Aa

Khi những công trình di sản của châu Á trở thành bất động sản cho thuê đắt giá

Chủ Nhật, 28/11/2021 - 06:15

Những dự án biến những tòa nhà cổ thành công trình bất động sản cho thuê đắt tiền đang trở thành xu hướng tại châu Á khi các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng dồi dào của những tòa nhà in đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa.

Bảo tồn di sản là vấn đề đặt ra nhiều thách thức với nhà chức trách địa phương và các cơ quan, tổ chức bởi theo thời gian, các công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa sẽ bị hao mòn, xuống cấp, gây lãng phí tài nguyên. 

Ở châu Á, ngày càng có nhiều nhà đầu tư và công ty đóng góp nguồn lực để bảo tồn các di tích lịch sử, bằng cách tân trang, cải tạo và quy hoạch những công trình này trong các dự án bất động sản và sử dụng với mục đích thương mại, song song với việc giữ nguyên và tận dụng những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc vốn có. 

Trung tâm nghệ thuật Tai Kwun, Hong Kong, Trung Quốc

Trước đây, khoảng đầu thế kỷ XX, Tai Kwun là khu liên hợp giữa sở cảnh sát và nhà tù của Hong Kong trong thời kỳ còn là thuộc địa của Anh. Năm 2018, sau 8 năm tu sửa với chi phí khoảng 485 triệu USD, Tai Kwun mở cửa đón khách tham quan với diện mạo là trung tâm nghệ thuật và di sản đắt giá, đi kèm các dịch vụ thương mại như cửa hàng bán lẻ, quán cà phê và nhà hàng sang trọng. 

di sản, bảo tồn di sản, công trình, di tích lịch sử
Toàn bộ khung cảnh của trung tâm nghệ thuật và di sản Tai Kwun. Ảnh: Iwan Baan

Ngay từ khi ra mắt vào năm 2018, Tai Kwun đã được tạp chí Time vinh danh là một trong những điểm đến tuyệt vời của năm và được xem như “dự án cải tạo công trình kiến trúc lớn nhất của Hong Kong”. Năm 2019, trung tâm nghệ thuật và di sản Tai Kwun đã nhận được Giải thưởng Xuất sắc của UNESCO Châu Á - Thái Bình Dương về Bảo tồn Di sản văn hóa. 

di sản, bảo tồn di sản, công trình, di tích lịch sử
Tai Kwun trong buổi ra mắt truyền thông, ngày 09/05/2018. Ảnh: Nora Tam

Trong quá trình thi công, nhóm thực hiện dự án đã đặt trọng tâm vào 3 điểm: an toàn công trình, bảo tồn tính chân thực của tòa nhà cũ và tích hợp kiến trúc cũ và mới. Các kiến trúc sư và chuyên gia đã bơm bê tông lỏng vào nền móng đã được gia cố lại của tòa D - tòa nhà lâu đời và có dấu hiệu hư hỏng nặng nhất để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho người và tài sản. 

Để giữ nguyên những đặc điểm kiến trúc có tính di sản của công trình, nhóm thi công đã giữ lại toàn bộ 16 tòa nhà cổ với 3 khu vực trung tâm: sở cảnh sát trung tâm, Tòa án trung tâm và nhà tù Victoria. Kiến trúc mặt tiền sử dụng gạch nung đỏ cổ điển của thế kỷ XIX và XX cũng được duy trì để đem đến cảm giác chân thật nhất đối với một di sản văn hóa bằng những viên gạch đỏ đặc biệt được đặt làm riêng cho Tai Kwun tại Anh, trong đó thậm chí có những viên được làm bằng phương pháp thủ công hoàn toàn. 

Cùng với đó, để phát triển không gian nghệ thuật đồng thời pha trộn giữa cổ điển và hiện đại, hai tòa nhà mới cũng được xây dựng để phục vụ phòng trưng bày nghệ thuật và không gian biểu diễn. Các kiến trúc sư đã sử dụng nhôm tái chế làm vật liệu chính để thiết kế mặt tiền và trần của phòng trưng bày. Những miếng nhôm được đúc theo hình dáng rất đặc biệt với độ rỗng hợp lý, không chỉ có giá trị thẩm mỹ, mà còn thích nghi tốt với khí hậu cận nhiệt đới của Hong Kong. 

di sản, bảo tồn di sản, công trình, di tích lịch sử
Cấu trúc mặt tiền bằng nhôm độc đáo của 2 tòa nhà mới của Tai Kwun. Ảnh: Iwan Baan
di sản, bảo tồn di sản, công trình, di tích lịch sử
Không gian bên trong được dùng để phục vụ khách tham quan và xem biểu diễn nghệ thuật  Ảnh: Iwan Baan

Chi phí vận hành Tai Kwun một năm có thể lên đến 10,3 triệu USD, tuy nhiên, phần lớn chi phí này được lấy từ nguồn cung là tiền thuê mặt bằng của những người kinh doanh dịch vụ tại trung tâm nghệ thuật này. 

Sự tận dụng và sáng tạo trên những chi tiết đậm chất lịch sử văn hóa đã khiến Tai Kwun trở thành một trong những công trình cổ được trùng tu thành công nhất về cả phương diện di sản và thương mại. 

Sở cảnh sát Beach Road, Singapore 

Sở cảnh sát Beach Road của Singapore đã được công nhận là di tích lịch sử từ năm 2002 bởi Ủy ban Di sản Quốc gia. Trong khoảng những năm 70 đến 90 của thế kỷ trước, sở cảnh sát này được trưng dụng làm trụ sở chính của đội cảnh sát Trung tâm, tuy nhiên đến năm 2001, đội cảnh sát được chuyển sang trụ sở mới. 

di sản, bảo tồn di sản, công trình, di tích lịch sử
Sở cảnh sát Beach Road cũ. Ảnh: Dave Lim/The Straight Times

Năm 2017, Ủy ban Tái phát triển đô thị (URA) đã quyết định đấu thầu thương mại sở cảnh sát Beach Road với giá thầu tối thiểu là 1,138 tỷ USD. Một trong những yêu cầu quan trọng đối với nhà thầu dự án này là phải cam kết bảo tồn và trùng tu tòa nhà với những giá trị lịch sử của nó. 

Dự kiến đến giữa năm 2022, dự án Guoco Midtown tại khu vực Beach Road của Singapore sẽ chính thức hoàn thành. Trong đó, dự án này sẽ biến tòa nhà 3 tầng của sở cảnh sát Beach Road thành khu vực tích hợp giữa tòa nhà văn phòng và trung tâm thương mại. Toàn bộ dự án có giá trị lên tới 2,4 tỷ USD. 

di sản, bảo tồn di sản, công trình, di tích lịch sử
Dự án Guoco Midtown được kỳ vọng là sẽ thay đổi bộ mặt của khu Beach Road. Ảnh: Property Guru

Dù dự án chưa chính thức hoàn thiện và diện mạo mới của sở cảnh sát Beach Road vẫn chưa được công bố, Midtown vẫn được kỳ vọng là dự án sẽ đem tới “làn gió trẻ” cho khu vực Beach Road giàu tiềm năng. Hơn 200 căn hộ nhà ở cao cấp, 770.000 m2 diện tích văn phòng cho thuê hạng A và 30.000m2 diện tích bất động sản bán lẻ và giải trí, trong đó bao gồm sở cảnh sát Beach Road là những con số cho thấy sự đồ sộ và xa hoa của một dự án quyết tâm đưa khu vực bảo tồn di tích lịch sử trở thành khu vực bất động sản trung tâm hạng sang. 

Ngay tại Việt Nam, dự án cải tạo tòa nhà Villa le Voile - “căn biệt thự phương Nam” ở TP.HCM, một di tích lịch sử của những năm 1920 từng được Không quân Pháp sử dụng làm văn phòng sau Thế chiến thứ hai cũng đã thu hút sự quan tâm, chú ý của công chúng. Dự kiến, tòa nhà này sẽ mở cửa chào đón khách tham quan vào quý IV năm 2022 với 03 nhà hàng hạng sang cùng hàng loạt các sự kiện triển lãm và giải trí. 

Bà Dorothy Chow, giám đốc bộ phận định giá và tư vấn khu vực châu Á của Colliers - công ty tư vấn bất động sản quốc tế nhận định: “Một công trình di tích luôn mang đậm ký ức của cư dân về những câu chuyện lịch sử, văn hóa của nó. Ngày nay, công chúng có một nhận thức mạnh mẽ về bảo tồn giá trị nghệ thuật và văn hóa với sự phát triển của thành phố. Sự bảo tồn những công trình lịch sử là điểm then chốt gây ấn tượng với khách hàng về mặt hình ảnh và cũng chính là động lực thúc đẩy tiềm năng thương mại của những công trình đó.”

Bà Dothory cũng khẳng định, những khu vực di tích hay tòa nhà cổ thường thu hút các công ty cung cấp dịch vụ ăn uống, các studio hoặc phòng triển lãm bởi những giá trị nghệ thuật độc đáo vốn có của chúng.

Trên thực tế, không thể phủ nhận sức hút của những công trình mang đậm giá trị nghệ thuật và văn hóa của những thế kỷ trước đối với cả chủ đầu tư, người thuê mặt bằng và du khách đến tham quan, trải nghiệm. Nếu được cải tạo tốt, những công trình này không chỉ giữ nguyên được những nét kiến trúc đặc sắc của riêng chúng, mà còn đem đến nguồn lợi kinh tế và giá trị lớn trên thị trường bất động sản. Khu vực giàu văn hóa độc đáo như châu Á có thể sẽ tiếp tục chứng kiến xu hướng tìm kiếm di tích lịch sử, công trình cổ để đầu tư sinh lời từ các nhà phát triển dự án bất động sản./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top