Aa

Khi “giang hồ” đi giải phóng mặt bằng hộ và chủ đầu tư nói không liên quan

Thứ Hai, 05/03/2018 - 21:10

Ngày 27/2, tại khu vực xây dựng dự án Khu liên hợp Nhà ở - Văn phòng – Thương mại Tản Đà – Hàm Tử (Charmington Plaza), toạ lạc ngay giao lộ Võ Văn Kiệt – Tản Đà, phường 10, quận 5, TP.HCM, chỉ vì không đồng ý mức bồi thường giải phóng mặt bằng dự án mà nhiều hộ dân bị “giang hồ” vây đánh.

Giải phóng mặt bằng nhờ vũ lực

Dù câu chuyện này diễn ra đã gần một tuần nhưng tới nay, những thương tích trên cơ thể nhiều người dân bị đánh vẫn còn. Ông Nguyễn Tấn Phong (sinh năm 1969), một trong số những người bị đánh kể rằng, ông cùng người thân trong gia đình hiện cư ngụ tại số nhà 740 Hàm Tử, phường 10, quận 5. Khu vực này nằm trong diện giải toả để xây dựng dự án Charmington Plaza.

Người dân bị “giang hồ” đánh để giải phóng mặt băng dự án.

Người dân bị “giang hồ” đánh để giải phóng mặt băng dự án.

Để có đất triển khai dự án, Công ty Hùng Anh Năm - chủ đầu tư dự án đã thương lượng bồi thường cho nhiều hộ dân có đất thuộc khu vực dự án. Tuy nhiên, một số hộ không đồng ý di dời vì cho rằng, mức giá đền bù chưa thoả đáng.

Theo ông Phong, khu vực gia đình ông sinh sống là những căn nhà, chung cư liên kề được xây dựng từ lâu nên phần nào xuống cấp. Các hộ dân còn trụ lại muốn khi nào chủ đầu tư giải quyết dứt điểm thì mới được phá dỡ nhà của họ.

Ông Phong cho hay, sau nhiều lần Công ty Hùng Anh Năm thương lượng với các hộ dân không thành, sáng 27/2 có khoảng 30 thanh niên lạ mặt, người đầy xăm trổ xuất hiện tại con hẻm đường Tản Đà, phường 10, quận 5.

Những người này đến yêu cầu một hộ dân cho phép phá dỡ căn hộ ở lầu 1, nhà tập thể số 3, đường Tản Đà mà theo họ, Công ty Hùng Anh Năm đã thoả thuận đền bù xong. Hộ dân ở tầng trệt của nhà tập thể không đồng ý vì cho rằng, việc phá dỡ sẽ gây nguy hiểm đến kết cấu căn nhà, ảnh hưởng tính mạng của gia đình.

Nhóm người này cũng yêu cầu các hộ dân sống tại tầng trệt một số căn nhà gần đó cho phá dỡ căn hộ phía trên. Người dân phản ứng vì cho rằng, toà nhà có kết cấu chung tường, phá dỡ sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản các hộ chưa thoả thuận đền bù xong. Sau đó, xô xát giữa nhóm thanh niên lạ mặt với người dân đã xảy ra. Hậu quả một số người dân bị đánh thương tích, phải nhập viện cấp cứu.

“Tôi bị đánh thương tích nặng ở đầu, phải khâu 28 mũi, gãy tay phải, còn hai người khác cũng bị hành hung dã man. Công an phường không có mặt kịp thời, phải đến khi Cảnh sát 113 xuất hiện thì tình hình mới được kiểm soát”, ông Phong bức xúc nói.

Chủ đầu tư nói không liên can? 

Không chỉ ông Phong mà còn nhiều người dân khác cũng bị vây đánh tới chảy máu đầu, phía công an quận thì trả lời báo chí đang tìm hiểu thông tin nhóm người hành hung những người dân trên để xử lý. Còn phía chủ đầu tư thì cho biết mình “vô can” trong chuyện này và không biết nhóm người hành hung dân kia.

Được biết dự án trên được Công ty Hùng Anh Năm giao cho công ty Sacomreal làm đơn vị phát triển dự án. Trước đó Công ty Sacomreal đã thay đổi tên doanh nghiệp thành TT Land và thông báo rộng rãi trên trang wed của mình và báo chí.

Đại diện Hùng Anh Năm thông tin, dự án Charmington Plaza được các cấp TP.HCM chấp thuận phê duyệt đầu tư dự án với quy mô 5.077m2. Công ty đã chủ động thoả thuận bồi thường, hỗ trợ, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của 52/57 trường hợp.

Trước vụ việc trên, trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Đức Phượng, đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, mọi hành vi vi phạm xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và tài sản, chỗ ở người dân đều bị xử lý theo theo quy định tùy theo mức độ và hậu quả xảy ra như: Trách nhiệm dân sự, hành chính và trách nhiệm hình sự. Ở vụ việc này, những người lạ có những hành vi xâm phạm đến sức khỏe người dân, gây mất an ninh trật tự và những người liên quan đều phải chịu trách nhiệm.

Cũng theo luật su Phượng thì người dân có quyền bảo vệ tài sản của họ, nếu là tài sản là công trình xây dựng có chung tường thì phải giải quyết về quyền sở hữu chung của 2 bên sở hữu, tuyệt đối không được bên nào tự ý thay đổi hay tác động, phá dỡ công trình mà không có sự thỏa thuận thống nhất.

Ở đây có thể sự hiểu sai về quyền sở hữu chung và cũng chưa rõ có động cơ riêng hay không trong việc cố tình đưa sự việc đã rồi, bất chấp hậu quả và có sự xâm phạm sức khỏe người dân (cứ thực hiện trước, hậu quả ra sao sẽ bồi thường) gây ra những tranh chấp và nếu một bên bất chấp thì xảy ra những xung đột và những hành vi vi phạm pháp luật.

“Hiện nay, cơ quan công an đang điều tra làm rõ sự việc về sở hữu tài sản, diễn biến sự việc, những người tham gia và xác định hậu quả vụ việc để đưa ra các hình thức xử lý theo quy định pháp luật.

Trong quá trình Cơ quan công an giải quyết vụ việc, người dân có quyền đề nghị Cơ quan công an điều tra xác định rõ những người có hành vi vi phạm là ai, có phải là người lao động (theo hợp đồng lao động) với Công ty thi công tháo dỡ, ai yêu cầu đến, đến để làm gì, làm như thế nào,… Thậm chí phải yêu cầu hợp đồng giữa Công ty tháo dỡ và bên ký hợp đồng (chủ đầu tư, nhà thầu),…để làm rõ bản chất và đầy đủ, khách quan sự việc và ý chí của các bên không chỉ căn cứ vào trình bày hoặc lời khai, ý kiến của các bên.

Dù kết quả điều tra như thế nào nhưng việc xâm phạm đến sức khỏe của người dân là hoàn toàn sai và cần được xử lý nghiêm minh những người có hành vi vi phạm và những người có liên quan”, luật sư Phượng nói.

Cũng theo ông Phượng thì với những gì xảy ra, không những không giải quyết được công việc của mỗi bên mà còn đẩy các bên càng xa nhau và mâu thuẫn thay vì sự thỏa thuận và nhượng bộ trong lợi ích. Hậu quả của không tiến hành việc tự do thương lượng sẽ dẫn đến hậu quả cho cả hai bên, người dân không yên ổn sinh sống và làm ăn, bên liên quan không thể thương lượng nên công việc sẽ kéo dài./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top