Nhiều rủi ro khi mua nhà xây dựng trên đất nông nghiệp
Nhà ở xây trên đất nông nghiệp được "bao pháp lý" là loại nhà ở riêng lẻ do hộ gia đình, cá nhân xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng tại thời điểm xây dựng hoặc thời điểm xây dựng xong chưa bị chính quyền địa phương xử phạt vi phạm hành chính và được bên bán cam kết không bị phá dỡ.
Thông thường nhà ở được xây dựng trên đất nông nghiệp khi bán sẽ có giá thấp hơn nhà ở có sổ đỏ, sổ hồng. Qua đó, bên bán sẽ đánh vào tâm lý mua được nhà giá rẻ của người mua.
Bên cạnh ưu điểm như giá có thể thấp hơn và nhiều địa phương không phá dỡ nhà được xây dựng trên đất nông nghiệp do những vi phạm đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, nhà ở xây dựng trên đất nông nghiệp có thể phát sinh nhiều vấn đề cho dù bên bán cam kết nhà ở được bao pháp lý, cụ thể:
Sử dụng đất sai mục đích: Căn cứ vào Điều 6 Luật Đất đai 2013 quy định nguyên tắc sử dụng đất phải đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất. Như vậy, nhà ở chỉ được xây dựng trên đất ở (đất thổ cư), nếu xây dựng trên các loại đất khác là hành vi sử dụng đất sai mục đích.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Khi nào dòng tiền quay lại bất động sản?
Ông Phan Vi, người chuyên môi giới bất động sản tại khu vực phía Nam cho biết dù thị trường ảm đạm, nhu cầu sở hữu bất động sản phù hợp với nhu cầu ở thực, kinh doanh... vẫn luôn có. Tuy nhiên, sức cầu hiện bị ảnh hưởng chung do tâm lý thị trường.
Do đó, nhà đầu tư hiện vẫn quan tâm đầu tư bất động sản nhưng dòng tiền của họ biến động vào các kênh khác nhau như chứng khoán, bitcoin, ngân hàng... "Thậm chí, có những khách đã sắp chốt nhà, nhưng lại thua chứng khoán, vì thế giao dịch chưa diễn ra", ông nói.
Thực tế, theo báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), chỉ tính trong năm 2022, tổng lượng tiền gửi của các tổ chức và cá nhân vào hệ thống ngân hàng tăng thêm gần 900.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, lượng tiền gửi trong quý IV/2022 - thời điểm thị trường bất động sản biến động, chiếm tỷ trọng tới 46% trong cả năm.
Chính vì vậy, TS. Phạm Anh Khôi, Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (FERI), thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường VARS, cho rằng quý III/2023 sẽ là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Những khu vực đang có bất động sản "hấp hối" nhiều nhất vùng ven TP.HCM
Giá giảm sâu từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/sản phẩm đang xuất hiện nhiều tại các khu vực quận 9, huyện Củ Chi, Hóc Môn (TP.HCM); Định Quán, Nhơn Trạch (Đồng Nai)…
Mức độ giảm giá bất động sản tại thị trường quận 9 (cũ, nay là TP. Thủ Đức, TP.HCM) tăng dần từ thời điểm sau Tết nguyên đán đến nay. Cùng với đó, sản phẩm nhà đầu tư gửi môi giới bán ngộp liên tục tăng. Không chỉ đất nền, loại hình nhà riêng lẻ, nhà phố trong khu đô thị cũng ghi nhận sự giảm giá đáng kể.
Thời điểm này, các phường: Long Trường, Phú Hữu, Long Phước, Trường Thạnh là các khu vực xuất hiện hàng ngộp nhiều nhất tại quận 9. Gần đây, các thông tin rao bán ngộp, giảm giá từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/sản phẩm xuất hiện ngày càng nhiều tại các khu vực này.
Rất nhiều nguồn hàng ngộp sâu đang rao bán tại quận 9 như: "Giảm sập sàn 700 triệu đồng trong 5 ngày", "Chủ gửi hạ 500 triệu đồng còn 2,4 tỷ đồng, 2 tuần không bán được chủ ngưng", "Nhà 12,5 tỷ đồng giảm giá bán nhanh còn 10,8 tỷ đồng, hiện đang cho thuê 35 triệu/tháng".
Theo tìm hiểu, một số bất động sản tại khu vực này thuộc nguồn hàng "hấp hối" do chủ kẹt tài chính và muốn ra hàng ngay. Một số trường hợp vỡ nợ do làm ăn hoặc ôm nhiều khoản vay ngân hàng đến kỳ đáo hạn hoặc trả lãi nên liên tục cắt lỗ sâu nhằm ra được hàng.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Doanh nghiệp chỉ ra nguyên nhân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng rơi vào tình trạng “ế ẩm”
Nhiều doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội chia sẻ, việc không tiếp cận được gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là vì dự án cũ không được vay còn dự án mới chưa xong thủ tục.
Hồi tháng 3 năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thống nhất với 4 ngân hàng thương mại gồm Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank cam kết bố trí gói tín dụng 120.000 tỷ đồng ưu đãi cho phân khúc nhà ở xã hội. Trong đó, mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng cho người có nhu cầu mua và doanh nghiệp vay ưu đãi với mức lãi suất thấp hơn thị trường từ 1,5 - 2%/năm.
Đến ngày 3/4, NHNN chính thức có văn bản số 2308/NHNN-TD gửi các ngân hàng nêu trên triển khai gói tín dụng này. Theo đó, thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi 3 năm đối với chủ đầu tư; 5 năm đối người mua nhà kể từ ngày giải ngân, không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu.
Nhưng lãi suất cho vay lại được áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 là 8,7%/năm đối với chủ đầu tư; 8,2%/năm đối với người mua nhà. Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 6 tháng, NHNN sẽ có thông báo tiếptheo về lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia chương trình.
Khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay do ngân hàng thương mại và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật; được xác định rõ hoặc nêu rõ cách xác định tại thỏa thuận cho vay ký kết giữa ngân hàng với khách hàng.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hà Nội sẵn sàng cho khởi công đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trước 30/6
Chiều 29/5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dụng công trình giao thông TP. Hà Nội cho biết, TP. Hà Nội đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội để khởi công xây dựng tuyến đường lớn bậc nhất này vào tháng 6 tới.
Theo Ban quản lý dự án (QLDA), đến nay kế hoạch vốn đã bố trí là 5.854,840 tỷ đồng (vốn quỹ đầu tư phát triển là 2.564,8 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2022 và năm 2023 là 3.290 tỷ đồng); trong đó, kế hoạch vốn đã bố trí cho Ban QLDA là 55 tỷ đồng (kế hoạch vốn năm 2023 là 53,255 tỷ đồng). Kế hoạch vốn đã bố trí cho các quận, huyện thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) là 5.799,84 tỷ đồng (vốn quỹ đầu tư phát triển là 2.564,8 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2023 là 3.235,04 tỷ đồng).
Tổng giá trị giải ngân đến nay là 3.971,634 tỷ đồng (vốn ứng quỹ đầu tư phát triển là 2.564,834 tỷ đồng; giải ngân vốn kế hoạch là 1.406,8 tỷ), trong đó Ban QLDA đã giải ngân 2,394 tỷ đồng; các địa phương giải ngân thực hiện GPMB là 3.969,24 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 68,437%. Bên cạnh đó, thành phố còn có kế hoạch vốn đã bố trí hàng trăm tỷ đồng cho các dự án thành phần…
Đến nay, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt Dự án thành phần 1.1; 2.1 và 3 (Dự án PPP) đã hoàn thành công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu cứu khả thi của cơ quan chuyên môn về xây dựng. Hiện nay, Ban QLDA và đơn vị tư vấn đã hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và trình Sở Giao thông Vận tải ngày 29/5/2023.