Aa

Khi lãi suất tăng, giá cổ phiếu biến động như thế nào?

Thứ Năm, 24/06/2021 - 10:30

Động lực tăng giá tốt nhất của cổ phiếu đến từ tăng trưởng của doanh nghiệp; trong đó thước đo quan trọng nhất là tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Tương quan lãi suất - lợi nhuận doanh nghiệp

Thị trường đã bắt đầu có những tín hiệu lo ngại về khả năng thay đổi lãi suất và tác động của lạm phát kỳ vọng; đặc biệt khi chính sách thay đổi 180 độ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự đoán sẽ điều chỉnh lãi suất 2 lần vào 2023, thay vì kiên định mục tiêu sẽ chỉ tính đến kế hoạch điều chỉnh vào 2024 trước đó. Đây không chỉ là câu chuyện của Mỹ mà còn là nỗi lo của nhiều nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam. Vậy biến động của lãi suất và giá cổ phiếu có sự tương đồng nhất định với nhau hay không?

Lãi suất tác động đến cổ phiếu như thế nào
Lãi suất tác động đến cổ phiếu như thế nào?

Về mặt nguyên lý, các chuyên gia cho rằng khi lãi suất rẻ hoặc đi ngang thì giá cổ phiếu tăng và ngược lại khi lãi suất tăng thì cổ phiếu giảm. Tương tự, khi lạm phát ở mức thấp đi lên trung bình và cao thì chúng ta sẽ có một giai đoạn thị trường cổ phiếu giảm. Theo logic này, ông Lê Chí Phúc - Tổng giám đốc SGI Capital cho rằng, động lực tăng giá tốt nhất của cổ phiếu đến từ tăng trưởng của doanh nghiệp. "Tăng trưởng ở đây có nhiều mức độ để đo. Một trong những thước đo quan trọng nhất là lợi nhuận, là tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi".

Tương quan trên tuy vậy vẫn bị phá vỡ khi trong trường hợp lãi suất tăng mà lợi nhuận của doanh nghiệp tiếp tục tăng trong một chu kỳ kinh tế bình thường, thì giá cổ phiếu cũng có thể điều chỉnh nhưng không có quá lâu; về cơ bản vẫn giữ được xu hướng đi lên nếu lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục đi lên và nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng.

Tất nhiên, khi lãi suất tăng thì lợi nhuận, doanh thu của doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng do chịu chi phí cao hơn, đặc biệt những doanh nghiệp sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính từ nguồn vốn vay lãi suất cao. Điều đó phản ánh rõ về mức độ tăng trưởng của doanh nghiệp không còn nữa thậm chí suy giảm, tất yếu dẫn đến đà giảm của cổ phiếu tương đối mạnh.

Điều gì tác động mạnh đến giá cổ phiếu?

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) hiện đang có khoảng 1.700 mã cổ phiếu đại diện cho phần lớn các ngành nghề tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đầu ngành đã niêm yết và vốn hóa của TTCK Việt Nam hiện đã đạt quy mô tương đương 95% GDP; đây là con số không nhỏ chứng minh sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam đã đến mức tương đối khá, tương đồng với nhiều thị trường mới nổi khác. Các chuyên gia cho rằng đây cũng là thuận lợi để nhà đầu tư có thể tìm hiểu nhiều câu chuyện tăng trưởng khác nhau ở các ngành nghề khác nhau trên thị trường.

Nếu tiếp tục lạc quan về sự đi lên của nền kinh tế, thì đó chính là sự lạc quan về các doanh nghiệp. Hiện, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực vô cùng đa dạng, từ các ngành nghề khác nhau và đang ở mặt bằng khá thấp trong khu vực. Các chuyên gia đánh giá rằng việc đi lên của nền kinh tế Việt Nam còn khá dài; việc tìm cơ hội tăng trưởng của doanh nghiệp không khó nhưng lại không dễ tìm được cơ hội tăng trưởng tốt nhất.

"Bức tranh đầu tư đang đa dạng và phong phú, hấp dẫn hơn giai đoạn 10 - 15 năm trước. Có thể đây cũng là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư F0 tiếp cận thị trường nhiều đến vậy. Thực sự TTCK có sức hấp dẫn rất lớn và nó đại diện cho một kênh tài sản", ông Phúc cho biết.

Hiện nay định giá của thị trường mức P/E đang ở ngưỡng 18.2 đến 18.5 lần, chuyên gia của SGI Capital cho rằng mặt bằng định giá đang ở mức trung bình. Trong lịch sử của Việt Nam thì mức P/E đã chạy từ khoảng 10 lần đến 40 lần (giai đoạn 2007), đỉnh gần nhất là khoảng 23 lần vào năm 2018. Mức trung vị của Việt Nam vào khoảng 16 - 17 lần.

Việc đánh giá mức P/E này có đắt hay không, theo SGI Capital phải nhìn dưới 2 góc độ. Thứ nhất nhìn theo nền lãi suất để so sánh. Theo đó lãi suất so sánh của Việt Nam trong 5 năm qua giảm ổn định từ mặt bằng 5 - 10%/ năm; hiện nay khoảng 5,5 - 6%/ năm. Một lãi suất nữa cũng là căn cứ để giới chuyên môn quan sát là lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) 5 - 10 năm.

"Cách đây 10 năm lãi suất TPCP rơi vào khoảng 11 - 12%, thời điểm hiện nay là 2,1%, còn trái phiếu 5 năm chỉ còn 1,1%. Nghĩa là Việt Nam đã có những chính sách điều hành vĩ mô thành công để giảm lãi suất, giảm những rủi ro chung của nền kinh tế, khiến nhà đầu tư trong nước, nước ngoài chấp nhận được mức lãi suất thấp như vậy. Đáng chú ý là nhà đầu tư nước ngoài mua ròng TPCP của Việt Nam từ đầu năm đến nay. Do vậy tôi cho rằng mức định giá P/E 18 lần của thị trường không hề đắt", ông Phúc nói.

Thứ hai, yếu tố tăng trưởng của doanh nghiệp trong 3 - 5 năm tới rất tốt, nền tảng doanh nghiệp vững vàng hơn rất nhiều trên bình diện vĩ mô Việt Nam đã kiểm soát tốt mọi thứ cân bằng.

"Trong 10 - 15 năm qua, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã trải qua 2 đợt khủng hoảng lớn mà các doanh nghiệp Việt vẫn vượt qua. Nhiều doanh nghiêp thuộc top xuất sắc đã có những bước tăng trưởng thần kỳ. Tôi nghĩ rằng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam trong 5 năm tới cũng sẽ có bước tăng trưởng tốt. Mức định giá P/E 18 lần là mức định giá hấp dẫn nếu có tầm nhìn trung, dài hạn đầy đủ", chuyên gia lạc quan cho biết./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top