Khi địa phương ồ ạt đấu giá đất: Bài học hệ lụy nhìn từ Bắc Ninh
Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam những năm trở lại đây đều đưa Bắc Ninh trở thành điểm sáng trên thị trường với lượng giao dịch cung, cầu gia tăng mạnh mẽ. Cơn sóng sôi động của hoạt động giao dịch cung - cầu và giá cả leo thang đã đưa Bắc Ninh trở thành cái tên được các nhà đầu tư tìm đến.
Song, Bắc Ninh không chỉ nổi tiếng với sự nhộn nhịp của thị trường bất động sản mà còn gây ấn tượng bởi nhiều dự án bất động sản “bán lúa non”. Hiện tượng này dường như đã trở thành “đặc sản” của thị trường bất động sản Bắc Ninh khi nhiều năm trở lại đây, lượng doanh nghiệp bán lúa non diễn ra ồ ạt.
Khảo sát của PV Reatimes cho thấy, trung bình khoảng 3 dự án phân lô bán nền có tới 2 dự án đã từng huy động vốn trước khi có đầy đủ giấy tờ pháp lý.
Điển hình như dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở xã Đại Đồng của Công ty TNHH Trường Phát Từ Sơn là đơn vị trúng đấu giá. Tuy dự án mới giao đất, mặt bằng để thực hiện việc san lấp, các công trình, cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng, nhưng trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều nội dung mời chào cũng tư vấn thực hiện việc giao dịch, mua bán một cách ngang nhiên với 235 lô đất.
Hay như dự án nằm trong lõi KCN VSIP, thông tin quảng cáo rao bán nêu rõ: Đất nền sổ đỏ, đầu tư sinh lời. Mức giá giao dịch từ 20 - 25 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng vẫn chưa có, chỉ là một bãi đất trống hoang hoá.
Còn tại Dự án Khu nhà ở xã hội Đại Đồng (huyện Tiên Du, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) do Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng và Sản xuất Huy Hoàng trúng đấu giá, có diện tích 7,5ha. Dự án được quy hoạch thành 291 lô, chủ yếu xây biệt thự. Dự án được nhiều website giới thiệu có vị trí địa lý đắc địa, gần trung tâm KCN VSIP và KCN Đại Đồng.
Thông tin trên website cũng nhấn mạnh: “Đây là thời điểm vàng để đầu tư bất động sản. Dự án bên cạnh khu dân cư, gần bệnh viện, gần trường học, gần chợ, gần cây xăng, tiện ích liên hoàn. Khách hàng được cấp sổ đỏ vĩnh viễn liền tay 100% ngay sau khi ký kết hợp đồng. Nhận đất có thể xây nhà ngay, xây tự do”.
Ngoài ra, dự án Khu nhà ở thuộc thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn cũng rơi vào tình trạng “bán lúa lon”. Được biết, Công ty CP Kinh Bắc STAR (địa chỉ tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) là đơn vị trúng đấu giá quyền sử dụng đất Dự án Khu nhà ở thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du. Giá trúng đấu giá của Kinh Bắc STAR là 109,606 tỷ đồng.
Dự án Khu nhà ở thôn Liên Ấp có tổng diện tích 68.886,8m2, trong đó diện tích Kinh Bắc STAR trúng đấu giá quyền sử dụng đất là 23.503,3m2. Diện tích đất trúng đấu giá được chia làm 219 lô đất ở, tọa lạc tại vị trí 1,2 đường Tỉnh lộ 287, đoạn từ Tỉnh lộ 276 đến Quốc lộ 38, huyện Tiên Du.
Công ty CP Kinh Bắc STAR được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện Dự án Khu nhà ở thôn Liên Ấp trong thời hạn 50 năm kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Phần hạ tầng kỹ thuật của dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 68.886m2, gồm các hạng mục đường giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, vườn hoa, cây xanh... Tuy nhiên, dù hạ tầng chưa có nhưng dự án này cũng đã được rao bán.
Chồng tiền mua đất phân lô, bất chấp dự án chưa đủ điều kiện mở bán.
Các dự án “bán lúa non” tại Bắc Ninh đều có điểm chung: Một là chưa đủ điều kiện pháp lý nhưng đã mở bán, tức là dự án chỉ cần có quyết định trúng đấu giá, chủ đầu tư đã tiến hành quảng cáo, phân lô bán nền. Hai là tình trạng bán đất nền khi dự án mới san lấp mặt bằng, chưa xây dựng cơ sở hạ tầng, ngổn ngang công trường máy móc, bê tông, lều bạt…Đặc biệt, một số dự án còn chưa được chính quyền bàn giao đất chính thức nhưng doanh nghiệp đã huy động góp vốn sớm từ khách hàng.
Khi được hỏi về tính pháp lý của các dự án bất động sản trên, một nhân viên môi giới tại Bắc Ninh cho hay, các dự này vẫn chưa được bàn giao đất chính thức và chưa được phép bán, nhưng đa số đã được huy động góp vốn trước. Dự án không chờ xong cơ sở hạ tầng nhưng cũng đã bán.
“Giá trung bình cho một lô đất dao động từ 17 - 23 triệu đồng/m2, đắt nhất là trên 26 triệu đồng/m2. Nhiều dự án yêu cầu khách hàng đóng luôn 70% tổng giá trị thanh toán. Như dự án tại thôn Dương Húc hiện đã bán hết và giờ chỉ có hoạt động mua đi bán lại”. Vị môi giới này cũng tiết lộ thêm: “Khu đất này xây dựng tự do, không theo quy hoạch. Đơn vị đầu tư chỉ bán đất, không bán nhà nên không nhất thiết phải xây dựng cơ sở hạ tầng trước. Nếu đầu tư ở Bắc Ninh, mua đất nền là tốt nhất. Các dự án đấu giá này chủ yếu là người nhà của “sếp”, chỗ ngon mới làm. Chỉ có vài doanh nghiệp đấu giá với nhau thôi”.
Thực tế, tình trạng “bán lúa non” tại thị trường Bắc Ninh đã được nhiều cơ quan báo chí phản ánh và ghi nhận. Sự bát nháo và thiếu minh bạch trong huy động góp vốn khi dự án chưa đủ điều kiện xuất hiện khá phổ biến.
Liên quan đến những sai phạm của các dự án trên địa bàn, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã liên tục rà soát và báo cáo, xử lý về vấn đề này.
Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh có Công văn số 2182/SXD-QLN về việc báo cáo tình hình thực hiện và hoạt động kinh doanh bất động sản tại các dự án xã Đại Đồng, huyện Tiên Du.
Sau khi kiểm tra, rà soát, Sở Xây dựng Bắc Ninh nhận thấy các dự án khu nhà nêu trên chưa đủ điều kiện được huy động vốn, kinh doanh bất động sản theo quy định. Do đó, nhằm tăng cường công tác quản lý, tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của khách hàng, Sở Xây dựng đề nghị UBND huyện Tiên Du, Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng và sản xuất Huy Hoàng và Công ty TNHH Trường Phát Từ Sơn thực hiện một số nội dung liên quan đến dự án bất động sản tại xã Đại Đồng.
Đối với UBND huyện Tiên Du, Sở Xây dựng Bắc Ninh đề nghị kiểm tra tình hình thực đầu tư xây dựng, quy hoạch chi tiết, thiết kế, dự án đầu tư; nghĩa vụ tài chính, thủ tục đất đai; trật tự xây dựng theo quy định. Rà soát, kiểm tra điều kiện kinh doanh bất động sản của dự án; điều kiện kinh doanh bất động sản với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản; các sàn giao dịch bất động sản tham gia hoạt động tại dự án theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.
Sở Xây dựng Bắc Ninh cũng đã khuyến cáo các tổ chức, cá nhân, người dân có nhu cầu mua nhà ở cần tham khảo đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan, tìm hiểu kỹ các thông tin về dự án; yêu cầu chủ đầu tư, sàn môi giới, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới cung các thông tin, hồ sơ pháp lý liên quan đến bất động sản, chỉ thực hiện giao dịch bất động sản khi đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo Luật Kinh doanh bất động sản.
Đặc biệt, Sở Xây dựng Bắc Ninh yêu cầu Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng và sản xuất Huy Hoàng và Công ty TNHH Trường Phát Từ Sơn: Dừng việc rao bán, quảng cáo và hoạt động giao dịch, ký kết các hợp đồng góp vốn, kinh doanh bất động sản trái với quy định của pháp luật (nếu có); không được ủy quyền cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh hoặc góp vốn thực hiện ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản. Các hợp mua bán nhà ở, kinh doanh bất động sản trái với quy định sẽ không được công nhận và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Hoàn toàn chịu trách nhiệm về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, sự tuân thủ pháp luật của dự án về đất đai, xây dựng quy hoạch, nhà ở, kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật liên quan. Báo cáo về tình hình thực hiện, tiến độ triển khai đầu tư xây dựng, hoạt động giao dịch bất động sản của dự án và gửi về Sở trước ngày 26/10/2020.
Sở Xây dựng Bắc Ninh cũng nêu rõ, về việc huy động vốn, kinh doanh bất động sản và chuyển quyền sử dụng đất: Chủ đầu tư chỉ được phép huy động để đầu tư xây dựng nhà ở thông qua hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh khi đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP và phải được Sở Xây dựng thông báo đủ điều kiện được huy động vốn theo quy định.
Chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản. Việc chuyển quyền sử dụng đất cho người cho người dân tự xây nhà ở chỉ được thực hiện sau khi chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính, thủ tục đất đai, hoàn thành việc xây dựng hạ tầng thiết yếu của dự án và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đủ điều kiện theo quy định.
Trao đổi với PV Reatimes, đại diện Sở Xây dựng Bắc Ninh cho biết, chính quyền Bắc Ninh luôn sẵn sàng xử lý các vấn đề vi phạm. Khi được phản ánh thông tin về các dự án vi phạm, chính quyền đã liên tục có cảnh báo người dân và xử phạt. Dù thực tế, đến nay, khảo sát trên thị trường cho thấy, tình trạng bát nháo phân lô, bán nền đã diễn ra khi dự án chưa đủ điều kiện cho bán.
Điển hình dự án xã Đại Đồng, huyện Tiên Du Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng và sản xuất Huy Hoàng trúng đấu giá. Liên quan đến dự án này chưa đủ điều kiện mở bán nhưng đã quảng cáo và thực hiện giao dịch mua - bán với khách hàng, Sở Xây dựng Bắc Ninh ra văn bản chỉ đạo huyện Tiên Du báo cáo thực trạng, xong đến nay vẫn chưa phản hồi lại Sở về những tồn tại trên địa bàn.
Trao đổi với phóng viên, đại diện huyện khẳng định: Không có hiện tượng “bán lúa non” xảy ra. Nhưng Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng và sản xuất Huy Hoàng lại thẳng thắn cho rằng: “Chúng tôi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, hạ tầng làm được 80% rồi, chẳng có gì sai khi bán sản phẩm”. Điều này cho thấy sự mâu thuẫn trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng? Rõ ràng, dự án đã bán nhưng trách nhiệm chính quyền huyện Tiên Du trong kiểm tra, giám sát, báo cáo kịp thời vẫn còn bỏ ngỏ?
Không thể phủ nhận được việc Sở Xây dựng Bắc Ninh liên tục có chỉ đạo kịp thời trước phản ánh về tình trạng sai phạm của các dự án bất động sản. Tuy nhiên, thực tế, nhiều doanh nghiệp đã xử lý nhưng vẫn ngang nhiên thực hiện.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở Xây dựng Bắc Ninh cho rằng, những quy định về xử lý các dự án vi phạm căn cứ theo quy định của pháp luật vẫn chưa đủ sức răn đe nên dẫn tới tình trạng nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm chỉnh.
Trong nhận định về sự sôi động của thị trường bất động sản Bắc Ninh, báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam ghi rõ, đó là do chính sách thu hút nhà đầu tư tham gia vào các dự án bất động sản. Cuộc chơi của các nhà phát triển dự án đã tạo ra một nguồn cung sản phẩm địa ốc dồi dào, tạo sức hút lớn với các nhà đầu tư thứ cấp.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã từng cho rằng, chính sách trải thảm đỏ thu hút nhà đầu tư bằng hình thức đấu giá đất và quy định nới lỏng cho phân lô bán nền dự án đã khiến thị trường bất động sản địa phương trở nên sôi động.
Một chuyên gia kinh tế còn thẳng thắn cho biết, nhiều địa phương gia tăng ngân sách Nhà nước cũng như tăng thu nhập ngoài bằng cách liên tục mở ra các cuộc đấu giá đất. Chính việc tạo ra các dự án bất động sản, thu hút quá nhiều doanh nghiệp đã dẫn tới câu chuyện vì muốn nhanh chóng bù đắp chi phí đã bỏ ra và tối đa lợi nhuận, doanh nghiệp mới bán lúa non.
Nhìn từ Bắc Ninh, những con số về lượng quỹ đất đem đấu giá trong những năm qua đều gia tăng đến 2 con số.
Chỉ tính riêng vào trong năm 2020, kể từ tháng 3 đến nay, hàng loạt các dự án bất động sản đã được chính quyền tỉnh công bố tìm nhà đầu tư và tiến hành phê duyệt dự án.
Tháng 3/2020, tỉnh Bắc Ninh trình Thủ tướng phê duyệt khu vực phát triển đô thị Khu đô thị, du lịch, sinh thái, văn hoá, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí trên địa bàn huyện Tiên Du và thị xã Từ Sơn.
Theo tờ trình này, dự án thuộc địa bàn các xã Tương Giang, xã Tam Sơn - TX. Từ Sơn và thị trấn Lim, xã Nội Duệ, xã Phú Lâm - Huyện Tiên Du. Quy mô khu vực phát triển đô thị khoảng 1.687ha, trong đó khoảng 1.445ha để phát triển khu đô thị mới; 242ha đất làng xóm cũ, đất dự trữ phát triển dân cư địa phương, đất trồng cây cảnh…
Dự kiến tổng kinh phí đầu tư dự án khoảng 126.008 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cho khu vực phát triển đô thị mới là hơn 122.000 tỷ đồng; vốn đầu tư cải tạo, chỉnh trang làng xóm cũ, phát triển dân cư địa phương là 3.843 tỷ đồng.
Tiếp đó, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục ra văn bản tìm nhà đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng Khu thương mại dịch vụ tại phường Hòa Long, TP. Bắc Ninh. Theo quyết định này, TP. Bắc Ninh chịu trách nhiệm tổ chức mời thầu, thời gian lựa chọn nhà đầu tư bắt đầu từ tháng 2/2020.
Dự án có quy mô sử dụng đất là 0,74ha với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện dự án là 297 tỷ đồng; chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng là 3 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 3/2020, thị trường bất động sản Bắc Ninh tiếp tục có thêm thông tin về việc duyệt nhiệm vụ Quy hoạch 1/500 khu đô thị (phân khu A1) thuộc khu đô thị mới TP. Bắc Ninh. Khu vực lập quy hoạch thuộc phường Hoà Long và phường Vũ Ninh. Quy mô dân số dự kiến là 14.000 người, tổng diện tích lập quy hoạch là 98,8ha. Mục tiêu của đồ án là quy hoạch khu đô thị đảm bảo tiêu chí hiện đại, sinh thái và thông minh, có bố trí các công trình kiến trúc cao tầng ở trên trục đường H, tạo điểm nhấn về không gian kiến trúc cảnh quan cho đô thị, phục vụ cho nhu cầu của nhân dân.
Hay mới đây, trong tháng 7/2020, Công ty Cổ phần Vinfa đã tài trợ lập quy hoạch 1/500 dự án khu đô thị Tây Bắc, TP. Bắc Ninh với quy mô 360ha.
Sau đó, đến tháng 8/2020, UBND tỉnh Bắc Ninh công bố phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Chợ - Trung tâm thương mại tại xã Yên Trung, huyện Yên Phong với tổng diện tích gần 10ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.026 tỷ đồng. Nhà đầu tư trúng thầu là Công ty Cổ phần Hateco Hà Nội.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết đã chọn xong nhà đầu tư cho dự án Tổ hợp dịch vụ thương mại kết hợp nhà ở để bán tại phường Khúc Xuyên, TP. Bắc Ninh. Dự án sẽ do Liên danh VIF - Tân Phát làm chủ đầu tư với mức vốn hơn 370 tỷ đồng, diện tích diện tích 0,88ha.
Gần đây nhất, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch chi tiết Khu đô thị tại TP. Bắc Ninh và huyện Quế Võ (thuộc ranh giới đồ án quy hoạch phân khu khu đô thị Đông Nam TP. Bắc Ninh). Phạm vi nghiên cứu thuộc địa phận phường Vũ Ninh, xã Kim Chân, TP. Bắc Ninh và xã Phương Liễu, xã Đại Xuân, huyện Quế Võ với tổng diện tích nghiên cứu khoảng 500ha, dự kiến dân số khoảng 30.000 người.
Riêng tại huyện Tiên Du, ngay từ đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã cùng lúc phê duyệt 3 dự án xây dựng khu nhà ở tại địa phương này. Cụ thể, tỉnh Bắc Ninh quyết định giao 59.935,5m2 đất đã thực hiện xong bồi thường, giải phóng mặt bằng tại xã Đại Đồng cho UBND huyện Tiên Du. Diện tích này gồm 49.829,8m2 đất trồng lúa; 461,5m2 đất bằng trồng cây hàng năm khác; 28,lm2 đất nuôi trồng thủy sản; 51,2m2 đất nông nghiệp khác; 5.659,6m2 đất giao thông; 3.905,3m2 đất thủy lợi.
Ngoài ra, tại quyết định này, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng giao UBND xã Đại Đồng quản lý 1.581,9m2 đất nông nghiệp khó canh tác đã thu hồi, bồi thường tại vị trí của Dự án.
Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã Lạc Vệ do Công ty TNHH Sơn Long Vina làm chủ đầu tư. Diện tích sử dụng đất là khoảng 5,5ha. Thời gian thực hiện đối với phần hạ tầng kỹ thuật là từ năm 2020 đến 2022; phần công trình nhà ở từ 2022 đến 2025. Khu nhà ở xã Lạc Vệ có tổng mức đầu tư phần hạ tầng kỹ thuật là 48,085 tỷ đồng.
Như vậy, dù chưa hết năm 2020, nhưng có tới 12 dự án được phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch, tìm nhà đầu tư, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư… đã diễn ra tại Bắc Ninh.
Chỉ tính riêng năm 2019, TP. Bắc Ninh tổ chức đấu giá 11 dự án đấu giá quyền sử dụng đất với tổng kinh phí gần 285 tỷ đồng. Trong đó, đấu giá 8 dự án chia lô với tổng số lô thông báo đấu giá 288 lô; số lô trúng đấu giá 163 lô với tổng diện tích 17.307,6m2, kinh phí 206,246 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai 49 dự án đất dân cư dịch vụ (8 dự án có văn bản khảo sát địa điểm nhưng chưa có Quyết định giao đất của UBND tỉnh và 41 dự án đã có Quyết định thu hồi đất và giao đất của UBND tỉnh) trên địa bàn 10 phường với 10.700 lô đất ở theo quy hoạch.
Nhìn vào những số dự án đấu giá quyền sử dụng đất của Bắc Ninh mới thấy, đây là một trong những địa phương “năng động” trong “chiêu mộ” các nhà đầu tư phát triển bất động sản và thu hút nguồn tiền từ đấu giá đất vào ngân sách Nhà nước.
Lãnh đạo một đơn vị môi giới tại Bắc Ninh từng chia sẻ rằng: “Thị trường bất động sản Bắc Ninh đã bão hòa sau một thời gian sốt nóng. Một thời các dự án đã mọc lên như nấm vì chính quyền khoanh đất, đấu giá liên tục. Nhưng đáng tiếc, đa phần dự án đều phát triển “nóng”, phân lô bán nền tràn lan khiến thị trường Bắc Ninh phát triển không minh bạch, không còn hấp dẫn với nhà đầu tư như trước”.
Không thể phủ nhận rằng, Bắc Ninh đã ghi nhận giai đoạn thị trường bất động sản phát triển đầy sôi động với nguồn cung ứng sản phẩm đa dạng. Thế nhưng, rõ ràng, đi kèm với đó là hệ lụy đáng tiếc từ các dự án đa phần phân lô bán nền, chưa xây dựng cơ sở hạ tầng đã huy động góp vốn.
Bức tranh của những dự án bỏ hoang, đất nền bỏ trống từ hơn 1 thập kỷ tại nhiều đô thị lớn như ở Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương… vẫn còn là bài học chưa hết nóng. Thì giờ đây, nhiều chuyên gia đã phải lên tiếng vì vết xe đổ đang lặp lại tại thị trường Bắc Ninh.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, khi bàn về câu chuyện phát triển đô thị thông minh, đại diện Sở Xây dựng Bắc Ninh cho rằng, TP. Bắc Ninh đã hết quỹ đất và khó có thể triển khai đô thị thông minh, bởi trước đây, nhiều dự án được đấu giá thu hút tràn lan nhà đầu tư dẫn tới sự phát triển manh mún, chắp vá. Và hiện tại, rút kinh nghiệm từ bài học trước, phát triển thành phố thông minh, Bắc Ninh đang thực hiện quy hoạch các quỹ đất lớn, đủ để thực hiện mô hình đô thị mới.
Ở góc độ về quy hoạch, KTS.TS Trương Văn Quảng đã nhiều lần tỏ ra tiếc nuối về tình trạng phát triển nóng, ồ ạt của các dự án bất động sản tại các tình vùng ven. Vị chuyên gia quy hoạch thẳng thắn chỉ ra rằng, chính tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm mà nhiều chính quyền liên tục đấu giá đất, trải thảm đỏ thu hút nhà đầu tư, không căn cứ dựa trên định hướng phát triển của tỉnh, nhu cầu của người dân. Hệ lụy của nó chính là những khu đô thị bỏ hoang, sự lãng phí rất lớn về tài nguyên.
“Thật xót xa khi nhìn những khu đô thị không một bóng người, bỏ hoang! Thật xót xa khi nguồn tài nguyên đất đai bị lãng phí! Chạy theo tăng trưởng nóng để đáp ứng tầm nhìn “nhiệm kỳ” sẽ không thể tạo ra sự phát triển bền vững mà chỉ sinh ra bản quy hoạch lộn xộn và sự dư thừa các dự án. Trong khi đó, tài nguyên thiên nhiên khi đã khai thác và sử dụng sẽ không thể tái tạo được. Chúng ta đang chỉ biết “tiêu”, lãng phí đất đai mà không biết giữ gìn cho con cháu sau này”, TS. KTS Trương Văn Quảng nói.
Bắc Ninh đang trong lộ trình tiến tới đô thị loại I trực thuộc TW. Bắc Ninh đã xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch phát triển nhà và đô thị cùng với các cơ chế chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính trong đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị, đặc biệt là đô thị thông minh.
Thế nhưng, nhìn vào thực tại, khi quỹ đất đã được rao đấu giá nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn thì nhiều lo ngại đặt ra, nếu Bắc Ninh tiếp tục phân bổ nguồn lực đất đai một cách thiếu bền vững như hiện tại, khi trở thành thành phố trực thuộc TW, liệu có còn nguồn lực để phát triển đô thị?