu đã có sự bứt phá ngoạn mục với mức tăng giá hàng chục thậm chí hàng trăm phần trăm. Có thể kể đến như cổ phiếu ACB của Ngân hàng Á Châu đạt hơn 26.000 đồng – mức cao nhất trong nhiều năm gần đây, cổ phiếu BID vượt 22.000 đồng. STB, EIB cũng tăng lần lượt 36,5% và 57% so với đầu năm.

Sóng cổ phiếu ngân hàng được hỗ trợ bởi hàng loạt yếu tố như việc giải quyết nợ xấu, kết quả kinh doanh nửa năm, bên cạnh đó là thông tin sẽ có thêm nhiều ngân hàng lên sàn. 

Các ngân hàng đang nhận được nhiều kỳ vọng vào hoạt động kinh doanh và lợi nhuận. Đa phần các ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý II/2017 đều có chỉ tiêu kinh doanh khả quan. Doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng thường trên 20%. Ngoài ra, việc gia nhập của các ngân hàng mới chuẩn bị niêm yết. Những ngân hàng sắp lên sàn chứng khoán được kỳ vọng sẽ tạo cú kích cho nhóm ngân hàng như VPBank, LienVietPostBank, TPBank, Techcombank, OCB....

Chưa kể, xử lý nợ xấu thời gian tới sẽ không còn là câu chuyện trên giấy mà sẽ là những hành động thực tế. Chỉ thị 32/CT-TTg của Thủ tướng ngày 19/7 đã yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ TN& MT cùng NHNN phải đảm bảo tính thực hiện và hoàn thiện hệ thống pháp luật để sẵn sàng cho Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu chính thức có hiệu lực từ 15/8. Nếu như việc xử lý nợ xấu trước đây qua VAMC chậm và chi phí cao thì với cơ chế đặc biệt của Nghị quyết, thu hồi nợ xấu sẽ rẻ và nhanh hơn. Nghị quyết này sẽ giúp các ngân hàng có nhiều lựa chọn hơn đối với vấn đề xử lý tài sản bảo đảm như bán tài sản đó theo giá thị trường (có thể thấp hơn giá trị sổ sách).

Đó là những lý do mà khi đánh giá về triển vọng cổ phiếu ngành ngân hàng, nhiều công ty chứng khoán cũng khuyến nghị nhà đầu tư mua vào các mã cổ phiếu ngân hàng, kể cả mã cổ phiếu của các ngân hàng đang tái cơ cấu.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế nhiều chuyên gia kinh tế đang tỏ ra lo ngại rằng, triển vọng tăng trưởng của ngành ngân hàng vẫn còn khó khăn và chưa có nhiều đột phá trong ngắn hạn. Nhiều ngân hàng đã lấy lại được nhịp độ tăng trưởng, song xu hướng này chưa bền vững, nhất là khi khối nợ xấu vẫn chưa có nhiều cải biến.

Chưa kể đến, nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu tác động từ một yếu tố đặc biệt từ phía nhân sự cấp cao. Trong nhóm ngành cổ phiếu niêm yết trên sàn, cổ phiếu ngân hàng có lẽ chịu tác động mạnh mẽ nhất từ phía nhân sự. Các chuyên gia cũng hài hước nhận xét rằng, cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa hết phận đa đoan dù đã có tín hiệu tích cực suốt nửa năm qua. Nguyên nhân bởi yếu tố đặc biệt tác động từ phía nhân sự lại chính là yếu tố phức tạp và khó hiểu nhất. Thêm vào đó, tình hình tài chính của các ngân hàng vẫn luôn là mối bận tâm lớn đối với các nhà đầu tư.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) cho biết đang thụ lý điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TPBank, Sacombank, BIDV và Ngân hàng Xây dựng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với 25 đối tượng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự và ra lệnh bắt tạm giam đối với 16 bị can.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top